Là một người mẹ yêu thiên nhiên, mong muốn sử dụng những gì từ thiên nhiên và lành mạnh nhất cho con mình, nên ngay từ những ngày mang thai mình đã lùng sục khắp chốn để chuẩn bị cho con yêu những gì an toàn nhất, tốt nhất để chăm sóc con ngày bé ra đời.
Chăm sóc em bé thì thứ không thể thiếu đó là các loại dầu giữ ấm, nhưng trước nay mình vốn rất sợ cái mùi mà dân gian hay gọi là “mùi bà đẻ”, bước vào phòng nghe nồng nặc mùi dầu khuynh diệp là biết ngay nhà có người mới sinh.
Thế rồi nhớ lại khoảng thời gian mình có dịp đi lại thường xuyên ở khu vực Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, và mình hay bắt gặp những lò nấu dầu mà người dân ở đây mang hẳn ra trước mặt đường nấu thủ công bán. Mùi hương tinh dầu tràm thoang thoảng rất thơm mỗi lần đi qua.
Mình đã thử lên mạng tìm hiểu xem có cửa hàng nào bán loại dầu này ở miền Nam không, vì vốn dĩ người miền Nam quen dùng dầu khuynh diệp. Và, thật “mừng ơi là mừng” khi xu hướng quay về sử dụng các sản phẩm gần gũi, có nguồn gốc hoàn toàn từ thiên nhiên ngày càng lan rộng; thì những sản phẩm truyền thống lâu đời từ những làng nghề nông thôn Việt vốn đã âm thâm chăm sóc sức khỏe cho bao thế hệ, nay đã theo chân những người con nông thôn ấy ra thành thị, trở thành món quà quê nồng ấm, góp phần chăm sóc cho nhiều người hơn nữa.
Dầu tràm có rất nhiều công dụng, tuy nhiên điều mình lưu tâm nhất là trẻ sơ sinh dùng sẽ không bị mẫn cảm vì dầu ấm mà lại không bị nóng, rát khi bôi. Mình còn kĩ tính hỏi thăm những người nấu dầu tràm thì được chia sẻ cả quy trình nấu dầu kì công như sau:
Lá tràm già được hái mang về ủ 1 ngày rồi đem phơi qua nắng, sau đó mới đem nấu. Thời gian nấu liên tục 2 tiếng đồng hồ, dùng củi và lá tràm khô đun. Lá tràm khô là lá đã nấu rồi tận dụng đem phơi khô. Một mẻ nấu khoảng 5 bao lá tươi (50kg lá) mới cho ra được chừng 0.6 lít dầu.
Cách nấu là dùng phương thức chưng cách thủy, như cách nấu rượu gạo vậy. Dầu chiết ra có màu trong tự nhiên, nếu muốn có màu hơi vàng, người dân lấy lá tràm tươi phơi khô rồi ngâm vào dầu, muốn màu ngả xanh thì bỏ lá tươi vào dầu ngâm vài ngày. Công đoạn nấu dầu tràm vất vả như vậy, nhưng bù lại thành phẩm lại có rất nhiều tác dụng tuyệt vời, các mẹ tham khảo nhé!
Các cách dùng dầu tràm mình xin chia sẻ với các mẹ:
– Để giữ ấm cho bé sau khi tắm, mẹ xoa vào lòng bàn tay của mình rồi vuốt nhẹ vào ngực và lưng của bé, xoa vào gan bàn chân để giữ ấm và giúp bé thư giãn. Nhớ là không đổ dầu trực tiếp vào da bé vì như thế mình không kiểm soát được lượng dầu, việc này lặp lại vào mỗi tối trước khi cho bé đi ngủ.
– Mỗi khi ra ngoài, xoa vào lưng, xoa lên khăn quàng cổ hoặc áo quần của bé nhằm cản gió, tránh ho.
– Pha với nước tắm để giữ ấm cho bé: cho vài giọt vào nước ấm vừa phải (nếu nước ấm quá sẽ khiến da bé bị khô), chú ý không để nước vào mắt của bé, dùng nước tắm trong để gội đầu và lau mặt riêng cho bé.
– Ăn không tiêu: Nhỏ một vài giọt dầu vào lòng bàn tay, xoa vào bụng theo hình vuông sát lườn bụng ngược với chiều kim đồng hồ, chú ý không xoa vào lỗ rốn của bé.
– Muỗi và côn trùng đốt: Xoa dầu vào chỗ bị đốt sẽ giảm sưng ngứa nhanh chóng. Chú ý, không xoa dầu vào khu vực mặt và thái dương của bé vì hơi dầu dễ day vào mắt và miệng bé.
– Trị ngạt mũi cho bé: Không cho dầu trực tiếp lên mũi bé mà chỉ cần cho vài giọt dầu vào khăn quấn ở cổ bé, hoặc gối bé nằm, hoặc khu vực gần bé nằm nhất, hương thơm của dầu bé sẽ ngửi được. Cách này vừa trị ngạt mũi cho bé vừa làm cho bé thư giãn vì hương của dầu tràm rất nhẹ và dịu.
– Kháng khuẩn, kháng viêm bằng phương pháp xông, hơ hoặc khuyếch tán mùi.
Với các mẹ vừa mới sinh, cơ thể rất mệt mỏi, các khớp xương thường rất cứng, chỉ cần thoa dầu vào các khớp xương, bắp chân, lòng bàn chân (không xoa vào vùng ngực) sẽ làm giảm mệt mỏi, đau nhức.
– Xông hơi thư giãn: Cho dầu tràm vào chậu nước ấm, đưa mặt mình lên chậu nước rồi nhắm mắt, tận hưởng cảm giác sảng khoái nhờ vào mùi thơm dễ chịu và hơi nóng làm giãn các lỗ chân lông, khí độc thoát ra.
– Nhức mỏi, trật gân, sưng tấy: Thoa dầu tràm vào vết đau, sưng, nhức, nhiều lần trong ngày.
– Dầu tràm không chỉ an toàn cho trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai và sau sinh, mà còn dùng tốt cho người lớn tuổi trong việc giảm đau mỏi xương khớp, đầy hơi, khó tiêu. Đặc biệt, để càng lâu thì dược tính càng tăng.
Chúc các mẹ và các bé sẽ luôn khỏe và luôn có được sự chăm sóc tốt nhất từ những sản phẩm thiên nhiên thuần Việt.
Camellia
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.