Bất hạnh, tai họa, chết chóc,…. là những lời nguyền được tương truyền có gốc tích từ các viên đá quý tuyệt đẹp.
Những viên kim cương mang lời nguyền chết chóc
1. Kim cương Hope
Trái với tên gọi Hi vọng (Hope), viên kim cương này lại đem đến sự tuyệt vọng cho những ai sở hữu chúng.
Theo những lời đồn đại, viên kim cương “Hy vọng” này được tìm thấy ở mỏ “Gani” Kollur thuộc vương quốc Golconda, Ấn Độ vào thế kỉ 17, sau đó được gắn trên bức tượng nữ thần Sita linh thiêng của người Hindu.
Truyền thuyết kể rằng lời nguyền đáng sợ đã giáng vào viên kim cương “Hy vọng”, nó sẽ gây tai họa khi bị lấy ra khỏi bức tượng thần.
Lời nguyền ấy đã gieo rắc bi kịch và cái chết thảm khốc không chỉ đối với những người sở hữu mà thậm chí… những ai chỉ cần chạm vào nó một lần mà thôi.
Năm 1660 – 1661, Tavernier Blue một thương nhân người Pháp chuyên săn lùng châu báu mua được kim cương “Hy vọng” ở Ấn Độ và bán lại cho vua Louis XIV 7.
Sau đó, đến đời vua Louis XVI, hoàng hậu Marie Antoinette tỏ ra vô cùng yêu thích viên kim cương này.
Tuy nhiên chính nó lại đem đến tai họa kinh hoàng cho vợ chồng bà khi cả hai đều mất đầu dưới máy chém của quân Cách mạng.
Hoàng hậu Marie Antoinette lộng lẫy với viên kim cương
Năm 1902, nhà buôn kim hoàn Simon Frankel đã mua “Hy vọng” từ bộ sưu tập đá quý từ một quý tộc danh giá người Anh. Ngay sau đó, Simon Frankel gặp rất nhiều khó khăn về tài chính.
Năm 1908, quốc vương Thổ Nhĩ Kỳ Abdul Hamid mua lại “Hy vọng” nhưng chỉ 1 năm sau đó ông bị phế truất khỏi ngai vàng trong cuộc đảo chính 1909.
Năm 1911, viên kim cương được bán lại cho Evalyn Walsh McLean. 6 năm sau khi sở hữu “Hy vọng”, bà Evalyn, bắt đầu khánh kiệt và liên tiếp gặp phải những tai họa khủng khiếp: con trai gặp tai nạn ô tô qua đời, ly dị chồng, con gái chết vì sốc thuốc.
Hiện viên kim cương đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Smithsonian tại Thủ đô Washington D.C của Mỹ và có giá khoảng 250 triệu.
2. Viên kim cương Koh-i-Noor
Koh-i-Noor, gọi theo tiếng Ba Tư là “Núi của ánh sáng”. Không phải ngẫu nhiên mà kim cương Koh-i-Noor, một trong những viên kim cương đẹp nhất thế giới được gắn lên vương miện dành cho các nữ hoàng Anh.
Đã có một lời nguyền rằng, bất kỳ người đàn ông nào mang viên kim cương này đều có một kết cục thảm thương, chỉ có Thượng đế hoặc những người phụ nữ mới có thể mang nó mà không bị trừng phạt.
Chỉ có Thượng đế hoặc những người phụ nữ mới có thể mang viên siêu kim cương Koh-i-Noor. Thế kỷ 16, Hoàng đế Mughal đầu tiên là Babur từng là chủ nhân của Koh-i-Noor đã bị trục xuất khỏi vương quốc và phải sống lưu vong.
Viên siêu kim cương chỉ có Thượng đế hoặc phụ nữ mới được đeo
Người kế vị Babur là Shah Jahan đã đặt viên “siêu” kim cương lên chiếc ngai vàng chim công tại triều đình và bị chính con trai ông này giam giữ vào cuối đời.
