Từ khi còn nhỏ, chúng ta vẫn thường được người lớn nhắc nhở rằng không được xem ti-vi quá nhiều vì sẽ có hại cho mắt. Liệu đó có phải là một lời khuyên đúng đắn?
Ngày nay, màn hình điện tử xuất hiện khắp nơi trong đời sống của chúng ta. Chúng ta ngày càng phụ thuộc rất nhiều vào những loại máy móc có màn hình. Để phục vụ nhu cầu làm việc và giải trí, hàng ngày chúng ta phải tiếp xúc với nhiều loại màn hình, từ chiếc ti-vi, máy vi tính, máy tính bảng đến điện thoại di động.
Liệu việc “dán mắt” vào màn hình nhiều như vậy có gây nguy hại gì cho mắt không? Làm cách nào để giảm thiểu mối nguy hiểm nếu có?
-
1
Sử dụng máy tính bảng
Nhiều người thường phải đi khám bác sĩ nhãn khoa khi mắt bị đau nhức, khó chịu và thị lực giảm sút mà không hề biết rằng việc này là kết quả của việc sử dụng máy tính bảng liên tục.
Không nên: sử dụng máy tính bảng nhiều giờ liền. Các bác sĩ mắt cho biết, khi nhìn trong khoảng cách gần, tần suất chớp mắt giảm đáng kể, mắt sẽ ít tiết ra nước mắt hơn và mau khô. Ngoài ra, đồng tử cũng thu hẹp so với bình thường và gây nhức đau.
Nên: cho mắt nghỉ ngơi thường xuyên. Các bác sĩ nhãn khoa đã đưa ra một quy luật chung: 20/20/20, tức là mỗi 20 phút làm việc, hãy nghỉ ngơi 20 giây và chuyển ánh nhìn vào một vật gì đó trong khoảng cách 20feet (khoảng 6m).
-
2
Xem ti-vi, dùng máy tính
Khi sử dụng ti-vi, máy tính, người dùng thường có xu hướng làm tối môi trường xung quanh để dễ nhìn. Thực ra, xem ti-vi trong bóng tối sẽ gây ra hiện tượng mỏi mắt thường xuyên và buồn ngủ. Nhưng nếu xem ti-vi trong căn phòng quá sáng thì cũng không tốt cho mắt.
Không nên: xem ti-vi, dùng máy tính trong môi trường quá tối hoặc quá sáng. Đồng thời cũng không nên sử dụng quá lâu.
Nên: điều chỉnh ánh sáng phòng ở chế độ cân bằng khi xem ti-vi, dùng máy tính, tránh sự tương phản quá lớn giữa màn hình và độ sáng của căn phòng.
Cần cho mắt nghỉ ngơi, thỉnh thoảng nên rời mắt khỏi màn hình, cho mắt nghỉ ngơi từ 5-10 phút. Nếu dùng máy tính, bạn có thể tải về máy phần mềm Eyes Care và thiết lập thời gian nghỉ ngơi phù hợp như ý muốn.