Mang thai tháng thứ 5 – bé cưng đã có dấu vân tay!

Mang thai tháng thứ 5 - bé cưng đã có dấu vân tay!

Mang thai tháng thứ 5 là mẹ đã bước đến giữa thai kì, so với chặng đường vừa đi qua, phía trước mẹ sẽ đối mặt với nhiều gian nan hơn đấy. Tuy vậy, sẽ có nhiều điều đáng nhớ, nhiều niềm vui, nhiều hạnh phúc hơn khi mẹ và bé bắt đầu “giao tiếp” được với nhau. Đến tháng này, mẹ có thể trò chuyện với con, hát cho con nghe và lắng nghe, cảm nhận những phản ứng của bé.

Mang thai tháng thứ 5 – sự thay đổi cơ thể mẹ

Thời điểm mẹ được “diện” những chiếc váy bầu

Nếu như ở những tháng trước – bụng bầu chưa đủ lớn để ai cũng biết là mẹ đang mang thai – thì sang tháng này, những bộ đồ bình thường chẳng còn vừa vặn, thoải mái nữa và mẹ buộc phải sắm về những chiếc váy bầu vừa dễ thương vừa rộng rãi. Trông mẹ “ra dáng” lắm rồi đấy nhé!

Tuy nhiên, khi bụng bầu dần to lên cũng là lúc mẹ sẽ trở nên “vụng về” và mất cân bằng hơn, do đó phải luôn luôn cẩn trọng khi đi lại/thay đổi tư thế để tránh bị va quệt, ngã,… Đặc biệt, mẹ cần chú ý đến tư thế đứng của mình sao cho tạo được không gian thoải mái nhất cho bé cưng trong bụng, đồng thời tránh trường hợp bị nhức mỏi, đau cơ, đau lưng,…

Thời gian này, cơ thể cũng bắt đầu tiết ra hormone ralaxin, đây là loại hormone có tác dụng “nới lỏng” các cơ, xương khớp để đến cuối thai kì, em bé dễ dàng chui ra khỏi bụng mẹ hơn. Tuy nhiên, cũng vì hormone này mà mẹ dễ đau nhức và tổn thương hơn, do đó cần rất cẩn trọng khi di chuyển.

Mang thai tháng thứ 5 - bé cưng đã có dấu vân tay!
Cả mẹ và bé sẽ trải qua rất nhiều thay đổi khi mang thai tháng thứ 5. (Ảnh minh họa)

Chân tay sưng phù

Cơ thể giữ nước nhiều hơn từ thời gian này trở đi, thành ra nhiều mẹ đã bị phù nề cả chân và tay rồi. Mẹ có thể thấy chân tay mình bắt đầu to lên trông thấy, nhưng may mắn là tình trạng này hoàn toàn bình thường và không gây hại cho cả mẹ và thai nhi. Đặc biệt, đừng nghĩ rằng cơ thể tích nhiều nước nghĩa là mẹ không cần uống nhiều nước nhé, thực tế là bà bầu vẫn cần bổ sung nước đầy đủ để thải độc tố khỏi cơ thể và làm tình trạng phù nề giảm bớt đi. Ngoài ra, mẹ có thể kê gối mềm dưới chân khi ngủ, không đứng/ngồi quá lâu để tăng cường sự lưu thông, hạn chế sưng phù.

Lấy lại “phong độ ăn uống”

Từ tháng thứ 4 trở đi, khi cơ thể mẹ đã quen với việc có em bé trong bụng, tình trạng nghén ngẩm theo đó mà giảm dần khiến mẹ bầu ăn uống tốt hơn. Khi mang thai tháng thứ 5 – đây có vẻ là thời điểm mẹ thấy ngon miệng nhất và thường xuyên đói bụng, thèm ăn. Tuy vậy, để đảm bảo sức khỏe cho cả hai, hãy ăn uống một cách lành mạnh với nhiều rau củ, thực phẩm tươi sạch và đa dạng dinh dưỡng. Tuyệt đối không ăn quá nhiều một loại thực phẩm nào đó, nhất là đường, tinh bột,… vì chúng có thể gây tiểu đường thai kì, khiến mẹ và bé bị thừa cân. Cách tốt nhất là hãy thay bữa phụ nhiều đồ ngọt, đồ chiên rán bằng các loại hạt lành mạnh như đậu tương, óc chó, hạnh nhân,… hoặc trái cây.

