Mang thai tháng thứ 9 là thời gian cơ thể của mẹ và cả bé yêu đang “oằn mình” vận động tối đa để dồn sức cho cuộc vượt cạn đầy mong đợi cuối thai kì. Để ca sinh nở ấy suôn sẻ và bé con chào đời một cách thuận lợi, cơ thể mẹ gần như bị kéo căng mọi bộ phận và sức chịu đựng đang ở giới hạn “max” khi phải đối mặt với vô số sự thay đổi cực kì khó chịu. Trong khi đó, bé cưng cũng đang vất vả lắm đấy mẹ biết không? Không gian của bé đang bị thu hẹp lại đáng kể khi con vẫn phải lớn lên, hệ thần kinh và các cơ quan khác thì “gấp rút” hoàn thiện để bé có thể ổn định ở môi trường mới,…
Mang thai tháng thứ 9 – mẹ sẽ đối diện với…
Những cú đạp “thùm thụp” của bé
Nếu mẹ đang bước vào tháng cuối cùng trong thai kì này, hãy chuẩn bị tinh thần đối mặt với những cú “tung chưởng” liên tiếp của bé, khiến nhiều khi bụng mẹ… lồi lõm! Bởi vậy, mẹ sẽ không tránh khỏi những cơn đau nhói, thậm chí chảy cả nước mắt vì bé đạp quá mạnh.
Dẫu sao, mẹ vẫn nên vui vì đó là một trong những dấu hiệu cho thấy con đang khỏe mạnh và sẵn sàng gặp mẹ trong vài tuần tới.
Sự chuyển dạ… giả
Có nhiều mẹ cảm nhận rõ ràng những cơn gò tử cung và tưởng rằng em bé đang sắp ra đời đến nơi rồi, nhưng thực chất đó chỉ là những cơn chuyển dạ giả mà thôi. Những cơn gò này thường bắt đầu từ vùng bụng dưới, không thường xuyên và cường độ khác nhau, chúng cũng sẽ mất đi khi mẹ bầu thay đổi tư thế. Ngược lại, những cơn co thắt thật sẽ tăng dần cường độ, mạnh và đau hơn đồng thời kèm các dấu hiệu chuyển dạ khác, lúc này mẹ cần chú ý nhé!
Mệt mỏi cùng cực
Khi bụng bầu đã đến lúc “vượt mặt”, chuyện đi lại với mẹ đôi khi cũng như một cực hình vậy. Tất nhiên, có những mẹ bầu vẫn thấy vô cùng khỏe mạnh và không gặp quá nhiều khó khăn. Nhưng số còn lại (phần lớn) sẽ luôn mệt mỏi, khó thở, ì ạch; lưng và các cơ, khớp đau nhức kinh khủng!
Mang thai tháng thứ 9 – bà bầu chờ sinh bé yêu từng ngày
Rỉ sữa non
Nếu để ý mẹ sẽ thấy, càng về cuối thai kì vùng nhũ hoa và quầng vú càng sẫm màu, hai bầu ngực thì căng tức. Một số mẹ đã bắt đầu tiết một chút sữa đầu – đó là chất dịch màu vàng, loãng ở đầu vú và hiện tượng này không có gì đáng lo. Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý vệ sinh “bình sữa của bé” bằng cách dùng khăn thật mềm nhúng nước ấm lau nhẹ nhàng để loại bỏ tế bào chết và dịch tiết ra (nếu có).
Cảm giác co giật bên trong âm đạo
Gần đến ngày lâm bồn, âm đạo của mẹ bầu sẽ sa xuống và có cảm giác “co giật” bên trong. Nếu mẹ thấy mình ra chất nhầy có lẫn máu, đó có thể là dấu hiệu em bé đã sẵn sàng chào đời.
Đi tiểu liên tục cả ngày lẫn đêm
Điều này chẳng có gì ngạc nhiên vì bào thai càng to sẽ càng chèn lên bàng quang của mẹ bầu nhiều hơn. Nhưng công bằng mà nói, việc phải liên tục ghé thăm toilet đôi khi khiến mẹ phát cáu, nhất là lúc đang ngủ mà bị thức giấc.
