Các bà mẹ thường hay tưởng tượng con mình sẽ xinh xắn đáng yêu ngay từ khi mới lọt lòng mẹ. Thế nhưng thực tế “phũ phàng” khiến giấc mơ của các mẹ khó mà trở thành sự thật. Bởi vì các bé mới sinh thường có hình dạng khá “kỳ dị” khiến các mẹ nhiều khi hoảng hốt.
1. Đầu
Bình thường, trẻ sơ sinh sẽ có đầu to hơn so với các bộ phận còn lại trên cơ thể. Hình dáng đầu bé sẽ khác biệt tùy theo cách sinh của mỗi mẹ. Mẹ sinh mổ sẽ thấy bé có đầu tròn và đẹp trong khi mẹ sinh thường thì sẽ hơi “choáng” một chút vì đầu bé thường bị nhọn hoặc hơi méo. Nguyên nhân là do các bé sinh thường phải co mình và tự điều chỉnh cơ thể để lọt vừa ống sinh của mẹ. Tuy nhiên, đầu bé sẽ trở lại hình dáng bình thường sau khi sinh từ 1 đến 2 tuần.
Trên đầu trẻ sẽ có hai phần mô mềm ở trước và sau (thường gọi là thóp). Thóp thực chất là phần mở của hộp sọ có tác dụng co lại để đầu bé vừa ống dẫn sinh của mẹ. Thóp sau đầu thường biến mất sau 6 tháng đầu trong khi thóp ở phía trước phải mất từ 12 đến 24 tháng mới có thể đóng lại hoàn toàn.
Nhiều trẻ sơ sinh còn xuất hiện các mảng vảy mỏng màu xám hoặc vàng, để lâu sẽ cứng và biến thành màu đen (dân gian gọi là cứt trâu). Nếu nhận thấy hiện tượng này, các mẹ nên gội đầu nhiều hơn cho bé bằng dầu gội của trẻ sơ sinh và dùng lược mềm chải đầu cho bé.
2. Tay và chân
Sau nhiều tháng trời nằm trong tư thế cuộn tròn, chân tay bé không thể duỗi thẳng ngay mà vẫn giữ trạng thái cong gập như ở trong bụng mẹ. Bé sẽ tập duỗi chân tay trong 1 – 2 tuần sau sinh.
3. Bụng
Thông thường trẻ sơ sinh sẽ bị sụt cân trong tuần đầu tiên sau sinh. Bé sẽ lấy lại cân nặng ban đầu vào tuần kế tiếp và nhanh chóng tăng cân trong các tuần sau đó, khiến bụng bé mập hơn. Trong 10 – 21 ngày sau sinh, bé bắt đầu rụng dây rốn. Nếu thấy chất lỏng hơi giống màu máu rỉ ra từ lỗ rốn, các mẹ hãy dùng khăn mềm thấm cồn lau sạch cho bé. Sau 1 tháng, nếu không thấy dây rốn rụng, mẹ nên đưa bé đi khám hoặc báo với bác sĩ.
4. Ngực và vùng kín
Các bé mới sinh (dù trai hay gái) thường bị sưng ở ngực và vùng kín do lượng hóc môn dư thừa trong cơ thể trước khi sinh. Một số trẻ còn xuất hiện chất dạng sữa trên đầu ngực. Nếu thấy hiện tượng này, mẹ nên để yên cho đầu ngực bé tự khô chứ không vặn hay nắn kẻo làm tổn thương bé. Với bé gái, một số bé có thể xuất hiện dịch nhờn trắng hoặc gần giống màu máu ở vùng kín. Những hiện tượng này đều sẽ biến mất sau tuần đầu tiên.
5. Da
Trẻ mới sinh thường có làn da mỏng gần như trong suốt, đôi khi có cả lông tơ. Các mẹ có thể thấy chất dịch vàng trắng bao phủ lên toàn bộ cơ thể bé (được gọi là chất gây) ngay khi lọt lòng. Bé mới ra từ trong bụng mẹ thường có màu đỏ tía và dần chuyển sang đỏ hồng vài tuần sau đó. Sáu tháng sau sinh, da bé sẽ dần hình thành màu sắc da thật.
Nếu da trẻ sau sinh có màu hơi vàng thì nhiều khả năng bé đã bị mắc chứng vàng da. Hơn nửa số trẻ em sơ sinh khỏe mạnh đều có dấu hiệu của bệnh vàng da do cơ thể bé phá vỡ những tế bào hồng cầu dư thừa trong máu. Các dấu hiệu này thường biến mất sau 1 tuần hoặc kéo dài trong suốt giai đoạn sơ sinh của trẻ. Trong trường hợp chứng vàng da không biến mất, mẹ nên cho bé đi xét nghiệm hoặc đến phòng khám đề phòng bé mắc phải các bệnh về gan.
Trẻ mới sinh cũng thường xuất hiện mụn trên da. Một phần năm số trẻ sinh ra có mụn trong tháng đầu do các hoóc-môn của mẹ còn trên người bé. Mụn thường xuất hiện ở trán và má bé, có thể tệ hơn nếu mẹ để bé tiếp xúc lâu với vải giặt bằng xà phòng và các chất tẩy rửa mạnh. Để loại bỏ các chất hóa học bám trên người bé, mẹ nên lau mặt cho bé một lần trong ngày với xà phòng của trẻ sơ sinh.
Một số trẻ sinh ra cũng có các vết bớt loang với nhiều kích thước khác nhau. Phần lớn các loại bớt đều vô hại, một số tự biến mất trong những năm đầu, một số khác giữ nguyên.
6. Tóc
Tóc của trẻ sơ sinh thường không liên quan đến trạng thái tóc của bé sau này. Ngay cả khi tóc trẻ có dày thì nhiều khả năng tóc sẽ rụng bớt vài tuần sau đó. Kết cấu tóc cũng thường thay đổi trong 6 tháng đầu.
7. Mắt
Một số trẻ sơ sinh có những đốm đỏ ở lòng trắng mắt. Thực chất đó là hệ quả từ những “chấn thương” nhẹ của bé sau khi vật lộn cùng mẹ trong suốt quá trình sinh nở.
8. Tai
Tai trẻ sơ sinh thường mềm và thậm chí hơi cong ở phía viền tai. Tai bé sẽ được định hình khi sụn tai dần cứng hơn trong mấy tháng sau đó.
9. Mũi
Với những bé sinh thường, mũi bé sẽ hơi phẳng hoặc thậm chí bị lệch sau sinh. Hình thái mũi sẽ dần trở lại trạng thái bình thường trong vài ngày.
Trang Lưu (Nguồn: Babycenter)
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.