Lén mang cháo vào phòng chờ sinh cho vợ, bị bác sĩ quát… te tua

Lén mang cháo vào phòng chờ sinh cho vợ, bị bác sĩ quát... te tua

Chuyện đi đẻ có lẽ hấp dẫn, kịch tính và gây trí tò mò hơn bất cứ câu chuyện thâm cung bí sử nào. Những tình huống cười ra nước mắt ở bệnh viện sản vẫn luôn là chủ đề bàn tán sôi nổi của các mẹ nuôi con nhỏ. Người có kinh nghiệm thì hào hứng kể lể, người chưa có gia đình thì sợ hãi, ám ảnh. Dù có đến một nghìn lẻ một chuyện đi đẻ thì cũng chẳng có một công thức, khuôn mẫu chung nào. Mỗi mẹ đều sẽ trải nghiệm cảm giác “đau nhớ đời” khác nhau, chẳng ai giống ai. Mình kể lại câu chuyện đi đẻ của mình sau đây ở bệnh viện phụ sản Hà Nội, không  vì mục đích gây sợ hãi cho mọi người, mà với mong muốn và hy vọng các mẹ sẽ có tâm lý chuẩn bị từ trước để không bị “lơ ngơ như bò đội nón” khi vào phòng sinh.

Mình sinh con khá sớm, lúc 24 tuổi. Công ty mình làm việc cũng toàn người trẻ, ít khi buôn chuyện đi đẻ lắm. Khi mang bầu mình chỉ tập trung tìm hiểu chế độ dinh dưỡng, ăn uống nghỉ ngơi sao cho con phát triển đạt chuẩn, chứ hầu như không có khái niệm xem những hình ảnh hay video về quá trình sinh nở.

Mình có dấu hiệu chuyển dạ từ khoảng 3 giờ sáng. Đêm hôm đấy mình cảm thấy đau lưng nhiều, ngủ trằn trọc, không ngon giấc. Nửa đêm dậy đi vệ sinh thì phát hiện có ra chất nhầy màu hồng hồng hơi đỏ. Tức tốc chạy vào giường gọi lão chồng đáng kính đang ngáy như sấm rồi nói liến thoắng “em sắp đẻ rồi, sắp đẻ rồi.” Chồng lơ mơ chẳng hiểu gì, một phút sau máu mới lên não thì bật dậy như lò xo và còn cuống hơn cả mình.

Lén mang cháo vào phòng chờ sinh cho vợ, bị bác sĩ quát... te tua

Tự dưng lúc đó mình bình tĩnh lại và nhớ những gì đã được học ở lớp tiền sản. Tức là đối với sinh con so, nếu có dấu hiệu máu báo thì cứ từ từ, vệ sinh cơ thể sạch sẽ, ăn nhẹ rồi mới vào viện. Mình cũng bảo với chồng như vậy và rất tự tin với kiến thức của mình. Mình đóng băng vệ sinh rồi vào nằm tiếp và bảo chồng yên tâm. Khoảng 15 phút sau đó mình cảm thấy phía dưới bị rỉ nước, mình đoán là bị vỡ/rỉ ối rồi nên lại ngồi dậy và nói với chồng.

Mình đã định tắm gội sạch sẽ theo như kinh nghiệm các mẹ trước truyền lại, nhưng vì bố mẹ chồng sợ mình đẻ rơi nên cả nhà khăn gói vào bệnh viện. Trước khi vào viện, mình ăn trứng luộc. Sau này đọc lại kinh nghiệm đi đẻ mới biết khi đã bị vỡ/ rỉ ối thì chỉ nên ăn cháo loãng, uống sữa tươi chứ không ăn thức ăn rắn như trứng luộc.

