Tiếp xúc “da kề da” là khi bé được đặt trần không áo quần trên ngực hoặc bụng trần của mẹ. Mặt, ngực, bụng và chân của bé áp sát người mẹ, không có khoảng trống. Bé có thể mặc bỉm và đội mũ. Đầu bé nghiêng về một bên, trên mình đắp một tấm chăn ấm. Theo WHO, phương pháp này cần được thực hiện liên tục trong vòng ít nhất 1 giờ ngay sau sinh và lặp lại càng thường xuyên càng tốt trong những tuần đầu. Trường hợp trẻ sinh mổ, tiếp xúc ‘da kề da’ cần được thực hiện ngay khi mẹ tỉnh táo, có thể đáp ứng với xung quanh.
Cú sốc đầu đời và phương pháp sinh con nhẹ nhàng
Những giờ đầu tiên sau sinh là một cú sốc lớn với bé sơ sinh. Trong nhiều nền văn hóa, trẻ được quấn da kề da với mẹ ngay sau sinh và được ở rất gần mẹ trong những ngày đầu đời. Tạo hóa đã lập trình để bé sơ sinh được cận kề mẹ vì điều này tốt cho trẻ và giúp bé cơ hội sống sót. Tiếp xúc da kề da giữa mẹ và bé, nhất là với bé sinh non, đang ngày càng được quan tâm và đánh giá cao. Cách đây gần 40 năm, tại Mỹ đã dấy lên phong trào “Sinh con nhẹ nhàng” sau khi cuốn sách “Sinh con không bạo lực” ra mắt vào năm 1974. Trong cuốn sách này, bác sĩ sản khoa người Pháp Ferderick Leboyer đã đề xuất nhiều biện pháp giúp cuộc sinh của người mẹ trở nên nhẹ nhàng hơn, trong đó có việc đặt bé sơ sinh da kề da lên bụng mẹ.
Hơn 4 thập kỷ nghiên cứu đã chứng minh rằng trong những tháng đầu đời, tiếp xúc da kề da, hay còn gọi là phương pháp chăm sóc Kangaroo, mang lại những lợi ích đáng kể cho mẹ và bé. Ngày càng có nhiều trung tâm sản khoa trên thế giới áp dụng phương pháp này. Thống kê của Mỹ tại thời điểm 2009 cho thấy 43% bệnh viện tại nước này áp dụng chính sách chăm sóc da kề da cho mẹ và con trong vòng 1 giờ sau sinh thường không biến chứng, 32% bệnh viện áp dụng chính sách này cho mẹ và con trong vòng 2 giờ sau sinh mổ không biến chứng.
Tại Việt Nam, tháng 11/2014, Bộ Y tế đã ban hành ‘Hướng dẫn chuyên môn chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ’, trong đó có đề cập tới phương pháp tiếp xúc da kề da cho bà mẹ và trẻ sơ sinh. Nhiều bệnh viện Phụ sản – Nhi trong cả nước đã áp dụng phương pháp này và bước đầu thu được các phản hồi tích cực. Mới đây, chiến dịch “Cái ôm đầu tiên” khuyến khích thực hành tiếp xúc da kề da giữa mẹ và con ngay sau sinh do Bộ Y tế phối hợp với WHO tổ chức ngày 17/7 cũng thu hút được sự quan tâm của nhiều người dân, đặc biệt là các bà mẹ chuẩn bị sinh con.
Tiếp xúc ‘da kề da’ là cách tuyệt vời để mẹ và con sớm phục hồi sau một hành trình gian nan và tràn ngập cảm xúc, là phương thức hữu hiệu kết nối tình mẫu tử và cú hích mạnh khuyến khích bé bắt đầu bú mẹ. Có rất nhiều bằng chứng cho thấy lợi ích lớn lao của tiếp xúc ‘da kề da’ giữa mẹ và con.
