“Lũ bùn đỏ” ở Cao Bằng vừa qua là đất kết hợp với quặng sắt mịn trong quá trình tuyển rửa quặng nguyên khai thành quặng tinh.
Ông Ngô Ngọc Định – Trưởng phòng Thiết kế Công nghệ Luyện kim và Lò công nghiệp (Viện KH&CN Mỏ Luyện kim, Bộ Công thương) cho biết thêm, chất thải và bùn thải của khu khai thác khoáng sản nói chung, và khu khai thác quặng sắt nói riêng chắc chắn là chứa các chất gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến nông nghiệp và không có lợi cho sức khỏe của con người. Nhưng để khẳng định mức độ gây hại, cần có nghiên cứu rõ ràng hơn với những mẫu phân tích cụ thể, kiểm tra xem quặng sắt khai thác ở Cao Bằng là sắt gì, thành phần ra sao…
Bùn đỏ ngập đường.
TS Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN cũng cho biết, “lũ bùn đỏ” ở Cao Bằng là bùn thải đuôi quặng màu đỏ. Chất thải của khu khai thác quặng sắt sẽ có chất gây hại đến sức khỏe con người bởi khi tuyển rửa sẽ có những chất kim loại nặng độc hại như chì ô-xít, nhưng cần phân tích rõ để khẳng định mức độ gây hại. Sự việc trên cũng nói lên lời cảnh tỉnh với vấn đề bùn đỏ ở Tây Nguyên.
Cơn lũ bùn đỏ ở Hungary. (Ảnh Internet)
Đêm 5/11, “cơn lũ bùn đỏ” bất ngờ ập đến, vùi lấp hàng chục ha ruộng lúa, hoa màu và tràn vào làm ngập một số nhà dân ở xã Duyệt Trung, thị xã Cao Bằng. Đến sáng ngày 8/11, lũ bùn vẫn chưa rút.
UBND tỉnh Cao Bằng đã tổ chức cuộc họp bất thường giải quyết triệt để hậu quả trận lũ. Theo đó, nếu Xí nghiệp khai thác quặng Nà Lũng còn vi phạm và không triệt để khắc phục hậu quả thì Chính quyền tỉnh sẽ kiên quyết đóng cửa mỏ.
Theo Bee