Vào viện, mình được mẹ chồng đưa vào phòng cho bác sỹ khám trước, trong khi đó chồng mình đi làm thủ tục nhập viện. Lúc đó khoảng gần 4 giờ sáng, vào chủ nhật nhưng trong bệnh viện vẫn tấp nập như ngày thường. Mình được thay bộ áo váy to đùng, và một đôi dép đi trong viện. Sau đó mình được chuyển lên khu vực chờ sinh (mình chọn sinh có bảo hiểm). Lúc này mình sẽ bị tách biệt hoàn toàn với người thân, “hành trang” mang theo là một chai nước, một chiếc điện thoại và túi bỉm. Nói là tách biệt nhưng chồng vẫn có thể nhìn mình ở hành lang và vẫn có thể chuyển đồ đạc cho mình nếu mình cần.

Ấn tượng đầu tiên là vào đây đông vui như trẩy hội. Vì là khu vực chờ sinh nên hầu như các mẹ vẫn chưa đau đẻ, cơn co tử cung chưa mạnh và nhanh nên mọi người khá ung dung, bắt chuyện với nhau vui vẻ. Lúc đó vì thiếu kinh nghiệm nên mình nghĩ chuyện đi đẻ thật nhẹ nhàng, chẳng có gì đáng sợ và rất tự đắc vì kiểu này mình sẽ đẻ thường 100% rồi.

Nhưng lúc này mới bắt đầu kinh hoàng, khi mà tất cả mẹ bầu phải đứng xếp hàng chờ đến lượt nằm lên bàn và bác sỹ sẽ khám trong. Mà kỳ lạ trong này toàn bác sỹ nam khám, nữ thì chỉ làm việc vặt hoặc là hộ lý thôi. Ai cũng đùn đẩy nhau, trốn xuống hàng dưới cùng. Thấy vậy, bác sỹ quát lên “ai cũng phải khám, không ai thoát được”. Khám trong có lẽ là điều kinh khủng nhất, vì tay bác sỹ vừa to và lại dùng lực mạnh, khi ấy cổ tử cung chưa mở nhiều nên lại càng đau, hơn nữa cứ phải nằm tơ hơ rồi “vạch” ra “hồn nhiên” như chỗ không người. Mà nếu khép nép, e ngại là sẽ bị mắng ngay lập tức. Thực ra cũng phải hiểu cho bác sỹ, vì đông bệnh nhân, ai cũng làm vậy thì tốn thời gian và không được việc.

Lén mang cháo vào phòng chờ sinh cho vợ, bị bác sĩ quát... te tua

Bác sỹ khám trong để biết đã mở được bao nhiêu phân, nếu mở khoảng 8 phân thì sẽ chuyển sang phòng đẻ, ngay sát phòng chờ đẻ. Thực ra đây là một phòng rất rộng và dài, ngăn thành hai khu phòng chờ đẻ và phòng đẻ. Mình chọn sinh ở khu bảo hiểm chứ không chọn khu dịch vụ để tiết kiệm chi phí. Nhưng cũng có cái hay vì mình được chứng kiến nhiều chuyện hay ho và đông vui nữa.

Lại kể tiếp, sau khi khám trong xong, chúng mình được “lùa” ra ngoài hành lang, muốn làm gì thì làm. Thông thường mọi người đi bộ hoặc cũng có người hơi hơi đau thì nằm. Chồng mình vẫn đứng ở cuối hành lang, trông có vẻ căng thẳng nên mình gọi điện bảo “anh yên tâm, các bác sỹ không mắng mỏ gì đâu”.

Mình còn bị khám trong mấy lần nữa, rồi mới được chuyển lên bàn chờ đẻ. Lúc này bác sỹ truyền thuốc kích thích co tử cung. Hầu như ai cũng bị vậy, để rút ngắn thời gian chuyển dạ. Cũng có khoảng 6-7 mẹ khác nằm cùng khu với mình.

