Các loài chim có khả năng nghe những tiếng động trong môi trường sống mà không cần dùng tai bên ngoài như động vật có vú, nhờ cấu tạo đầu đặc biệt.
Các loài chim có khả năng nghe âm thanh mà không cần tai bên ngoài. (Ảnh: Hans A.Schnyder et al PLoS ONE)
Theo nhóm chuyên gia Đức, chim biết khoanh vùng để tìm vị trí phát ra âm thanh bằng cách sử dụng toàn bộ phần đầu như một đôi tai phía bên ngoài khổng lồ.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học khảo sát màng nhĩ của quạ, vịt, gà, và đo mức âm lượng tác động lên màng nhĩ ở các góc độ khác nhau. Họ nhận thấy rằng, âm thanh tác động lên màng nhĩ phía bên trái và phía bên phải đầu có tần số không giống nhau, phụ thuộc vào hướng phát ra âm thanh.
Trên thực tế, não chim xử lý sự khác biệt về tần số âm thanh trong đôi tai để xác định vị trí phát ra âm thanh đó (phía trên, phía dưới hoặc ngang tầm với chúng).
“Hệ thống này có độ chính xác cao. Ở mức cao nhất, loài chim có thể nhận biết âm thanh so với phương ngang một góc từ -30° đến +30°”, Huffington Post dẫn lời Hans A. Schnyder, trưởng nhóm nghiên cứu tại trường Technische Universitat Munchen, nói.
Ở động vật có vú, tai phía bên ngoài giúp chúng xác định vị trí phát ra âm thanh, tập trung và làm rõ âm thanh trước khi nó di chuyển vào phần tai giữa và ống tai.
Theo Vnexpress