Tiểu vương Duleep Singh, sau khi tận tay triều cống Koh-i-Noor cho người Anh, đã được nhận khoản “trợ cấp” tương đương 50.000 bảng Anh/năm, nhưng rồi cũng phải chết trong cảnh nghèo đói giữa thủ đô Pari hoa lệ vào năm 1893.
Đến nay, viên “siêu” kim cương Koh-i-Noor thuộc quyền sở hữu của nữ hoàng Anh Elizabeth II. Nó được bảo quản cẩn mật trong Tháp Luân Đôn như một phần trong bộ sưu tập châu báu của Hoàng gia Anh.
3. Đá Sapphire Delhi tím
Viên đá thạch anh tím Delhi được mang tới Anh bởi một Đại tá kị binh người Bengal tên là W. Ferris. Từ ngày giữ viên đá, viên sĩ quan này đã phải gánh chịu cảnh sạt nghiệp và sức khỏe thì suy sụp hoàn toàn.
Sau khi chết, ông có để lại viên đá đó cho cậu con trai trưởng, xem như nó là một “vật báu truyền đời”.
Không ngờ, chỉ một thời gian ngắn sau, người con trai trưởng đang làm ăn phát đạt bỗng khuynh gia bại sản, quãng đời còn lại sống trong nghèo túng và bệnh tật.
Đến năm 1890, con trai của W. Ferris đã tặng viên đá đó cho nhà khoa học Heron Allen. Ngay lập tức, gia đình ông đã phải gánh chịu những điều rủi ro.
Hai lần ông tặng lại viên đá cho hai người bạn hiếu kì thì một người trong số đó đã phải trả lại vì gặp liên tiếp những tai họa giáng xuống, còn người kia – một ca sỹ nổi tiếng thời đó đột nhiên mất giọng và không thể hát nữa.
Hiện tượng lạ về thạch anh tím Delhi là viên đá mang lời nguyền của quỷ dữ
Đến năm 1904, cảm thấy không thể chịu đựng thêm được nữa, ông quyết định đem chôn giấu viên đá đáng quyền rủa này thật kín, không còn ai nhìn thấy nữa và căn dặn con cái chỉ nên lấy viên đá đó về sau khi ông đã chết được 33 năm.
Giữ đúng lời căn dặn của cha, 33 năm sau ngày Heron Allen chết, con gái của ông đã đem tặng viên đá đó cho Bảo tàng Lịch sử tự nhiên – nơi mà cha cô đã làm việc khi còn sống, cùng với một lá thư cảnh cáo của Heron Allen: “Bất kỳ ai mở chiếc hộp, trước tiên cần phải đọc lời cảnh báo này: Lời khuyên của tôi là hãy ném chiếc hộp cùng viên đá xuống biển”.
Cách đây 7 năm, một cựu Giám đốc thư viện tên là John Whittaker đã quyết định mang câu chuyện kỳ lạ về viên đá đến một hội nghị chuyên đề về cuộc đời và sự nghiệp của nhà khoa học Heron Allen mang tên Heron Allen Society.
Sau khi buổi hội nghị lần thứ nhất kết thúc, trên đường về, đột nhiên trời đất tối sầm.
Vợ chồng ông phải chịu một trận sấm sét kinh hoàng. Mưa không ngớt, sét liên hồi đánh mỗi lúc một to, một dữ dằn. Sợ có điều gì không lành xảy ra, ông đã phải bỏ lại chiếc xe trên đường.
Hai vợ chồng ông chạy thục mạng tìm nơi ẩn nấp. Sợ hãi, run rẩy, vợ ông đã hét lên: “Sao anh lại mang theo cái vật quái quỷ đấy hả?”.
Tai họa vẫn tiếp tục, và vào đúng cái đêm trước khi hội nghị chuyên đề thứ hai diễn ra, ông đã phải chịu một trận đau ruột thừa chí mạng, may có người phát hiện sớm, đưa ông vào viện tiến hành phẫu thuật.
Chưa hết, đến hội nghị thứ ba thì ông không thể đến dự vì bệnh sỏi thận. Ông lại phải vào tiến hành phẫu thuật lần thứ hai.