Sau khi truyền thuốc khoảng 30 phút, mình bắt đầu cảm nhận cơn co rõ ràng hơn và đau hơn. Bắt đầu rên rỉ, nhăn nhó nhưng không dám kêu to vì sợ bác sỹ, hộ lý ở đó mắng. May thay một lúc sau mọi người ra ngoài hết, chỉ còn toàn những mẹ bầu như mình thôi. Thế là đủ các thể loại rên rỉ, hò hét, kêu la, người thì kêu mẹ ơi, chồng ơi, trời ơi. Nhưng buồn cười nhất là kêu “cụ ơi”. Mình vừa đau vừa kêu vừa nhìn ngó xung quanh xem các mẹ khác thế nào. Duy chỉ có một mẹ nằm cạnh mình không kêu mấy. Lúc sau các bác sỹ vào, câu nói mình nghe được nhiều nhất là “kêu ca gì, ai cũng phải đẻ, ai mà chả đau, kêu nhiều thì hết đau à, đau mới đẻ được chứ”. Biết vậy nhưng vẫn phải rên la cho bớt cảm thấy đau. Một chị hộ lý tiến đến gần mình và nói “điều em mong nhất bây giờ là gì”. Mình trả lời ngoan ngoãn “Dạ em mong được gặp con em ạ”, mặc dù lúc đó mình đau lắm không nghĩ được như vậy. Rồi chị ta quát, “thế đừng có mà khóc và kêu nữa, chị bên cạnh cũng đau mà chị ý có kêu đâu”. Mình cố gắng không kêu, chịu đựng cơn đau và nhớ lại mấy cách tập thở học được ở lớp tiền sản.

Đến gần trưa mình vẫn chỉ mở được 6 phân, mọi người đi ăn trưa hết, chỉ còn các mẹ bầu trong phòng. Tự dưng lúc đó mình thèm cháo, nên gọi chồng nhờ chồng mua cháo mang vào cho. Khoảng 20 phút sau mới thấy chồng mang cháo vào. Chồng vừa kịp chạy vào đưa cho mình cặp lồng cháo thì bị một chị hộ lý đi ăn về bắt gặp và quát: “anh không biết xấu hổ à, sao anh lại vào đây, bao nhiêu mẹ nằm tơ hơ thế kia mà anh không có lòng tự trọng à, muốn đưa đồ gì cho vợ thì gặp tôi tôi đưa cho…”. Lúc đấy chồng im re không nói câu gì, thấy vụt đi rất nhanh. Sau này nhiều lúc mình vẫn hỏi lại trêu chồng, chồng vẫn thề thốt bảo lúc đó anh không thấy gì đâu.

Chưa kịp ăn cháo thì mình bị chuyển vào phòng đẻ. Trong đó có 3 mẹ nữa cũng sắp sinh, đang nằm vật vã. Ở phòng chờ đẻ có nhiều bác sỹ, hộ lý hơn vì cần theo dõi nhiều hơn. Từ lúc đó đến 3 giờ chiều mình vẫn chỉ mở được 8 phân. Những lúc không đau mình đứng lên nhìn mẹ bên cạnh rặn đẻ. Được chứng kiến tận mắt cảnh sinh thường mà mình cũng không có cảm giác gì mấy, có lẽ vì quá mệt và đau nên bị đơ cảm xúc chăng. Chị bên cạnh mình sinh con thiếu tháng, con vừa chui được ra thì chị ý kêu khóc van xin các bác sỹ cứu lấy con chị. Nghe đến là thương! Khi được bác sỹ an ủi là yên tâm con vẫn khỏe mạnh thì chị ý mới thôi. Còn một chị nữa cũng làm mình nhớ mãi. Con chị bị chết lưu trong bụng, chị đau và mệt nên xin bác sỹ chuyển mổ, nhưng bác sỹ nói không được, cố để cho thai ra tự nhiên sẽ tốt hơn, đằng nào con cũng chết rồi. Mình ấn tượng cảnh đó vì các bác sỹ rất bình thản, chị ấy thì không hề khóc, chắc vì quá đau khổ nên không thể khóc được nữa, hoặc đã khóc cạn nước mắt rồi.

