Mỗi hành tinh giữ lại cho mình một nét đặc biệt, vượt lên trên tất cả phần còn lại của vũ trụ.
Trái đất đến nay vẫn là “độc nhất vô nhị” về khả năng nuôi dưỡng sự sống. Và đó cũng là lý do vì sao hành tinh của chúng ta đặc biệt nhất trong toàn bộ vũ trụ này.
Tuy nhiên, không phải chỉ có Trái đất đặc biệt. Với hàng ngàn tỉ hành tinh trong thiên hà rộng lớn, nhiều hành tinh cũng mang trong mình những nét khác biệt nổi trội so với phần còn lại.
1. Hành tinh nóng nhất vũ trụ
Trong hệ Mặt trời, sao Thủy là có quỹ đạo gần với Mặt trời nhất, nên cũng không có gì lạ khi nhiệt độ bề mặt hành tinh có thể lên tới 430 độ C.
Bản thân Mặt trời có nhiệt độ khoảng 5.500 độ C. Tuy nhiên, có bao giờ bạn nghĩ một hành tinh lại có nhiệt độ gần như tương đồng với một ngôi sao? Xin mời đến với hệ sao – hành tinh sao KELT-9 (hay HD 195689) cách chúng ta 615 năm ánh sáng.
KELT – 9b là một hành tinh có độ nóng vượt xa nhiều ngôi sao lùn đỏ.
KELT-9 là một ngôi sao khổng lồ, có khối lượng lớn hơn Mặt trời tới 2,5 lần, và nhiệt độ bề mặt lên tới 10.000 độ C.
Vấn đề nằm ở chỗ, một trong số các hành tinh xoay quanh nó là KELT-9b có quỹ đạo thậm chí còn gần hơn sao Thủy với Mặt trời rất nhiều lần.
Ước tính, sao Thủy mất 88 ngày để đi hết một vòng quanh Mặt trời, trong khi chu kỳ của KELT-9b chỉ vỏn vẹn… một ngày rưỡi.
Đó cũng chính là lý do khiến hành tinh này đạt danh hiệu “nóng nhất vũ trụ”, với nhiệt độ trung bình bề mặt rơi vào khoảng 4.300 độ C, tức là chẳng khác gì một ngôi sao cỡ nhỏ.
2. Hành tinh lạnh nhất vũ trụ
OGLE-2005-BLG-390Lb là hành tinh lạnh nhất vũ trụ.
Với nhiệt độ chỉ lớn hơn “độ 0 tuyệt đối” (0 độ K hay -273 độ C) khoảng 50 độ C, OGLE-2005-BLG-390Lb mới đây đã được xác nhận là hành tinh lạnh nhất vũ trụ từ trước đến nay.
Hành tinh này có khối lượng bằng 5,5 lần Trái đất, có khoảng cách không quá xa so với ngôi sao chủ của nó (gần như chỉ tương đương khoảng cách giữa sao Mộc và Mặt trời). Vấn đề chỉ là vì nó xoay quanh một ngôi sao lùn đỏ có khối lượng quá thấp.
Với nhiệt độ như vậy, hành tinh thậm chí còn không có nổi một bầu khí quyển, vì các loại khí đã bị đóng băng, tạo nên lớp băng tuyết vĩnh cửu trên bề mặt hành tinh.
3. Hành tinh lớn nhất vũ trụ
Sao lùn nâu là những ngôi sao có kích cỡ lớn hơn hành tinh, nhưng nhỏ hơn sao thường rất nhiều.
Sao khác với hành tinh ở chỗ chúng có khối lượng cực kỳ lớn, với lực hấp dẫn cực mạnh đủ để kích hoạt quá trình nhiệt hạch xảy ra.
Nhưng giữa sao và hành tinh còn một dạng tinh cầu khác. Đó là những ngôi sao đủ lớn để bắt đầu quá trình nhiệt hạch, nhưng không đủ để duy trì liên tục. Chúng được gọi là sao lùn nâu.
