Bỏ Điều 16 sẽ thiệt thòi nhiều cho người đồng tính
Tại Quốc hội Khóa XIII, Dự thảo sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình đã được Bộ Tư pháp trình quốc hội, trong đó đề xuất không cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính, song không thừa nhận hình thức hôn nhân này. Ngoài ra còn có thêm Điều 16 quy định giải quyết hậu quả của việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới, về cơ bản cũng giống như giải quyết hậu quả của việc nam nữ chung sống mà không đăng ký kết hôn.
Tuy nhiên, chiều ngày 27/05/2014, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc Hội đã đọc “Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật hôn nhân và gia đình”, trong đó đề nghị chuyển điều khoản cấm hôn nhân cùng giới thành “nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”, đồng thời bỏ đi Điều 16 quy định về việc chung sống giữa những người cùng giới tính.
Cho ý kiến về vấn đề này Tiến sĩ Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) cho rằng: “Việc bỏ đi Điều 16, Dự thảo đã bỏ rơi hàng triệu người đồng tính, song tính và chuyển giới tiếp tục phải đối mặt với sự kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo hành. Thay vì đi trước định hướng cho thái độ xã hội, Dự thảo lại đi sau quan điểm của người dân khi đã có tới 57% người dân ủng hộ các cặp đôi cùng giới có quyền nuôi con chung và 51% ủng hộ quyền sở hữu tài sản chung (theo điều tra quốc gia về quan điểm của người dân do Viện Xã Hội Học, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, và Viện Nghiên cứu Xã hội Kinh tế và Môi trường thực hiện năm 2013)”.
Tiến sĩ Lê Quang Bình
“Định kiến và kỳ thị người đồng tính ở Việt Nam còn rất phổ biến. Gia đình bạo hành, bạn bè xa lánh, hàng xóm khinh ghét. Có đến 25% người đồng tính mất bạn, 6,5% bị mất việc khi họ công khai. Tôi cũng đã từng gặp những trường hợp cha mẹ xích con, cấm cửa, nhốt lại khi phát hiện con là người đồng tính”, Tiến sĩ Bình nói.
Theo ông Bình, việc kỳ thị và định kiến khiến không ít người đồng tính có hành vi tự tử. Người đồng tính không dám công khai, phải tìm bình phong bằng cách lập gia đình với người dị tính, điều này sẽ dẫn đến những hậu quả về sau.
“Có người bảo thừa nhận hôn nhân đồng giới sẽ ảnh hưởng đến xã hội. Nhưng không thừa nhận còn ảnh hưởng hơn rất nhiều. Hàng triệu gia đình sẽ có vợ hoặc chồng là người đồng tính, thử hỏi có bao nhiêu người dị tính muốn lập gia đình với người đồng tính. Bởi khi không được thừa nhận, họ sẽ phải tìm bình phong bằng cách lập gia đình với người khác giới. Lập gia đình khi không hề có tình yêu họ sẽ vẫn duy trì những mối quan hệ đồng tính của mình. Hôn nhân của họ sẽ không hạnh phúc hoặc rất dễ đổ vỡ”, Tiến sĩ Bình phân tích.
Tiến sĩ cũng đưa ra đề xuất Quốc Hội khóa XIII hãy nêu cao hơn nữa nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử, chú trọng giá trị nhân văn, tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam để bỏ điều khoản “không thừa nhận hôn nhân cùng giới” và đưa lại Điều 16 vào Luật hôn nhân và gia đình.
Dư luận tán thành hôn nhân đồng tính
Từ tháng 4/2014, cộng đồng người đồng tính tại Việt Nam đã vận động chiến dịch “Tôi đồng ý 16+” để ủng hộ việc giữ và mở rộng Điều 16 trong Dự thảo sửa đổi luật Hôn nhân và Gia đình. Trước thông tin Điều 16 bị loại khỏi dự thảo cuối cùng này, nhiều người đồng tính và dị tính cảm thấy thất vọng.