Trước đây mình lấy làm lạ vì tại sao các bác sỹ có thể giữ thái độ điềm nhiên như không trước những chuyện chết chóc. Nhưng khi vào đây, mình hiểu phần nào lý do đó. Nếu các bác sỹ cũng dễ xúc động, dễ bị ảnh hưởng tâm lý vì những chuyện như vậy, thì sẽ không thể tập trung làm việc, cứu giúp những bệnh nhân khác.

Lén mang cháo vào phòng chờ sinh cho vợ, bị bác sĩ quát... te tua

Quay lại chuyện đi đẻ, mình vẫn mở 8 phân, cơn co bắt đầu ít dần và mình đuối sức. Nhìn thấy các mẹ bên cạnh đã mẹ tròn con vuông, mình bỗng xin bác sỹ cho chuyển mổ. Mình hỏi bác sỹ “khoảng mấy tiếng nữa thì em mở hết 10 phân ạ?”. Lúc đó 3 giờ, bác sỹ bảo tình trạng này khoảng 8-9h tối mới đẻ được. Bác sỹ vẫn khuyên nên đẻ thường, nhưng một lúc sau bác sỹ lại hỏi “có mệt không”, mình gật đầu bảo có. Sau đó bác sỹ bảo đẻ mổ đi vì sợ đơ tử cung.

Mình đuối sức một phần, phần nữa vì không có ai bên cạnh động viên cố đẻ thường, và cũng thiếu kiến thức về đẻ thường và đẻ mổ, nên đã quyết định chọn mổ. Người nhà từ chồng và bố mẹ hai bên thì lo lắng và cũng đồng ý cho đẻ mổ vì sợ mình yếu. Sau này khi đọc thêm kiến thức về sinh đẻ mới thấy áy náy vì ngay từ đầu đã không thể cho con những gì tốt nhất. Mình có cơ hội sinh thường nhưng cuối cùng đã tự mình tước đi cơ hội đó.

Đẻ mổ diễn ra rất nhanh, tất cả các khâu từ chuẩn bị, tiến hành mổ, đến vệ sinh cho con sau sinh chỉ khoảng 20-30 phút. Mình được gây tê màng cứng nên không đau chút nào và vẫn tỉnh táo, vẫn cảm nhận được bác sỹ đang làm gì. Khi nghe thấy tiếng trẻ con khóc, mình chẳng nghĩ gì cả, đến lúc chị hộ lý bên cạnh nói “con khóc đấy” mình mới vỡ òa. Một lúc sau, bác sỹ bế con lại gần mình cho mình nhìn mặt. Sau đấy hai mẹ con bị xa nhau tận 6 tiếng (do mình phải nằm phòng hậu phẫu theo dõi sau mổ) mới được gặp nhau.

Đúng là người tính không bằng trời tính. Tất cả những gì mình tưởng tượng khi đi sinh khác xa với thực tế hiện tại. Mình đã trải nghiệm cả cơn đau đẻ và đau mổ. Nhiều người nghĩ mình khổ, nhưng mình lại nghĩ khác. Mình thấy may mắn vì được cảm nhận cơn co, biết thế nào là đau đẻ – điều mà có thể tập 2 mình sẽ không được trải nghiệm nữa vì khi đó sẽ mổ chỉ định luôn. Nếu thai kỳ bình thường, con không quá to, mẹ không mắc bệnh gì thì các mẹ cố gắng đẻ thường nhé. Đẻ thường thì hai mẹ con được gặp nhau luôn, sữa về nhanh hơn, hai mẹ con lại được da kề da và vô vàn lợi ích khác nữa. Đừng như mình xin bác sỹ mổ nhé, nếu xin là bác sỹ đồng ý ngay tức khắc luôn đấy.

Gia An

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.