Lượng khí thải tăng 27% so với 650.000 năm trước

Mực nước biển và khí thải gây hiệu ứng nhà kính đang tăng nhanh hơn

Mực nước ở đại dương và khí thải gây hiệu ứng nhà kính đang tăng nhanh hơn chính hiện tượng này trong hàng ngàn năm qua, theo 2 báo cáo mới công bố hôm qua, tiếp tục làm dấy lên các tranh cãi về toàn cầu ấm lên.

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện mực nước tại các đại dương trên Trái đất tăng nhanh gấp 2 lần trong vòng 150 năm qua, là dấu hiệu của tác động của các hoạt động của con người lên nhiệt độ toàn thế giới.

Trên tờ tạp chí Khoa học, các nhà nghiên cứu thuộc Trường ĐH Rutgers tại New Jersey cho biết mực nước biển đã tăng khoảng 1 mm mỗi năm vào thời điểm khoảng 200 năm trước và xa hơn nữa, khoảng 5.000 năm trước. Kể từ đó, mực nước biển tăng khoảng 2 mm mỗi năm.

Theo họ, các đại dương sẽ dâng cao gần nửa mét vào cuối thế kỷ này, buộc các bờ biển phải lùi sâu vào hàng trăm mét.

Trong một báo cáo khác cũng được đăng trên tờ Khoa học, các nhà nghiên cứu châu Âu đã phát hiện lượng carbon dioxide trong quá khứ đã không thay đổi cho đến thời điểm 200 năm trước. Tuy nhiên, hiện nay, “lượng carbon dioxide tăng nhanh gấp 200 lần so với mức tăng trước đó”, Thomas Stocker, nhà nghiên cứu khí hậu tại Trường ĐH Bern cho biết.

Điều đó cũng có nghĩa là lượng carbon dioxide hiện nay cao hơn 27% so với lượng khí này ở 650.000 năm trước và lượng khí metan, cũng là một khí gây hiệu ứng nhà kính, cao hơn 130%, theo Thomas Stocker.

TƯỜNG VY (Reuters, Xinhua)

 

Theo Tuổi Trẻ