Trong cơn mưa nặng hạt, giữa đêm tối mịt mùng, nhà nghiên cứu Phùng Mỹ Trung lặng lẽ tìm kiếm ở đám cây bụi nằm sát biển và điều kỳ diệu đã đến – anh tìm ra loài mới thằn lằn chân ngón tạo.
Phát hiện loài thằn lằn mới ở đảo Phú Quý, Bình Thuận
Loài thằn lằn mới có tên khoa học là Dixonius taoi, còn gọi là thằn lằn chân ngón tạo, vừa được phát hiện ở đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận. Nó được đặt theo tên của nhà nghiên cứu Nguyễn Thiên Tạo (Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam) nhằm vinh danh những đóng góp to lớn của ông trong lĩnh vực nghiên cứu bò sát, lưỡng cư ở Việt Nam.
Loài mới dài khoảng 44mm, có 7-8 vảy môi trên, 11-12 hàng u lồi quanh giữa thân, 21-23 hàng vảy bụng. Thân màu nâu với những đốm vàng xếp thành hai hàng chạy song song dọc hai bên sườn, lưng có nhiều vệt nâu sẫm tạo thành hình mạng lưới.
Thằn lằn Dixonius taoi. (Ảnh: Phùng Mỹ Trung).
Đây là loài thứ năm thuộc giống Dixonius (thằn lằn chân lá) được phát hiện ở Việt Nam. Loài bò sát kiếm ăn đêm này thường sống ở rừng sát biển và khu vực đất nông nghiệp thấp, nơi có nhiều lớp đá mặt bị nước cuốn tạo nên bề mặt nhẵn. Đôi lúc, giới khoa học thấy chúng nằm lẫn trong đám lá khô ở rừng. Thức ăn của loài là côn trùng sống trong khu vực.
Nhà nghiên cứu bò sát lưỡng cư Phùng Mỹ Trung nhớ lại ngày đến đảo Phú Quý đúng lúc trời mưa to gió lớn. Sau gần một ngày trên tàu, cuối cùng anh cũng đặt chân đến đảo nhưng không mấy vui khi chứng kiến toàn bộ khu rừng ở đây đã bị tàn phá. “Hầu hết là đất canh tác nông nghiệp của những hộ dân trên đảo, chỉ còn một số loài cây dứa dại Pandanus odoratissimus mọc ở một vài khu vực còn sót lại ven biển”, anh Trung nói.
Với kiểu sinh cảnh này, anh nghĩ sẽ chẳng còn con bò sát nào tồn tại. Nhưng đam mê của một người nghiên cứu không cho phép anh ngừng hy vọng về những loài còn sót lại ở vùng đảo bị tàn phá đến cạn kiệt này.
Trong cơn mưa nặng hạt, bầu trời đêm mịt mùng cùng gió biển, Phùng Mỹ Trung lặng lẽ tìm kiếm trong các đám cây bụi còn sót lại nằm sát biển và khu vực đất nông nghiệp. “Cái lạnh của những cơn gió biển đã thấm sâu vào da thịt. Nhưng tôi vẫn không dừng bước, tìm mãi, tìm mãi, cuối cùng thì trời không phụ lòng người khi vào khoảng 2h sáng, tôi thu được hai mẫu cá thể con non thuộc giống Dixonius”, anh Trung kể. Từ đó, anh hy vọng sẽ bắt thêm vài cá thể trưởng thành và điều kỳ diệu đã đến trong niềm hân hoan khó tả.
Loài mới được nhà nghiên cứu Phùng Mỹ Trung tìm kiếm trong đêm khuya mưa gió. (Ảnh: Phùng Mỹ Trung).
Nói về nghiên cứu trên, tiến sĩ Nguyễn Quảng Trường (Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật) cho rằng, các phát hiện mới ở vùng biển đảo Việt Nam có vai trò rất quan trọng, bởi không chỉ đánh giá nỗ lực của các nhà nghiên cứu Việt Nam mà còn khẳng định chủ quyền quốc gia. “Chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều nhà khoa học trẻ làm vinh danh người Việt”, ông Trường nói.
Theo VnExpress