Phù nề
Không cần đợi đến khi mẹ mang thai tháng thứ 9, ngay từ thai kì thứ 2 nhiều bà bầu đã phải đối diện với tình trạng này rồi, tuy nhiên càng gần đến ngày sinh nở, lượng nước tích càng nhiều khiến chân sưng to chẳng khác gì… chân voi vậy. Mách mẹ một “bí kíp” nhỏ để thấy dễ chịu hơn, đó là hãy gác chân lên một chiếc gối mềm khi ngủ (hoặc dễ chịu nhất là gác chân lên người… ông xã).
Nói trước quên sau
Không chỉ hay bị mệt, đau đầu, thậm chí trí nhớ của bà bầu cũng giảm sút đáng kể khi mà vừa nói xong đã quên. Không chỉ thế, lúc này mẹ còn thấy mắt mình cũng mờ đi, tâm trạng đôi khi bất ổn, bụng ngứa ran, thường xuyên ợ nóng và vô số những triệu chứng khó chịu nữa. Cố gắng lên mẹ nhé, bởi vì nếu mẹ nhìn thấy những thay đổi đáng yêu của bé dưới đây, mẹ sẽ quên ngay mệt mỏi đấy!
Mang thai tháng thứ 9 – bé cưng “vùng vẫy” từng ngày
Nếu so sánh kích thước của bé lúc này, mẹ sẽ thấy cục cưng của mình tương đương một… quả dưa hấu rồi đấy! Càng về cuối cân nặng của bé càng tăng nhanh, cơ thể dài thêm gần 2cm và nặng thêm 200g/tuần, bé lớn giống như có ai “thổi” phải không mẹ? Đã vậy, đến tháng cuối bé còn biết thêm rất nhiều điều nữa…
Cực kì hiếu động
Không chỉ thích nhảy nhót, đạp bụng mẹ liên hồi đâu, thời gian này bé biết chớp mắt rất thuần thục, biết mở mắt khi thức và chân tay, các ngón chân, ngón tay cử động liên hồi. Nếu nhìn hình ảnh siêu âm của bé mẹ sẽ thấy, con rất hay mút ngón tay (thậm chí ngón chân) và thích chơi đùa với dây rốn nữa.
Thải phân su
Không chỉ biết nuốt một chút nước ối (có lẫn cả chất gây bong ra từ cơ thể) và tập thở, bé cưng giờ đây cũng “ị”, “tè” mỗi ngày trong bụng mẹ đấy. Đó là vì gan, thận và các cơ quan của bé đã gần như hoàn thiện và đang “tập tành” hoạt động cho thuần thục.
Bộ não phát triển hoàn thiện
Cơ thể và các cơ quan của bé sẽ được điều khiển sự hoạt động một cách hài hòa, thuần thục hơn ngay sau khi ra đời do bộ não đã được “lập trình” cơ bản. Khi mẹ mang thai tháng thứ 9, bé cũng dần quay đầu xuống dưới để có thể ra ngoài dễ dàng hơn; lớp chất gây trên cơ thể tiếp tục bong ra, tóc và móng tay con cũng dài thêm,…
Cả mẹ và bé đều bước vào giai đoạn nhiều thay đổi nhất của thai kì. Lúc này, mẹ cố gắng nghỉ ngơi thật nhiều, thư giãn đầu óc và chuẩn bị tinh thần thật tốt cho ngày lâm bồn nhé. Mẹ nhớ tìm hiểu thêm những dấu hiệu cơ thể sẵn sàng sinh nở để kịp đến bệnh viện đúng lúc và sớm mẹ tròn con vuông.
Xem thêm
Cách tính tuổi thai
Cách tính ngày dự sinh
Cách tắm cho trẻ sơ sinh
Cách chăm sóc trẻ sơ sinh
Ngọc Diệp
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.