Sao lùn nâu là những ngôi sao có kích cỡ lớn hơn hành tinh, nhưng nhỏ hơn sao thường rất nhiều. Ví dụ như hành tinh DENIS-P J082303.1-491201 b, nó có khối lượng lớn gấp 28,5 lần sao Mộc, và là hành tinh lớn nhất từ trước đến nay do NASA tìm thấy.
Có điều nó lớn đến nỗi chính NASA và nhiều nhà khoa học khác phải tranh cãi xem nên xếp nó vào loại gì: một hành tinh như sao Mộc, hay là sao lùn nâu.
4. Hành tinh nhỏ nhất vũ trụ
Kích cỡ chỉ nhỉnh hơn Mặt trăng một chút.
Lớn hơn Mặt trăng và nhỏ hơn sao Thủy, đó là Kepler-37b – hành tinh “tí hon” của vũ trụ.
Hành tinh này có nhiệt độ bề mặt cực nóng, vì quỹ đạo xoay quanh sao chủ còn gần hơn cả sao Thủy với Mặt trời.
5. “Bô lão” của vũ trụ…
Hành tinh PSR B1620-26 b là hành tinh già nhất trong vũ trụ.
Theo nhiều lý thuyết ước, vũ trụ hình thành vào 13,8 tỉ năm trước. Vậy mà hành tinh PSR B1620-26 b đã… 12,7 tỉ năm tuổi, và điều đó đã biến “cụ” thành hành tinh già nhất trong vũ trụ.
“Cụ” PSR B1620-26 b là một tinh cầu khí khổng lồ, có khối lượng gấp 2,5 lần sao Mộc, xoay quanh 2 ngôi sao chủ, trong đó có một ngôi sao neutron.
Nhưng “ra đời” sớm quá cũng có cái khổ. Khi hình thành ở một thời điểm quá sớm, có vẻ như hành tinh không có được những nguyên tố cần thiết cho sự sống xuất hiện.
6. …và “măng non” của các thiên hà
Hành tinh này mới được hình thành khoảng 2 triệu năm trước.
Hệ sao – hành tinh V830 Tauri trẻ nhất vũ trụ mới được hình thành khoảng 2 triệu năm trước. Con số này là rất dài với một đời người, nhưng so với vũ trụ thì chẳng khác gì một cái chớp mắt.
Sao chủ của hệ này có khối lượng chỉ bằng Mặt trời nhưng bán kính lớn gấp 2, tức là vẫn cần thêm thời gian để hoàn thiện. Trong khi đó, hành tinh này có khối lượng bẳng 3/4 sao Mộc, và có vẻ vẫn tiếp tục “lớn thêm”.
7. Nơi có khí hậu khắc nghiệt nhất
Lần này ngôi vị thuộc về một hành tinh trong chính hệ Mặt trời của chúng ta: sao Kim!
Không khí trên sao Kim ngập tràn acid sulfuric.
Sao Kim vốn có kích thước ngang với Trái đất, nhưng không khí thì ngập tràn acid sulfuric. Tại đây, bầu khí quyển di chuyển còn nhanh hơn tốc độ quay của chính hành tinh nên không hề có gió. Thay vào đó, hình ảnh thường ngày trên sao Kim là những cơn cuồng phong với tốc độ lên tới 360km/h.
Ngoài ra, bầu khí quyển của sao Kim dày hơn Trái đất khoảng 100 lần, nhưng 95% là CO2. Nó tạo ra hiệu ứng nhà kính rất kinh khủng, khiến nhiệt độ bề mặt của hành tinh chạm ngưỡng 462 độ C – tức là nóng hơn cả sao Thủy dù không gần Mặt trời bằng.
Tuy nhiên, cũng cần biết rằng chưa chắc sao Kim đã có khí hậu khắc nghiệt nhất vũ trụ. Chỉ là các exoplanet (hành tinh ngoài hệ Mặt trời) nằm ở khoảng cách quá xa, nên chúng ta chẳng thể quan sát khí hậu trên đó mà thôi.
Theo Trí Thức Trẻ