Từ lâu, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng ngáp là một hiện tượng mang tính lây lan. Nếu có một người ngáp, lập tức nhiều người khác cũng sẽ ngáp theo. Điều thú vị là đặc điểm này cũng được ghi nhận ở những loài động vật linh trưởng khác mà khỉ bonobo là ví dụ điển hình.
Bên cạnh đó, kết quả rút ra từ nghiên cứu mới đây được đăng tải trên tạp chí PLoS ONE ngày 14/11 còn cho thấy hiệu ứng ấy chỉ dễ dàng xuất hiện giữa các thành viên gia đình hoặc trong nhóm bạn bè thân thiết, không phân biệt địa vị cao thấp.
Mô hình trên ủng hộ giả thuyết rằng quá trình này là một hình thức giao tiếp cơ bản dựa trên sự đồng cảm vốn xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử tiến hóa của loài người, Elisabetta Palagi, một nhà nghiên cứu động vật linh trưởng tại Đại học Pisa (Italy) phát biểu.
Giống như người, hiện tượng “ngáp tập thể” cũng xảy ra ở nhiều
loài động vật linh trưởng trong đó có Bonobo. (Ảnh: Elisa Demuru)
Tiến hành điều tra nguyên nhân hiện tượng ngáp tập thể, Palagi và đồng nghiệp – Elisa Demuru – đã phân tích trên 12 con bonobo (loài có mối liên kết cộng đồng khá chặt chẽ) tại Công viên Động vật linh trưởng Apenheul ở Hà Lan. Trong hơn ba tháng quan sát, các nhà nghiên cứu ghi nhận khoảng 1.260 lần ngáp ở những con khỉ trưởng thành. Mỗi khi một con mở miệng ngáp, họ nhận thấy các con khác cũng làm như vậy, kéo dài tới ba phút tiếp theo, trong đó tỷ lệ cao nhất xảy ra ở phút đầu tiên và hiệu ứng này xuất hiện mạnh mẽ với nhóm cái hơn là với nhóm đực.
Như vậy “con cái trưởng thành không chỉ là nhân tố có tính quyết định cho sự liên kết của xã hội bonobo mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc ảnh hưởng đến trạng thái tình cảm của những con khác”, Palagi nói.
Ngoài ra, các chuyên gia cho biết cơ chế “lây nhiễm” này cũng tìm thấy ở nhiều động vật khác, chẳng hạn tinh tinh và khỉ đầu chó lây từ nhau, chó và vẹt thì lại lây từ chủ… Bởi vì phản ứng dây chuyền của hành động ngáp phụ thuộc vào mối quan hệ xã hội, các nhà khoa học lập luận nó là sản phẩm của sự đồng cảm hay khả năng nắm bắt cảm xúc của người khác. Do đó, quy tắc này không áp dụng với những đối tượng chưa có hoặc gặp vấn đề về tương tác, giao tiếp xã hội như trẻ sơ sinh và trẻ tự kỷ.
Tham khảo: Livescience
Theo Báo Đất Việt, Livescience