Lợi ích cho bé
1. Ổn định thân nhiệt, nhịp tim, nhịp thở và đường huyết
Duy trì nhiệt độ cơ thể là điều hết sức quan trọng đối với trẻ sơ sinh. Sự chuyển tiếp từ môi trường ấm áp trong tử cung ra môi trường ngoài lạnh lẽo, cộng thêm làn da ẩm ướt khiến trẻ rất dễ bị nhiễm lạnh. Tạo Hóa đã lập trình để chăm lo việc này. Ngực của mẹ ấm hơn nhiều so với các vùng khác của cơ thể, chỉ trong vòng vài phút sau khi tiếp xúc ‘da kề da’, ngực mẹ sẽ tự điều chỉnh để làm ấm hay làm mát bé sơ sinh, tùy theo nhu cầu của trẻ. Nếu mẹ sinh đôi thì ngực mẹ cũng có thể phản ứng độc lập để chăm cho cả hai bé cùng lúc. Một nghiên cứu tiến hành ở các sản phụ sinh mổ cho thấy, trẻ được bố của mình bế ‘da kề da’ có thân nhiệt và nồng độ đường máu cao hơn so với các bé được đặt trong lồng ấp. Tiếp xúc ‘da kề da’ cũng giúp cơ thể bé học cách tự điều chỉnh, giữ ổn định các chỉ số sinh học cơ bản như nhịp tim, nhịp thở, huyết áp và đường máu.
2. Giảm khóc và căng thẳng
Tiếp xúc ‘da kề da’ giữa mẹ và con chỉ trong vòng 20 phút đã giúp làm giảm 67-72% nồng độ cortisol (hoóc môn gây stress) trong cơ thể bé. Kề cận mẹ cũng giúp bé đỡ đau và nhanh chóng phục hồi sau cuộc đẻ. Kết quả là bé được chăm sóc theo cách này thường ít quấy khóc và ít căng thẳng hơn.
3. Bảo vệ bé khỏi tác hại của việc tách khỏi mẹ
Nếu bị tách khỏi mẹ ngay khi mới sinh, tất cả các loài thú đều có phản ứng giống nhau: ‘phản đối’ rồi ‘tuyệt vọng’. Ban đầu, con thú nhỏ ‘phản đối’ bằng tiếng gào khóc và ngọ nguậy dữ dội. Đây là đáp ứng bản năng khi thú con bị đẩy khỏi ‘môi trường sống tự nhiên’, nơi nó được cho ăn, ủ ấm và cảm thấy an toàn. Tiếng khóc to và sự ngọ nguậy là sự phản đối của thú con nhằm thu hút sự chú ý của thú mẹ, để lại được gần gũi mẹ. Nếu mẹ và con bị cách ly trong một giai đoạn dài, phản ứng tiếp theo của thú nhỏ sẽ là ‘tuyệt vọng’. Nó có thể ngừng khóc, thôi không dẫy dụa và chỉ nằm yên – nó đã đầu hàng. Đây cũng là một hành vi bản năng nhằm tránh thu hút sự chú ý từ những kẻ săn mồi. Lúc này tất cả các hệ cơ quan hoạt động chậm lại để sống sót lâu dài. Thân nhiệt hạ, nhịp tim và tốc độ chuyển hóa giảm.
Bản năng tương tự cũng được nhận thấy ở trẻ sơ sinh. Khi bị đẩy ra khỏi môi trường sống cạnh mẹ, đầu tiên bé sẽ ‘phản đối’. Nghiên cứu cho thấy trẻ bị cách ly khỏi mẹ có số lần khóc nhiều gấp 10 lần và thời gian khóc dài hơn 40 lần so với trẻ được tiếp xúc ‘da kề da’ với mẹ. Những cơn khóc ngặt nghẽo không tốt cho trẻ sơ sinh. Chúng có thể ảnh hưởng tới chức năng phổi, làm tăng áp lực nội sọ, trì hoãn việc đóng lỗ thông liên nhĩ và tăng hoóc môn gây stress. Nếu không được đáp ứng và tiếp tục bị cách ly lâu dài, bé sẽ chuyển sang giai đoạn ‘thất vọng’. Khi này hoóc môn stress tăng ồ ạt, thân nhiệt giảm, nhịp tim giảm và đường huyết giảm. Tất cả các biến chứng này đều hay gặp ở trẻ sơ sinh bị cách ly khỏi mẹ, kể cả khi được chăm sóc tại khoa hồi sức cấp cứu. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng cách ly mẹ và con kéo dài có thể ảnh hưởng tới sự phát triển xã hội và phát triển cảm xúc của trẻ sau này.
4. Tạo điều kiện cho sự phát triển tối ưu của não
Khi mới chào đời, não của trẻ chưa trưởng thành hoàn toàn và có kích thước bằng 25% của người lớn. Tiếp xúc ‘da kề da’ là một trải nghiệm đòi hỏi sự tham gia của nhiều cơ quan cảm giác. Sự tiếp xúc này giúp phát triển các đường dẫn truyền thần kinh – điều đặc biệt cần thiết cho sự trưởng thành của não. Tiếp xúc ‘da kề da’ cũng thúc đẩy sự trưởng thành của các hạch hạnh nhân, bộ phận quan trọng nằm sâu trong trung tâm não. Các hạch này liên quan tới quá trình hình thành cảm xúc, tạo lập trí nhớ và kích hoạt hệ thần kinh giao cảm.
