Sinh con dưới nước là quá trình sinh con trong 1 bồn tắm nước ấm. Nhiều người chọn cách sinh con này vì cho rằng về mặt lý thuyết, em bé đã ở trong túi nước ối suốt 9 tháng, do đó khi được bước ra 1 môi trường tương tự sẽ tạo cảm giác nhẹ nhàng cho em bé và ít căng thẳng, đau đớn cho các mẹ. Khái niệm sinh con dưới nước còn khá mới lạ ở Việt Nam nhưng trên thế giới, phương pháp này đã được áp dụng khá phổ biến từ nhiều năm nay.
Sinh con dưới nước được biết đến như một phương pháp giúp giảm căng thẳng, đau đớn cho mẹ và hạn chế xảy ra biến chứng ở thai nhi. Tuy nhiên, những ca sinh nở như vậy cần có sự giám sát của nhân viên y tế trình độ cao.
>> Xem thêm: Ngọt ngào khoảnh khắc bố bên mẹ bầu phút trở dạ
Những lợi ích khi sinh con dưới nước
Lợi ích cho mẹ
Nước ấm khá nhẹ nhàng, thoải mái, thư giãn. Trong giai đoạn cuối của quá trình chuyển dạ, nước có thể giúp tăng năng lượng cho sản phụ. Đồng thời, việc nổi trong nước giúp giảm trọng lượng cơ thể, cho phép sản phụ di chuyển dễ hơn.
Sinh con trong nước giúp việc co bóp tử cung hiệu quả hơn, cải thiện quá trình lưu thông máu dẫn oxy đến nhiều hơn ở các cơ tử cung, giúp người mẹ ít đau hơn và có thêm nhiều oxy cho em bé.
Người mẹ khi ngâm mình trong nước sẽ giúp giảm huyết áp cao gây ra do sự lo lắng. Nước có thể làm giảm kích thích tố căng thẳng, cho phép cơ thể người mẹ sản xuất endorphins – thuốc giảm đau tự nhiên của cơ thể. Nước còn giúp vùng đáy chậu trở nên đàn hồi và thoải mái hơn, giảm tỷ lệ bị rách.
Khi phụ nữ sinh con mà cơ thể được thư giãn, họ có thể tập trung nhiều hơn vào quá trình sinh nở của mình. Nước có thể làm giảm sự ức chế, lo lắng và sợ hãi của các bà bầu khi sinh con.
Lợi ích cho bé
– Đem đến môi trường mới tương tự như trong túi ối.
– Tạo cảm giác an toàn cho bé, giúp bé ổn định hơn khi ra đời.
Các rủi ro có thể xảy ra
Trong 30 năm qua, việc sinh con dưới nước đã trở nên khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới và có rất ít nghiên cứu cho thấy những nguy cơ, rủi ro của nó. Một số nghiên cứu ở châu Âu cho thấy tỷ lệ tử vong tương tự nhau giữa sinh con trong nước và cách sinh thông thường. Tuy nhiên, vẫn có những có nguy cơ như trẻ có thể bị hít phải nước xảy ra. Dẫu sao đây là 1 hiện tượng hiếm gặp vì trẻ sơ sinh thường không hít vào cho đến khi chúng được tiếp xúc với không khí. Trẻ tiếp tục nhận được oxy qua dây rốn cho đến khi bắt đầu tự thở hoặc cho đến khi dây rốn được cắt. Do đó, rủi ro này có thể được ngăn chặn bằng cách thận trọng nâng bé lên đến ngực của mẹ.
Những trường hợp cần cân nhắc
Nếu mẹ bầu bị bệnh herpes thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ do herpes có thể lây lan dễ dàng trong nước. Nếu sản phụ sinh đôi trở lên hoặc bị sinh non, tiền sản giật,… việc sinh con trong nước cũng cần được cân nhắc kỹ. Ngoài ra, mẹ cũng cần chú ý đến nhiệt độ của nước. Nước quá nóng sẽ không tốt cho cả mẹ và em bé, nên đảm bảo nước có nhiệt độ khoảng 36 độ C là hợp lý.
Thụy Du – (Dịch theo APO)
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.