Mang thai tháng thứ 5 - bé cưng đã có dấu vân tay!

Tử cung lớn lên mỗi ngày sẽ chèn ép vào dạ dày khiến mẹ bầu dễ bị ợ nóng. (Ảnh minh họa)

Táo bón

Sẽ rất khó chịu, nhưng tình trạng này sẽ còn bám theo các bà bầu cho đến tận lúc sinh em bé. Lý do là vì nồng độ hormone proesterone gia tăng gây ra hiện tượng này. Một số mẹ bầu phải uống bổ sung viên sắt cũng khiến tình trạng táo bón thêm nặng hơn. Ngoài ra, tử cung to lên chèn ép vào dạ dày khiến mẹ còn hay bị ợ nóng nữa.

Da dẻ đầy mụn

Ngoại trừ một số bà bầu da dẻ đẹp hẳn lên khi mang thai, còn lại đa phần mẹ sẽ đối mặt với sự xuống sắc trầm trọng – khi mụn, nám ghé thăm mỗi ngày, làn da và môi khô nẻ hoặc bóng dầu, kém tươi tắn. Tuy nhiên, mẹ không phải cuống lên tìm cách chữa trị đâu, các loại thuốc, kem bôi ngoài da không còn an toàn nữa nhưng mẹ yên tâm là sau khi sinh em bé, mọi chuyện sẽ đâu vào đấy thôi!

Đó là những gì cơ thể mẹ sẽ gặp phải khi mang thai tháng thứ 5, giờ thì hãy xem bé cưng phát triển ra sao nhé!

Mang thai tháng thứ 5 – sự phát triển của bé

Dấu vân tay hình thành

Thật là một dấu mốc đáng ghi nhớ, bởi từ lúc này bé cưng đã có dấu vân tay rồi đấy mẹ. Tuy chưa rõ ràng nhưng “dấu ấn” của bé sẽ tiếp tục phát triển và hoàn thiện vào những tuần tới.

Mang thai tháng thứ 5 - bé cưng đã có dấu vân tay!

Thính giác nhạy cảm hơn

Đến tháng thứ 5, thính giác của bé đã tốt hơn trước đó rất nhiều. Bé có thể cảm nhận được khi mẹ nhẹ nhàng xoa bụng bầu và trò chuyện với con, thậm chí đôi khi bé phản ứng lại đấy; thế nên từ thời gian này trở đi, mẹ nhớ chăm chỉ “giao tiếp” với con nhé!

Lông tơ bao phủ cơ thể

Để giúp làn da bé không bị nhăn nheo khi sống trong môi trường nước ối lâu ngày, cơ thể bé được bao phủ bởi một lớp lông tơ và “chất gây” – hình thành từ các tế bào chết và dầu tiết ra.

Mọc tóc

Ngoài lớp lông tơ, bé cưng cũng bắt đầu mọc tóc rồi, mái tóc của con sẽ tiếp tục mọc dày hơn và dài ra trong thời gian tới.

Nuốt nước ối

Từ tháng này, phản xạ nuốt của bé thuần thục hơn và bé đã nuốt vào một ít nước ối. Lượng nước ối này sẽ đi vào cơ thể, xuống hệ tiêu hóa và hình thành phân su.

Hệ thần kinh phát triển

5 giác quan của bé đã hình thành, phát triển và con sẽ dần cảm nhận được hình ảnh, âm thanh, mùi, vị và cảm giác chạm vào cơ thể trong thời gian tới. Hệ thần kinh từ thời điểm này trở đi sẽ phát triển rất nhanh, các dây thần kinh não bộ bắt đầu các kết nối phức tạp dần, song song với việc hình thành các tế bào thần kinh mới.

Đó là những thay đổi quan trọng nhất khi mẹ mang thai tháng thứ 5. Để cả mẹ và bé luôn khỏe mạnh, và phát triển tốt nhất, mẹ nên lưu ý ăn uống đầy đủ, giữ gìn sức khỏe và chăm sóc cơ thể thật tốt nhé!

Nguyệt Nga

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.