Các luật sư chuyên giải quyết ly hôn thường khai thác Facebook để lấy bằng chứng về việc ngoại tình, tiêu tiền và sở hữu tài sản. Trên thực tế, dựa vào một nghiên cứu của Học viện Luật sư Hôn nhân (Mỹ), 66% luật sư ly hôn được khảo sát cho biết Facebook là nguồn khai thác chứng cứ chính của họ. Và 81% cho biết: “Các trường hợp sử dụng mạng xã hội như chứng cứ trước tòa đã gia tăng liên tục trong năm năm qua.”
Theo tờ Telegraph, một dịch vụ giải quyết ly hôn của Anh đã phát hiện ra sự liên quan giữa Facebook và 20% đơn xin ly hôn. Mặc dù tỷ lệ ly hôn đang dần giảm xuống (từ mức 22,6 ca trên 1000 phụ nữ vào năm 1980 xuống 16,9 ca trong năm 2008), tỷ lệ ly hôn do ảnh hưởng của mạng xã hội lại tăng lên.
Tại Mỹ, có tới 43% dân số dùng mạng xã hội hàng ngày. Trong khi đó, những website, diễn đàn hẹn hò trực tuyến dành cho người đã lập gia đình xuất hiện ngày càng nhiều.
Vậy có thể kết luận mạng xã hội là “hung thủ” giết chết hôn nhân?
Mark Gaither – Người sáng lập nhóm Giải cứu trái tim, kiêm tác giả cuốn sách Lối thoát của ly hôn, nói: “Truyền thông xã hội và Internet giúp người ta thực hiện các hành vi bất hợp pháp dễ dàng hơn. Rất ít ông chồng dám cả gan trốn vợ để đi hẹn hò buổi tối với nhân tình vì nguy cơ bại lộ là quá lớn. Nhưng thông qua Internet, các ‘quý ông’ sẽ dễ dàng tìm thấy nhóm những kẻ có chung ý định với mình. Và họ sẽ nhanh chóng khám phá ra những cách thức ít nguy hiểm hơn để lừa dối vợ. ”
Tuy vậy, Gaither cho rằng mạng xã hội không phải là vấn đề cốt lõi.
“Tôi đã nhận được nhiều thư xin tư vấn của cả hai giới. Khi nói về người vợ/chồng gian dối của mình, họ thường nhắc đến các trang web hẹn hò trực tuyến, tình dục ảo và địa chỉ email ‘ma quỷ’ như cách thức để lừa dối. Không ai đổ tội cho Internet là nguyên nhân phá vỡ hôn nhân của mình,” Gaither nói. “Hầu hết đều nhận ra rằng vấn đề cốt lõi là nằm ở vợ/chồng họ và Internet chẳng qua là môt công cụ. Họ biết chắc rằng nếu Internet và các trang mạng xã hội không tồn tại thì vợ/chồng họ cũng sẽ tìm ra cách khác để vụng trộm bên ngoài.”
Rắc rối bắt đầu từ đâu?
Tiến sĩ Steven Kimmons hiện đang làm việc tại trung tâm y tế đại học Loyola (Illinois, Mỹ) mô tả cách bắt đầu của “vở kịch” ngoại tình như sau:
“Chồng bạn sẽ kết bạn với một người quen từ thời học cấp ba trên Facebook. Dựa vào thiện cảm sẵn có, họ sẽ bắt đầu trò chuyện với nhau. Trong một thời gian ngắn, việc chia sẻ những tâm tư riêng sẽ dẫn họ đến gần nhau hơn và tình cảm nam nữ sẽ nảy sinh.”
Có thể chồng bạn không hề có ý định lừa dối, có thể anh chỉ thấy tò mò về một người bạn cũ và quyết định kết bạn với người đó. Nhưng nếu anh ngày càng dành nhiều thời gian để nói chuyện với người bạn ảo thay vì ở bên bạn, có lẽ không cần đến một nghiên cứu tâm lý để bạn hiểu được chuyện gì đang xảy ra. Tất nhiên là chồng bạn sẽ dễ rơi vào lưới tình với một người mà anh ta trò chuyện tới năm lần trong một tuần. Đơn giản là vì anh ta kết nối với người đó nhiều hơn.
Một mối quan hệ ảo có thể bắt đầu rất vô tư, trong sáng. Nhưng về lâu dài nó có còn như thế nữa không thì vẫn là câu hỏi lớn.
Gaither lý giải hành động lừa dối theo cách này: “Nhìn chung, lừa dối thể hiện sự nỗ lực của chồng bạn để gặp được một người ngoài hôn nhân. Điều đó chưa đủ để bạn phớt lờ và đổ hết tội lỗi lên đầu chồng. Mỗi cá nhân đã lập gia đình đều có những thiếu sót và lỗi lầm của riêng mình.”
“Mạng xã hội và các trang hẹn hò trực tuyến sẽ làm cho việc lừa dối dễ dàng hơn. Bất kể sự thật là mối quan hệ ảo không thể tạo ra các tiếp xúc thể xác vật lý, người bị lừa dối sẽ không tìm cách giải quyết vấn đề mà cứ chìm sâu vào cảm giác bất mãn và khiến hôn nhân của chính mình sụp đổ từ từ.” Gaither nói.
Nguồn: Theo Covenanteyes.com
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.