Liên cầu lợn: Hiểm họa tiềm tàng từ thịt chưa nấu chín, tiết canh

Liên cầu lợn là loại vi khuẩn nguy hiểm. Nó tồn tại trong cơ thể lợn nhưng khi người tiếp xúc với lợn mà không có các biện pháp bảo vệ hoặc ăn thịt nhiễm khuẩn chưa chín hay tiết canh có thể khiến liên cầu vào cơ thể người gây bệnh.

Mới đây, một bệnh nhân 52 tuổi ở Hà Nội nghiện rượu thường ăn tiết canh đã phải nhập viện. Triệu chứng sốt cao, trên da có ban hoại tử sau đó xuất hiện sốc nhiễm trùng, hôn mê, trên da toàn thân có nhiều màng xuất huyết hoại tử. Qua kiểm tra phát hiện liên cầu lợn trong máu và dịch não tủy.

Một bệnh nhân khác 36 tuổi cũng thường xuyên ăn tiết canh, làm nghề bán thịt lợn, mới đây xuất hiện triệu chứng sốt cao, ban xuất huyết hoại tử trên da, đau đầu, tiêu chảy.

Hồi năm 2012, một bệnh nhân 47 tuổi ở Quảng Nam xuất hiện những triệu chứng nêu trên sau khi ăn thịt lợn bệnh cùng một nhóm người khác. Sau đó, người đàn ông này bị co giật, sốt và các xuất huyết hoại tử trên da. Trong khi người đàn ông này bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn thì những người khác không bị, nguyên nhân được cho là do sức đề kháng yếu.

Hồi năm ngoái, một bệnh nhân 49 tuổi cũng bị tử vong do nhiễm liên cầu lợn. Người này xin lợn bị ốm chết của hàng xóm về làm thịt để ăn. Sau khi ăn xuất hiện triệu chứng buồn nôn, đau đầu, tiêu chảy. Người nhà đưa đi cấp cứu thì được xác định bị nhiễm liên cầu khuẩn.

Hồi tháng 6/2014, bệnh nhân 39 tuổi ở Ninh Bình sau khi ăn tiết canh ở chợ đã xuất hiện triệu chứng nôn mửa, đau đầu, khó thở. Người này cũng có tiền sử nghiện rượu, khi xuất hiện triệu chứng như vậy chỉ nghĩ là do cảm cúm thông thường nên điều trị tại nhà. Tuy nhiên, một thời điều trị không thuyên giảm, khi nguy kịch mới đưa đi cấp cứu ở tuyến trên.

Bỏ ngay thói quen ăn tiết canh, nem chạo, thịt sống

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Tuấn Anh (chuyên khoa truyền nhiễm) cho hay, hiện nay, nhiều người vẫn còn có thói quen ăn tiết canh. Thậm chí có người quan niệm rằng, đánh tiết canh là cách làm chín. Nhưng hoàn toàn không phải vậy, khi tiết canh chưa được nấu chín bằng nhiệt độ thì vi khuẩn, virus, ký sinh trùng vẫn còn tồn tại. Và chỉ cần người khỏe ăn vào có thể gây bệnh ngay. Thói quen ăn tiết canh gây nhiều bệnh và trong đó đáng sợ là nhiễm liên cầu lợn.

Vi khuẩn liên cầu lợn Streptococcus suis là nguyên nhân gây bệnh liên cầu lợn. Nguyên nhân của bệnh này do ăn thịt lợn nhiễm bệnh chưa được nấu chín, ăn tiết canh, nội tạng lợn không được luộc chín, liên cầu lây qua vết thương hở trên, tay, cơ thể người khi làm thịt, bán thịt hoặc chọn thịt lợn sống.

Vi khuẩn này trú ngụ trong họng, hầu, dạ dày, tiêu hóa của lợn khỏe mạnh, chúng cũng có thể tồn tại trong lợn bệnh. Vi khuẩn này tồn tại 10 phút với nhiệt độ 60 độ. Do đó, nấu chín thực phẩm từ lợn là cách để tiêu diệt vi khuẩn nguy hiểm này.

Người bị nhiễm liên cầu lợn có triệu chứng đau đầu, nôn, ù tai, mệt mỏi, thậm chí co giật, sốt cao, lơ mơ, tụt huyết áp. Ngoài ra, trên da xuất hiện xuất huyết dưới da từng mảng, xuất huyết đường tiêu hóa… Bệnh diễn tiến nhanh, nếu không kịp thời phát hiện sẽ trở nên nguy kịch với nhiễm trùng máu, ngấm vào nội tạng gây suy đa phủ tạng, có thể dẫn đến tử vong.

Với sự nguy hiểm của liên cầu lợn, khi bị bệnh có thể phải điều trị lâu dài có người kéo dài cả tháng trời, tốn kém nhiều chi phí. Trên thực tế, sau khi bị nhiễm liên cầu lợn, lần sau vẫn có thể mắc lại. Trong khi đó, đáng lo ngại là những di chứng nặng nề sau khi bị nhiễm liên cầu lợn trong đó có hiện tượng giảm khả năng nghe, thậm chí là bị điếc hoàn toàn.

Để phòng căn bệnh này cần phải thực hiện ăn chín, uống sôi. Tuyệt đối không ăn thịt lợn ốm, chết do bất cứ bệnh gì, không ăn tiết canh. Ngoài ra, khi mổ lợn cần lưu ý các vết thương trên tay và cơ thể, tránh để chúng tiếp xúc với thịt lợn hoặc phải dùng các biện pháp bảo hộ cẩn thận.

Chọn thịt lợn rõ nguồn gốc, thịt lợn được kiểm dịch. Không ăn, mua hoặc bán thịt lợn ốm, chết vì bệnh dịch, rất nguy hiểm với sức khỏe con người.

Linh Anh

 

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.