4. Ngọc La Peregrina
Ngọc La Peregrina, gắn với lời nguyền Tình Yêu, là một trong những viên ngọc trai lớn nhất trên thế giới. Theo tiếng Tây Ban Nha, tên viên ngọc có nghĩa “hành hương” hoặc “lang thang”.
Nó được vua Philip II Tây Ban Nha tặng nữ hoàng Mary I Anh trước khi kết hôn nhưng rồi nữ hoàng đã bị bỏ rơi và chết vào năm 1558.
Năm 1969, Elizabeth Taylor được chồng tặng viên ngọc này nhân ngày Valentine. Họ đã kết hôn và ly dị hai lần liền. Còn Taylor từ khi có viên ngọc đã kết hôn tới 8 lần.
5. Kim cương Black Orlov – mắt thần Brahma
Kim cương Black Orlov, được tìm thấy ở Ấn Độ vào đầu những năm 1800. Theo truyền thuyết viên kim cương bị đánh cắp từ mắt tượng Brahma-vị thần Hin du tại một ngôi đền ở miền Nam Ấn Độ.
Sau đó công chúa Nga Nadezhda Orlov đã mua. Tin đồn công chúa và cùng hai người khác dùng Black Orlov đều nhảy lầu tự sát.
6. Kim cương Xanh da trời
Kim cương Xanh da trời được xem là đá quý hết sức bí ẩn, không biết có tồn tại thực hay không. Nhưng nó đã gắn liền với những câu chuyện huyền bí.
Tương truyền năm 1989, một người Thái Lan gác cổng cho cung điện hoàng gia Ai Cập đã đánh cắp viên kim cương này và bán về Thái Lan.
Sau đó nhiều nhà ngoại giao Ai Cập đã bị giết chết, khiến cho giới chức nước này phải bay tới Thái Lan để điều tra vụ việc và gọi nó là vụ Kim Cương Xanh.
7. Con bọ hung bằng ngọc và lời nguyền chết người
Lăng mộ của ông vua trẻ Tutankhamun được nhà khảo cổ học Anh Howard Carter phát hiện năm 1992 trong Thung lũng các nhà vua ở Luxor. Đây là một trong số ít mộ Pharaoh còn nguyên vẹn khi khai quật.
Được chôn cất cùng với xác ướp là những vật trang sức phong phú, quý giá, trong số này có một viên ngọc màu xanh pha vàng hình con bọ hung dài 2,5cm trên chuỗi ngọc đeo cổ.
Những ai sở hữu viên ngọc này đều phải hứng chịu lời nguyền đáng sợ của Pharaoh: ‘Kẻ nào dám quấy rầy giấc ngủ của Pharaoh, đều phải chết!’
Con bọ hung bằng ngọc của vua Tutankhamun với lời nguyền “Kẻ nào dám quấy rầy giấc ngủ của Pharaoh, đều phải chết!”.
Sau khi được lấy ra khỏi lăng mộ, con bọ hung bằng ngọc đã bị đánh cắp. Sau đó, nó được một linh hải quân người Nam Phi đem trở về quê hương.
Lời nguyền của viên ngọc bắt đầu linh nghiệm khi người lính này đã chết đuối trong một lần đi biển. Không lâu sau, con gái ông ta cũng qua đời vì bệnh máu trắng.
Kinh hoàng trước những tai ương đổ ập xuống gia đình, vợ của người lính hải quân đã bán lại con bọ hung bằng ngọc cho một người phụ nữ Nam Phi khác.
Song con gái của người phụ nữ này cũng bị chết vì bệnh máu trắng, còn chồng bà thì qua đời bất thường vào đêm trước khi viên ngọc được bán đi.
Cuối cùng, vì quá sợ hãi, người phụ nữ Nam Phi quyết định giao lại con bọ hung bằng ngọc cho chính phủ.
- Nửa thế kỷ bình yên của kim cương Hope
- Pharaoh Ai Cập và những lời nguyền chết chóc
Theo Tổng hợp