Trong thời gian tiếp xúc ‘da kề da’ với mẹ, phần lớn trẻ ngủ thiếp đi một cách dễ dàng và đạt được trạng thái ngủ sâu tự nhiên kéo dài 60 phút hoặc hơn. Điều này rất quan trọng vì giai đoạn ngủ sâu là một trong những yếu tố thuận lợi nhất giúp đẩy nhanh quá trình trưởng thành của não.
5. Kích thích tiêu hóa và giúp bé tăng cân
Chỉ sau 1 giờ tiếp xúc ‘da kề da’, hệ tiêu hóa của bé đã được phục hồi về trạng thái cân bằng tối ưu. Dây thần kinh phế vị được kích hoạt, dẫn tới tăng kích thước các vi mao trong lòng ruột bé sơ sinh. Kết quả là diện tích bề mặt ruột tăng, khả năng hấp thu chất dinh dưỡng được cải thiện. Chăm sóc ‘da kề da’ cũng làm giảm hàm lượng cortisol và somatostatin ở trẻ, tạo điều kiện cho bé hấp thu và tiêu hóa thức ăn tốt hơn, ít bị rối loạn tiêu hóa hơn. Do không phải sử dụng mỡ nâu (mỡ lành mạnh mà trẻ có sẵn khi sinh) để duy trì thân nhiệt, trẻ sẽ tăng cân nhanh hơn.
6. Tăng cường hệ miễn dịch
Tiếp xúc ‘da kề da’ giúp bé thu nạp các vi khuẩn quen thuộc từ làn da của mẹ. Điều này không gây nguy hiểm vì bé sơ sinh đã nhận được kháng thể chống lại đa số các vi khuẩn này ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Tiếp theo, cơ thể mẹ sẽ sản xuất các kháng thể chống lại vi khuẩn có trong môi trường của cả mẹ và của con. Các kháng thể này được truyền sang con thông qua sữa mẹ, giúp bảo vệ bé khỏi các bệnh nhiễm trùng.
Sự ‘chiếm đóng’ của các vi khuẩn quen thuộc của mẹ trên cơ thể bé sơ sinh cũng khiến các vi khuẩn và virus xa lạ, mới xuất hiện trong môi trường sinh nở, có ít cơ hội xâm nhập. Điều này đặc biệt quan trọng đối với trẻ sinh mổ vì các bé thường không được tiếp xúc với vi khuẩn lành ở đường sinh dục của mẹ – bước khởi đầu quan trọng cho hoạt động của hệ miễn dịch.
7. Tăng tỷ lệ mẹ cho con bú và thời gian cho con bú
Tiếp xúc ‘da kề da’ giúp khởi động hành vi tìm vú bản năng của trẻ. Bé sẽ ngậm bắt vú nhiều hơn và chính xác hơn. Nghiên cứu chỉ ra rằng tỷ lệ bé bú mẹ ngay trong giờ đầu sau khi sinh tăng gấp đôi nếu bé được tiếp xúc ‘da kề da’ ngay thay vì bị quấn chặt trong tã.
Các bà mẹ thực hành chăm sóc da kề da ngay từ đầu thường tiếp tục cho con bú hoàn toàn nhiều hơn khi về nhà. Sự gia tăng hoóc môn oxytocin và prolactin của mẹ trong những giờ đầu sau sinh giúp tăng sản xuất sữa về lâu dài. Mẹ gặp khó khăn trong cho con bú thường có được sự cải thiện gần như tức khắc nhờ thực hành tiếp xúc da kề tối thiểu 60 phút mỗi lần, 1-2 lần mỗi ngày.
Một nghiên cứu tiến hành trên 1250 trẻ sơ sinh tại Ba Lan trong vòng 3 năm cho thấy, tiếp xúc da kề da làm tăng thời gian bé bú mẹ hoàn toàn lên 0,39 tháng và thời gian bú mẹ nói chung lên 1,43 tháng. Trẻ được giữ bên mẹ trong ít nhất 20 phút sẽ bú mẹ hoàn toàn lâu hơn 1,35 tháng và cai sữa muộn hơn 2,1 tháng so với những bé không được tiếp xúc ‘da kề da’ ngay sau khi sinh.
Xem thêm
Làm đẹp sau sinh
Giam can sau sinh
Cách tắm cho trẻ sơ sinh
PV
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.