Những ngày Tết, bé được tha hồ vui đùa và theo bố mẹ đi chơi khắp nơi. Chắc hẳn đây là dịp vô cùng đáng nhớ với con đấy. Nhưng có một điều các mẹ cần đặc biệt lưu ý, đó là làm sao để bảo vệ sức khỏe cho con cũng như đảm bảo sự cân bằng dinh dưỡng, vì các bé thường sẽ mê mẩn với đồ ngọt, bánh trái mà bỏ qua bữa ăn lành mạnh, đủ chất như thường ngày. Dưới đây là những mẹo giúp bé bảo vệ bé luôn khỏe mạnh suốt kì nghỉ Tết.
Bảo vệ sức khỏe cho con
Di chuyển
Thời tiết dịp Tết năm nay tuy ấm áp hơn nhưng luôn thay đổi một cách đột ngột, gió Đông to và nhiệt độ buổi chiều giảm mạnh nên khiến cho rất nhiều bé bị nhức đầu, sổ mũi, ho sốt,… Thời tiết này ngày thường con đã dễ ho, sụt sùi rồi chứ chưa nói đến ngày Tết khi cả nhà phải di chuyển ra bên ngoài nhiều, nào chen chúc trên xe khách, nào đi chúc Tết xa,…
Chính vì thế trước khi cho bé đi đâu ra ngoài, các mẹ cần phải chuẩn bị đủ áo ấm cho con. Ngoài ra trong lúc con vui chơi các mẹ cũng cần để ý xem lưng con có ra mồ hôi nhiều không thì lau khô và cởi bớt áo vì lưng ướt, trời lại lạnh, con sẽ rất dễ bị ốm.
Tránh ăn, ngủ thất thường
Bên cạnh vấn đề trang phục, ngày Tết ăn uống, ngủ nghỉ thất thường chính là nguyên nhân khiến trẻ dễ bị ốm. Trẻ không bị kiểm soát nên thường ăn nhiều đồ ngọt, nước uống có ga vào ngày Tết khiến cho hệ tiêu hóa non nớt dễ bị các loại vi khuẩn E.coli, Shigella… tấn công gây ra tình trạng tiêu chảy, chướng bụng, khó tiêu. Khi ấy, các mẹ cần lưu ý chuẩn bị sẵn men tiêu hóa, thuốc tiêu chảy, thuốc dị ứng cho con. Một số loại thuốc hạ sốt, thuốc ho cũng luôn có sẵn trong túi khi cho cho con đi chơi xa. Ngoài ra, dù đi đâu làm gì các mẹ cũng cần phải dành thời gian cho con được ngủ đủ giấc.
Những tai nạn ngày Tết
Khi mẹ thì mải mê dọn dẹp tất bật, bố thì mải tiếp khách ngà ngà hơi men, nguy cơ tai nạn xảy ra với con là rất lớn. Tiêu biểu nhất là tình trạng dây điện nhấp nháy treo trên các cây đào, cây quất. Chiều cao của con lại vừa tầm chiều cao của mấy cây này nên chỉ cần không may nghịch ngợm một chút là con có thể làm đứt dây và bị điện giật. Vì thế, các mẹ hãy trang trí các cây cảnh này bằng dây ruy băng hoặc dây kim tuyến, bóng bay thay vì dây điện.
Các loại hạt dưa, hướng dương, hạt hoa quả… tràn lan ngày Tết cũng rất dễ khiến các con bị hóc. Khi tình huống không may này xảy ra, các mẹ phải bình tĩnh xử lý tránh khiến con hoảng loạn. Các mẹ lưu ý không dùng tay móc vào họng bé tránh trầy xước và đẩy hạt tiến sâu vào bên trong. Các mẹ cần bế bé nằm sấp trên cánh tay, đầu hướng xuống đất. Dùng tay còn lại vỗ mạnh vào vùng lưng giữa hai xương bả vai của bé. Trường hợp nặng các mẹ cần nhanh chóng đưa bé đi cấp cứu.
Dinh dưỡng cho con ngày Tết
Việc bị xáo trộn về giờ giấc trong những ngày Tết khiến cho các mẹ thường không cho bé ăn đúng bữa và đủ dưỡng chất, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của bé. Do đó, mẹ cần chuẩn bị sẵn những khẩu phần ăn cho con để mang theo mỗi khi đi chúc Tết xa. Ngoài ra, mẹ cần tuân thủ những nguyên tắc dinh dưỡng sau:
Hạn chế bánh kẹo, ăn nhiều rau
Bánh kẹo là thực phẩm không thể thiếu trong ngày Tết, và chúng cũng là thực phẩm “quyến rũ” nhất đối với bất kỳ bé nào. Tuy nhiên, đây chính là thủ phạm hàng đầu khiến bé có nguy cơ bị sâu răng, tăng lượng đường trong máu, rối loạn tiêu hóa… Vì vậy, mẹ cần nghiêm khắc, hạn chế cho bé ăn bánh kẹo. Với những bé dưới 3 tuổi, mẹ nên để bánh kẹo khỏi tầm với của bé, ngoài ra sau khi bé ăn kẹo mẹ nhớ cho bé uống nước lọc.
Về rau xanh, các mẹ nên lên kế hoạch tích trữ rau xanh trong mùa Tết để cung cấp đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu và hỗ trợ hệ tiêu hóa cho bé tốt hơn. Một số loại củ mẹ có thể để lâu như khoai tây, cà rốt, củ cải, su hào… hoặc các loại rau ăn lá mẹ làm sạch, để khô nước sau đó để vào tủ lạnh như rau cải, rau muống, cải thảo… Ăn rau sẽ giúp con tránh được tình trạng táo bón, ợ nóng, khó tiêu rất dễ gặp trong ngày Tết.
Uống nhiều nước lọc
Bé chắc chắn sẽ thích các loại nước ngọt với đủ hương vị dâu, chanh, táo… hơn là nước lọc. Tuy nhiên, những loại nước ngọt này sẽ khiến bé bị đầy bụng, khó tiêu dẫn đến chán ăn. Các mẹ nên hạn chế tối đa không cho con uống quá nhiều nước ngọt mà thay vào đó khuyến khích con uống nước lọc, nước canh. Ngoài ra, mẹ cũng có thể cho con uống các loại sữa tươi, sữa công thức vào ngày Tết để bổ sung đều đặn dưỡng chất cho con.
Không ăn đồ tái sống
Các mẹ đặc biệt lưu ý, không cho bé ăn đồ tái sống vào dịp Tết. Đồ tái sống thường có trong những bữa ăn lẩu hoặc nướng của gia đình. Các loại thịt như thịt bò, cá thường được bố mẹ trụng sơ vào nước nóng hoặc nướng chín tái để giữ lại độ mềm ngọt của thịt cá. Vì vậy, nếu mẹ muốn cho bé thưởng thức thì cần phải nấu (nướng) thật chín để phòng ngừa tiêu chảy, ngộ độc.
Hồng Gấm
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.