Là rừng với diện tích lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Amazon (Brazil), rừng Maiombe đóng vai trò là một trong hai “lá phổi của thế giới”. Đồng thời, Maiombe là khu bảo tồn có tính chất đa dạng sinh học lớn nhất của Lục địa Châu Phi.
Khám phá Maiombe – khu rừng lớn thứ hai thế giới
Rừng Maiombe nằm ở phía Bắc tỉnh Cabinda (Angola), tiếp giáp biên giới với Cộng hòa Congo và Cộng hòa dân chủ Congo, kéo dài từ Buco Zau (đô thị tự trị Inhuca và Necuto) cho đến Belize (đô thị tự trị Miconge và Luali). Diện tích rừng cận xích đạo Maiombe lớn gấp hai lần nước São Tomé và Principe; phủ sang địa phận cả 2 nước Công-gô và Cộng hòa Gabon, bên rìa Tây Nam của Rừng Nhiệt đới Congo; chiếm một vùng lãnh thổ rộng lớn tới 290 ngàn héc-ta, tức 60% lãnh thổ tỉnh Cabinda.
Góp mặt trong 7 kì quan thiên nhiên của Angola. Ngoài rừng Maiombe, còn có là 6 kỳ quan khác đó là: Khe Tundavala (Tỉnh Huíla), Đồi Moco (Huambo), Hang động Nzenzo (Uíge), Thác Kalandula (Malange), Hồ Carumbo (Bắc-Lunda), Các thác tại Sông Chiumbe (Nam-Lunda).
Bạn có thể bắt gặp nhiều loài vượn trong rừng
Du khách đến với Maiombe sẽ choáng ngợp trước cảnh tượng hùng vĩ của một màu xanh mướt vô tận trải dài đến đường chân trời, do đó nó còn có tên gọi khác là “Biển thực vật”.
Maiombe là một trong những hệ sinh thái cận xích đạo giàu có nhất về mặt đa dạng sinh học với quần thể động vật hoang dã phong phú và thực vật dày đặc bao phủ khắp toàn bộ lãnh thổ. Khu rừng sở hữu vô số các loài động thực vật quý hiếm và gỗ chất lượng cao.
Khu bảo tồn rừng là một thiên đường du lịch cho những người yêu thiên nhiên, với thảm thực vật dày đặc cùng nhiều loài cây tỏa bóng mát với độ cao đáng ngưỡng mộ trên 50m, nổi bật nhất là cây Aniba rosaeodora, Ngulo Mazi v.v… và những loại gỗ vô cùng quý hiếm như gỗ Pau-preto, gỗ mun, bạch đàn châu Phi, numbi, takula, banzala, wamba, vuku, limba, kungulo, pau-rosa, tolas branca, chinfuta, lifuma, kali, kâmbala, ndola, livuite v..v.
Thảm thực vật phong phú trong rừng Maiombe.
Maiombe là “môi trường sống” của hàng triệu loài động vật. Điều này đã biến nơi đây trở thành thiên đường đích thực. Hệ động vật được tạo nên bởi các loài hoang dã kích thước lớn như voi, tê giác, bò châu Phi (Pacaças). Ngoài ra còn có các loài vượn như đười ươi, tinh tinh, vượn Bonobo, khỉ nhỏ và lười. Đây là nơi duy nhất tồn tại 2 loài vượn lớn nhất: tinh tinh “Pan Troglodytes” và đười ươi “Gorilla Gorilla”. Chúng là những loài có nguy cơ bị tuyệt chủng cao được xếp vào hạng mục cần được bảo vệ.
Bên cạnh đó, cần phải kể đến các loài gặm nhấm cũng như các giống chim quý hiếm như vẹt xám châu Phi và vẹt yến phụng .v…v. Đầm lầy Landana sẽ cho bạn cơ hội chiêm ngưỡng màn trình diễn tuyệt vời của bồ nông và hồng hạc. Đặc biệt nổi tiếng ở đây bạn còn có thể gặp các loài bướm không tồn tại ở nơi nào khác trên thế giới, hàng trăm loài sâu bọ cánh vảy cũng sẽ làm bạn thích thú. Các bảo tàng ở London, Tokyo, v..v.. đếu trưng bày các mẫu bướm của rừng Maiombe.
Rừng Maiombe với phong cảnh hùng vĩ nên thơ đã được các nghệ sỹ đưa vòa thơ ca, truyện kể, văn học dân tộc.
Khu bảo tồn Maiombe có tiềm năng du lịch cao và trở thành một trong những điểm đến thu hút khách du lịch bậc nhất của tỉnh Cabinda cũng như góp 1 phần không nhỏ vào phát triển kinh tế xã hội, là một khu vực quan trọng đóng vai trò xúc tiến kinh tế xanh của Angola.
Cảnh tượng hùng vĩ của rừng Maiombe.
Rừng Maiombe đang thoái hóa trong nhiều thập kỷ qua do thiếu công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên và hành động bảo vệ thích hợp. Cuộc sống của phần lớn các cộng đồng tại Rừng Maiombe chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp và chăn nuôi gia súc quy mô nhỏ. Họ chặt cây bừa bãi và đánh bắt cá, săn bắn bất hợp pháp để tồn tại. Rừng Maiombe và quần thể động vật ở đây cũng đứng trước nguy cơ bị đe dọa từ các hiểm họa thiên nhiên như cháy rừng hay hiểm họa từ con người như khai thác gỗ trái phép, nạn phá rừng.
Điều tra gần đây nhất được thực hiện tại rừng Maiombe là vào năm 1964. Do đó, rất khó để đưa ra tỉ lệ thiệt hại chính xác trong quần thể động thực vật trong thời điểm hiện tại. Nhưng có một sự thật hiển nhiên là tình trạng buôn bán lậu động vật đang gia tăng làm tổn hại đến các giống loài quý hiếm như tinh tinh, đười ươi và vẹt Macaw châu Phi tại khu rừng này.
Đồi Moco.
Vào thời kì thuộc địa từ năm 1648 đến 1974, khu rừng bị khai thác bừa bãi. Số liệu của Viện Phát triển Rừng – IDF chỉ ra rằng rừng Maiombe đã cung cấp xấp xỉ 285 nghìn m3 gỗ bản địa cho thị trường và hơn 50% sản xuất gỗ trên toàn quốc. Tài nguyên rừng là nguồn thu nhập thứ hai của tỉnh Cabinda, chỉ sau dầu thô. Sự đa dạng sinh học của Maiombe có những giá trị to lớn không chỉ cho cư dân bản địa mà cho môi trường trên toàn trái đất trong cả hiện tại và tương lai.
Cuối năm 2013, Angola, Cộng hòa Congo, Cộng hòa dân chủ Congo đã họp mặt để thiết lập một loạt các “Hành động xuyên quốc gia”, trong đó bao gồm nội dung: Bảo tồn Rừng Maiombe. Kế hoạch chiến lược có thời hạn 10 năm và bao gồm các dự án đẩy mạnh bảo tồn và quản lý bền vững hệ sinh thái, bầu khí quyển Maiombe; hài hòa hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, văn hóa với hoạt động phát triển kinh tế-xã hội.
Khe Tundavala.
Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) và Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN) đã hợp tác cùng nhau xây dựng một Khu vực bảo tồn xuyên biên giới ở Maiombe (Angola), Congo-Brazaville, Congo-Kinshasa với mục đích duy trì và khôi phục sự toàn vẹn của hệ sinh thái Maiombe để bảo tồn sự đa dạng sinh học và củng cố cho sự ổn định khu vực và cải thiện đời sống con người.
Theo TTVH