Mái nhà của bạn liệu có thể giúp bạn thở dễ dàng hơn bằng cách “lọc”, làm giảm lượng các chất gây ô nhiễm độc hại từ không khí đô thị? “Có” là câu trả lời của ông John Renowden, Phó Giám đốc Công ty Công nghệ mái lợp Boral (Mỹ) cùng với việc công ty cho ra mắt loại sản phẩm mái lợp có khả năng “hút” chất ô nhiễm.
Chết vì ô nhiễm nhiều hơn tai nạn giao thông
Mái nhà sẽ biến các chất ô nhiễm thành chất vô hại. |
Theo đánh giá của các chuyên gia, ô nhiễm không khí là một trong những vấn đề đô thị lớn nhất hiện nay ở các nước trên thế giới. Nó gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân thành phố.
Giám đốc về sức khỏe môi trường của Tổ chức Y tế thế giới Maria Neira cho biết, ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời ước tính gây ra hơn 2 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới. “Đây chắc chắn là một trong những thách thức lớn nhất về y tế mà chúng ta đang phải đối mặt. Tiếp xúc với ô nhiễm không khí đô thị có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, ung thư cũng như các bệnh liên quan đến hô hấp khác như hen suyễn, viêm phổi…”, bà Maria Neira nói.
Một nghiên cứu gần đây về chất lượng không khí ở Anh do các chuyên gia MIT Steve Yim và Steven Barrett công bố cho thấy, số người chết vì ô nhiễm do các phương tiện giao thông gây ra cao hơn so với số người tử vong vì tai nạn giao thông, với con số 13.000 ca mỗi năm. Một báo cáo khác được công bố hồi năm ngoái cũng chỉ ra rằng, gia tăng ô nhiễm không khí liên quan đến các phương tiện giao thông cũng làm tăng nguy cơ bị đột quỵ.
Theo báo cáo về tình trạng không khí của Mỹ năm 2012 của Hiệp hội Phổi Mỹ, Califorina là nơi có nhiều thành phố ô nhiễm nhất nước, trong đó, Los Angeles tiếp tục đứng đầu danh sách do mật độ giao thông dày đặc và các cảng thương mại.
“Gạch ăn khói”
Công ty Boral có trụ sở gần Los Angeles đã giới thiệu loại “Gạch ăn khói” cải thiện chất lượng không khí bằng cách trung hòa các ôxit nitơ hình thành do khói quang hóa của hầu hết các loại phương tiện giao thông trong thành phố thải ra.
Loại gạch này được phủ một lớp titanium dioxide, một chất quang xúc tác có thể ôxy hóa các chất gây ô nhiễm không khí độc hại thải ra do các nhiên liệu hóa thạch bị đốt cháy. Khi tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên, titanium dioxide phá vỡ các ôxit nitơ trong không khí và biến chúng thành canxi nitrat vô hại.
Chất canxi nitrat này sẽ rửa sạch mái nhà của bạn với lượng mưa bình thường và là một loại phân bón thông dụng cho cây trồng. Mặc dù loại gạch này thường phải mất thêm khoảng từ 600-1.000 USD chi phí ốp lát, tuy nhiên, trong khoảng thời gian 1 năm, số gạch trên 1 bộ vuông nhà (đơn vị đo lường diện tích Mỹ, khoảng 0,3m2) có thể ôxy hóa nitơ ôxit (N2O – là loại khí gây hiệu ứng nhà kính, được sinh ra trong quá trình đốt các nhiên liệu hoá thạch) tương đương với lượng do một chiếc ô tô thải ra khi đi quãng đường 10.000 dặm trong một năm.
Công ty Tấm lợp Boral là công ty xây dựng đầu tiên ở Mỹ giới thiệu các lớp phủ titanium dioxide trong sản phẩm tấm lợp. Công nghệ này có nguồn gốc từ Nhật Bản, và đã được áp dụng trong một số ngành công nghiệp ở châu Âu. Trong vài năm gần đây, nó đã được sử dụng trong sản xuất một số sản phẩm, bao gồm loại xi măng thân thiện với môi trường, các tấm kiến trúc và sơn.
Tính chất chống gây ô nhiễm môi trường của titanium dioxide – một hợp chất thường được sử dụng là chất tạo màu trắng trong sơn và nhựa đã được thử nghiệm trong một dự án do Ủy ban châu Âu hỗ trợ vào năm 2005. Theo Chương trình hành động công nghệ môi trường của Ủy ban châu Âu, các thử nghiệm trong môi trường đô thị đã cho thấy một số chất gây ô nhiễm như các ôxit nitơ – chất gây ô nhiễm chính trong khí thải, có thể giảm được từ 20-70%.
Trong cuộc chiến chống ô nhiễm không khí đô thị, cần thiết phải có một giải pháp bền vững hơn. “Chúng ta phải vượt qua sự phụ thuộc vào dầu mỏ, tuy nhiên, đó không phải là chuyện có thể xảy ra một sớm một chiều” – ông Renowden nói. Và chính vì thế, sống dưới mái nhà có thể giúp bạn ngăn chặn chất ô nhiễm được các chuyên gia đánh giá là một trong những giải pháp hữu hiệu trước mắt giúp người dân thành thị – những người hàng ngày phải sống chung với ô nhiễm.
Theo Vietnamnet