Trong cuộc sống không thể tránh được những tình huống khiến chúng ta mất bình tĩnh, tức giận và có những cách xử lý không được khôn ngoan tại thời điểm đó. Đến khi tĩnh tâm lại, bạn phải thốt lên “giá như…”, có bao giờ trong cuộc sống bạn bị rơi vào trường hợp như thế?
Nếu không, xin đừng đọc bài viết này. Nếu có, bạn hãy tham khảo những mẹo dưới đây, những phương pháp này thực sự sẽ làm thay đổi tâm tính của bạn, giúp bạn chủ động hơn trong việc điều chỉnh cảm xúc của mình để xử lý những phiền toái một cách sáng suốt nhất!
Hít một hơi thật sâu rồi thở ra
Khi đón nhận một tin không vui, ngay lập tức não sẽ phản xạ lại tin đó bằng cách thể hiện bằng cảm xúc giận dữ hoặc buồn bã. Hãy ngừng lại, hít một hơi thật sâu rồi thở ra từ từ. Làm như vậy trong 1 phút, hít sâu, thở ra…rồi lại tiếp tục.
Lưu ý, khi hít thở bạn phải tập hít thở bằng bụng, không phải từ lồng ngực, đó mới là hít thở sâu.
Khi hít thở sâu xong, tim đã bớt đập nhanh rồi, bạn hãy nở một nụ cười mỉm, nếu không thể cười thì cũng cố mà giả vờ như đang cười, cơ mặt khi bạn đang cười khác hoàn toàn với cơ mặt khi bạn cau có đấy!
Hãy nghĩ ám thị trong đầu “những bực bội hãy cút đi!” và cái cách mà bạn đang hít thở, đang mỉm cười chính là cách mà bạn tống những phiền não ra ngoài.
Hãy rèn luyện điều đó thường xuyên khi bạn ở nhà, hoặc bất cứ khi nào bạn gặp stress.
Để thuận theo tự nhiên
Sau khi nhịp tim bình thường trở lại, hãy nghĩ ngay đến rắc rối mà bạn vừa được nghe. Chấp nhận rằng nó đã xảy ra và hãy nghĩ cách để giải quyết thay vì làm ầm lên hoặc trầm trọng hóa vấn đề. Luôn nghi nhớ “ thuận theo tự nhiên…”.
“Buông”
“Buông” ở đây nghĩa là thả lỏng: cơ bắp, tâm trí…Hít thở sâu và buông thõng cơ thể, để ý xem mình đang chưa thả lỏng bộ phận nào để nơi lỏng cơ thể thực sự. Nhắm mắt lại và nghĩ đến những cảnh vật yên bình hoặc một kí ức đẹp trong tuổi thơ. Đó thực sự là một liệu pháp giúp bạn trấn tĩnh được cơn nóng giận khi nghe tin dữ.
“Nhai kĩ no lâu – cày sâu tốt lúa”
Các câu tục ngữ trong dân gian luôn đúc kết từ khoa học mà ra. Việc ăn chậm, nhai kĩ sẽ giúp bạn học được sự bình tĩnh, cảm nhận được vị ngon từ món ăn, giúp bạn no lâu và tránh được nguy cơ béo phì.
Bao quát vấn đề
Sau khi đã học được cách bình tĩnh, bạn hãy vận dụng tâm trí để nhìn xa trông rộng, đánh giá bao quát lại xem vấn đề rắc rối vừa xảy ra ảnh hưởng như thế nào đến bạn trong 1 năm, 2 năm, 5 năm tới? Vấn đề đó nên giải quyết như thế nào? Từ từ từng bước một hay gấp rút? Lợi hại khi xử lý theo từng phương pháp?
Nhìn nhận lại bản thân mình trước tin xấu đó, khi bạn đã học được cách bình tĩnh thì tự dưng bạn sẽ có phản xạ với tình huống hiện tại, kể cả việc chấp nhận nó là một thất bại của bản thân. Bởi vì lúc này bạn hiểu rằng, con người ta không ai là hoàn hảo, có lúc đúng sẽ có lúc sai, có thành công thì sẽ có thất bại, vì vậy thái độ điềm nhiên khi bạn đã hiểu được căn nguyên vấn đề sẽ khiến cho bạn luôn luôn bình tĩnh, và khi bạn bình tĩnh thì mọi chuyện sẽ được giải quyết một cách thấu tình, đạt lý.
Châu Phượng
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.