Mùa tựu trường đã đến, ngoài việc chuẩn bị cho trẻ về thể chất và kiến thức, phụ huynh cũng cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng để trẻ có nền tảng thể lực cho 1 năm học bận rộn phía trước. Thời gian hè, thời gian biểu của trẻ có những thay đổi. Thậm chí, trẻ thường ngủ dậy muộn hoặc theo bố mẹ đi nghỉ ngơi, du lịch nên thói quen ăn uống cũng vì thế không có nền nếp. Trước khi trẻ vào năm học mới, phụ huynh cần cho trẻ trở lại với thời gian biểu ăn uống như trong năm học trước. Cụ thể, buổi sáng gọi trẻ dậy như giờ đi học, ăn bữa sáng để chuẩn bị năng lượng cho 1 ngày học tập. Buổi trưa và chiều cũng tập thói quen ăn uống như đi học để trẻ quen dần khi vào năm học mới.
Cũng do thời gian nghỉ hè, rảnh rỗi thời gian, trẻ có thể bỏ thói quen ăn sáng. Đây là điều không nên, bởi bỏ bữa sáng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, giảm năng suất làm việc, mệt mỏi, hạ đường huyết có thể nguy hiểm tính mạng. Có những em không ăn sáng nhưng lại ăn nhiều vào bữa tối làm tăng nguy cơ béo phì, không tốt cho sức khỏe.
Mùa tựu trường cũng là thời điểm giao mùa, thời tiết bắt đầu se se, cho nên phụ huynh phải chú ý tăng cường sức đề kháng cho trẻ để tránh bị các bệnh như cảm cúm, truyền nhiễm. Vì vậy, phụ huynh cần bổ sung cho trẻ đủ chất dinh dưỡng, trong đó cân đối các bữa ăn với đủ chất đạm, béo, tinh bột, vitamin, khoáng chất. Luôn dành thêm cho trẻ khẩu phần trái cây tươi, sạch được chọn lọc kỹ. Bởi trái cây sẽ góp phần vào việc tăng cường sức đề kháng đặc biệt là cam, chanh…
Trẻ vẫn thường lười ăn, mỗi khi như thế sẽ gây mệt mỏi cho phụ huynh. Vì vậy, phụ huynh phải tìm hiểu nguyên nhân trẻ biếng ăn. Có thể do món ăn kém hấp dẫn hay bệnh lý ở đường tiêu hóa. Vì vậy, phụ huynh có thể đưa trẻ đi khám. Nếu biếng ăn sinh lý có thể thay đổi thực đơn thường xuyên, nấu theo cách mới hoặc tìm những món mới để cải thiện khẩu vị.
Phụ huynh không nên ép trẻ bởi như vậy khiến trẻ sợ hãi và càng không chịu ăn lần sau. Cần phải từ từ để xây dựng thói quen ăn cho trẻ. Trước khi ăn không cho trẻ ăn bánh, kẹo, uống nước ngọt, đồ ăn vặt, đồ ăn nhanh.
Nên tăng cường các nguồn chất đạm động vật có nhiều canxi, sắt, kẽm (thịt, tôm, cua, cá, trứng, sữa) cũng như các thực phẩm có nhiều vitamin, khoáng chất có trong rau xanh, các loại rau lá xanh thẫm có nhiều vitamin C (rau ngót, mùng tơi, rau dền…), hoa quả chín hay các quả có màu vàng như đu đủ, xoài, hồng xiêm có nhiều bêta caroten (tiền vitamin A). Mỗi ngày cần cho bé ăn từ 200-300g rau xanh, 100g quả chín, uống 1-2 ly sữa và ăn thêm sữa chua, phomai.
Để trẻ phát triển thể chất và hình thành những thói quen tốt trong ăn uống, các bậc cha mẹ nên tập cho trẻ thói quen vệ sinh ăn uống (rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh)… Cần cho trẻ tăng cường các hoạt động thể lực, vận động, vui chơi ngoài trời, tham gia một số hoạt động thể dục thể thao như vậy trẻ sẽ phát triển thể lực và chiều cao tốt hơn.
Tăng cường dưỡng chất cho não
Quá trình học tập đòi hỏi trẻ phải vận dụng nhiều đến trí óc. Do đó, phụ huynh cần bổ sung dinh dưỡng giúp bổ não, tăng cường trí nhớ. Thực phẩm hữu ích, tăng cường trí não cho trẻ là cá. Bên trong cá chứa axit béo chưa no. Ngoài ra, bổ sung thêm trứng, thịt, tôm, uống 2 ly sữa không đường, ăn rau xanh, quả chín, uống đủ nước, không nên ăn quả quá ngọt, không uống nước ngọt có ga, không ăn bim bim.
Các loài cá nước sâu, chẳng hạn như cá hồi rất giàu omega-3 và axit béo cần thiết cho hoạt động của não bộ. Ngoài ra, Omega-3 còn chứa các chất chống viêm. Khi nấu cháo hay bột cho các bé, các mẹ có thể cho thêm một ít thịt cá hồi vào nấu cùng. Như vậy, cháo sẽ vừa thơm ngon vừa đủ chất dinh dưỡng cung cấp cho não bộ đang trong quá trình phát triển của bé.
Thùy Linh
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.