Làng ung thư Thạch Sơn: Từ đất đến trời đều độc

Không khí, đất, nước mặt, nước ngầm… ở xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao, Phú Thọ – nơi được mệnh danh là làng ung thư, đều ô nhiễm nặng nề bởi chất độc hóa học. Thậm chí cả mớ rau, con cá ở đây cũng nhiễm kim loại nặng và chất phóng xạ Thalium.

Những cánh đồng bị ô nhiễm ở Thạch Sơn. (Ảnh: VTV/Vnexpress)

Từ năm 1991 đến nay, xã Thạch Sơn có 106 người chết vì bệnh ung thư, hay gặp nhất là ung thư gan, phổi, dạ dày, vòm họng. 19 gia đình có ít nhất 2 người chết vì bệnh này (vợ chồng, hoặc bố con, mẹ con), trong đó một số họ có hơn 3 người mất mạng do ung thư. Tại khu Mom Dền, cách đây 15 năm đã có 200 hộ gia đình tự di dời đi nơi khác do không chịu nổi làn không khí ô nhiễm nặng từ nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao. 70% trong các gia đình này đã có người chết vì ung thư.

Cuộc khảo sát mà Bộ Tài nguyên môi trường vừa tiến hành ở Thạch Sơn cho thấy, không khí ở đây đang bị đầu độc nghiêm trọng bởi các loại khí thải công nghiệp như SO2, SO3, chì, H2S, NH3, HCl, HF, NO2… với hàm lượng vượt chuẩn cho phép, nhất là ở vùng xung quanh các nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao, nhà máy Pin ắc quy Phú Thọ. Chất độc lan tỏa trong không khí, theo hướng gió tới làm bẩn các hộ dân trong vùng dân cư. Ngoài ra, khí thở ở Thạch Sơn còn phải tiếp nhận khói từ 90 lò gạch và mùi hôi ở các cửa xả nước thải nhà máy giấy Bãi Bằng ra sông Hồng (đầy khí H2S).

Về nguồn nước, cả nước mặt và nước ngầm ở Thạch Sơn đều độc. Các ao hồ có hàm lượng cao NH4+, đồng, sắt, măngan, asen, chì – là những kim loại nặng có khả năng tích lũy nhiều trong cơ thể và gây ngộ độc mạn tính, dẫn đến nhiều bệnh tật cực kỳ nguy hiểm. Các mẫu nước giếng được khảo sát có độ pH thấp hơn tiêu chuẩn về nước ngầm và nước sinh hoạt. Chỉ tiêu vi sinh và một số kim loại cũng không đạt yêu cầu. Trầm tích đáy ở các giếng này đều có lượng chì rất cao, thậm chí một giếng còn có lượng chì cao gần gấp 3 tiêu chuẩn tối đa cho phép.

Không chỉ môi trường mà cả nông phẩm sản xuất ở Thạch Sơn cũng nhiễm độc. Các mẫu cá được kiểm nghiệm đều có hàm lượng kim loại như sắt, kẽm tương đối cao. Kim loại cũng có trong các mẫu rau trồng cạnh bãi xỉ của nhà máy Lâm Thao, thậm chí trong mẫu rau của một gia đình có lượng asen cao gấp đôi tiêu chuẩn. Đáng sợ nhất là sự có mặt của nguyên tố phóng xạ Thalium trong rau muống trồng cạnh mương dẫn nước thông với mương thoát nước xỉ của nhà máy Lâm Thao, với hàm lượng cao gần gấp đôi tiêu chuẩn cho phép.

Trong khảo sát trên, Bộ Tài nguyên môi trường còn kiểm tra chất lượng môi trường tại 15 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Kết quả là các mẫu không khí, nước, chất thải… đều ô nhiễm nặng về kim loại, chất dinh dưỡng, chất hữu cơ, pH, phenol… với mức độ vượt tiêu chuẩn từ 2 đến 20 lần. Gây ô nhiễm nặng nhất là nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao, nhà máy Pin ắc quy Phú Thọ, nhà máy giấy Bãi Bằng… Ngay cả ở thời điểm ngừng hoạt động, lượng chì trong không khí khu vực nhà máy Pin ắc quy vẫn là 0,23 mg/kg, trong khi tiêu chuẩn cho phép là 0,05 mg/m3.

Theo ông Phạm Khôi Nguyên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường, hiện chưa thể khẳng định ô nhiễm môi trường chính là nguyên nhân làm phổ biến bệnh ung thư ở Thạch Sơn, nhưng chắc chắn tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Vì vậy, Bộ kiến nghị các cơ quan chức năng yêu cầu 15 cơ sở sản xuất nói trên khẩn cấp xây dựng kế hoạch kiểm soát ô nhiễm môi trường toàn diện trước tháng 2 và hoàn tất xử lý cơ bản trong năm 2006. Bộ Y tế sẽ tiếp tục nghiên cứu để xác định nguyên nhân gây ung thư ở địa phương và hỗ trợ người dân chữa bệnh.

Ngoài Thạch Sơn, ở Việt Nam hiện còn xuất hiện nhiều làng ung thư khác, chẳng hạn như ở Quảng Nam, Nghệ An… “Nếu chúng ta quan tâm và kiểm tra sát sao thì chắc chắn trên đất nước này sẽ còn nhiều ‘Thạch Sơn’ nữa” – ông Phạm Khôi Nguyên nói.

Hải Hà

 

Theo Vnexpress