Bạn Thái Hòa (một đồng tính nam kín) bày tỏ: “Hôn nhân cùng giới thì có gì là sai? Những cặp đồng giới vẫn có thể xin con nuôi và người đồng tính chỉ chiếm số ít phần trăm trong xã hội chúng ta chứ không phải là tất cả, nên việc không duy trì được nòi giống và làm giảm khả năng sinh sản là điều không đúng. Vì vậy, mình mong rằng pháp luật sẽ sớm công nhận hôn nhân đồng tính để những người như mình không phải che giấu về giới tính của mình”.
“Nếu trường hợp cặp đôi đồng giới yêu nhau muốn kết hôn và được hưởng những quyền lợi vợ chồng như một công dân bình thường, họ được tổ chức hôn lễ nhưng không có sự công nhận của Nhà nước, không được đăng ký kết hôn thì cũng giống như hạnh phúc của họ chưa trọn vẹn, mong các cấp lãnh đạo nhanh chóng xem xét và đưa ra quyết định bình đẳng”, bạn Trần Quỳnh Như (sinh viên ĐH Luật, TP.HCM) cho ý kiến.
Nhiều nước trên thế giới đã chấp nhận hôn nhân đồng tính. Ảnh minh họa: Outtake
Anh Minh Đức (nhân viên ngân hàng) cũng đồng quan điểm: “Đây là một bước ngoặc rất quan trọng của những người đồng tính, nếu năm nay luật có thể được sửa đổi thì người đồng tính sẽ có một tương lai tươi sáng hơn rất nhiều, mọi người sẽ có cái nhìn khác về người đồng tính và có thể sẽ chấp nhận họ, cuộc sống sau này của họ sẽ tốt hơn. Nhưng ngược lại nếu Luật Hôn nhân và gia đình mà tiếp tục cấm hôn nhân đồng tính thì mọi người trong xã hội sẽ càng ngày càng ghét, càng kỳ thị họ nhiều hơn nữa, và tương lai họ chỉ là một màu đen”.
“Tôi ủng hộ về việc Bộ Y Tế đề xuất cho phép kết hôn đồng tính. Trên thực tế là Việt Nam rất nhiều người đồng tính, con số này chưa chính xác nhưng Bộ Y Tế đã nói đúng vào những điều mà người đồng tính hiện nay mong mỏi. Đã là con người thì cần có quyền bình đẳng giới. Vì thế tôi cho rằng không nên kỳ thị mà hãy chấp nhận họ đến với nhau. Nhiều người bây giờ sống không thật với bản thân, rõ là bị đồng tính mà cứ phải giả vờ như không bị để tránh người khác kì thị hay bị cấm cản, rồi sau này sinh ra nhiều mâu thuẫn như gia đình li tán, vợ chồng cãi nhau, họ hàng bất hòa.Tại sao Việt Nam không là nước đầu tiên trên Châu Á cho phép kết hôn đồng tính?“, chị Minh Thùy (nhân viên lễ tân) mong muốn.
Ông Nguyễn Trường Vũ (cán bộ về hưu) cho rằng: “Tôi nghĩ rằng luật pháp đồng ý cho người đồng tính kết hôn là đảm bảo tính nhân văn, bởi lẽ, thứ nhất, nền tảng của cuộc sống vợ chồng là tình cảm của hai bên. Trên thực tế nhiều gia đình đầy đủ con trai con gái nhưng không giữ được tình yêu thì vẫn ly hôn. Ngược lại, nhiều gia đình không có con do một hoặc cả hai bên bị vô sinh hoặc không còn tuổi sinh đẻ, nhưng hai bên yêu thương thông cảm cho nhau thì vẫn sống hạnh phúc đến đầu bạc răng long. Thứ hai, đồng tính là một quy luật của tự nhiên. Tạo hóa sinh ra con người họ như thế. Không cho họ kết hôn để họ sống buông thả thì càng tăng tệ nạn xã hội. Đồng ý cho họ kết hôn cũng đồng nghĩa với việc quy hoạch họ về một mối, giảm bớt tệ nạn cho xã hội. Chỉ cần xã hội ta chấp nhận một kiểu gia đình như thế là ổn”.
Tiến sĩ Lê Quang Binh đề xuất giữ Điều 16 trong Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi Điều 16: Giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của các bên nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn 1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của các bên nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan. 2. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và các công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được xem như lao động có thu nhập. |
Nguồn: Theo phununews
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.