Mặt biển dâng cao

Các khoa học gia nói rằng các số liệu đo đạc do vệ tinh và máy bay cung cấp cho thấy rằng mặt biển đã lên cao trong 10 năm qua với tốc độ nhanh nhất trong vòng nửa thế kỷ nay. Theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân của hiện tượng này là việc các khối băng đang tan dần và nhiệt độ nước biển ngày càng tăng. Giới khoc học tin rằng nếu xu thế này cứ tiếp tục, nó sẽ gây ra những hậu quả khủng khiếp.

Trong lịch sử Trái Đất, các sông băng đã nhiều lần lan rộng ra rồi thu hẹp lại, và mặt nước biển cũng nhiều lần dâng lên rồi hạ xuống theo sự thay đổi ấm lạnh của khí hậu. Nhưng mực nước biển dâng lên ngày nay sẽ có một tác động khác biệt so với lúc kỷ nguyên băng giá cuối cùng chấm dứt nhiều ngàn năm trước đây.

Ông Waleed Abdalati là một chuyên gia về các khu vực bị băng tuyết bao phủ của Trái Đất, hiện đang làm việc cho cơ quan Không gian Hoa kỳ, tường gọi tắt là NASA. Ông nói: “Điều khác biệt ngày nay là có rất nhiều người đang sinh sống tại các vùng thấp dọc miền duyên hải, rất dễ bị thiệt hại khi gặp thiên tai. Người ta ước tính có khoảng 100 triệu người sẽ bị ảnh hưởng nếu mặt nước biển dâng cao thêm 1 mét. Vì vậy, đây dĩ nhiên là một vấn đề quan trọng đòi hỏi phải được lưu ý về lâu về dài.”
 
Cho đến nay, độ tăng cao của mặt nước biển trong 10 năm qua chỉ đo được trong khoảng vài milimét, nhưng cũng đủ để gây lo ngại cho các nhà khoa học, như ông Steve Nerem thuộc Đại học Colorado tại thành phố Boulder. Ông nói rằng các vệ tinh của Hoa Kỳ có nhiệm vụ theo dõi độ cao của mặt nước biển đã ghi nhận được một sự gia tăng 50 phần trăm trong tốc độ dâng cao của mặt nước biển kể từ năm 1992, so với các số liệu do các thước đo mực thủy triều ghi nhận được trong các thập niên trước đó.  Ông Nerem nói: “Nếu chúng ta nhìn vào các dữ kiện do các thước đo mực thủy triều ghi nhận được trong khoảng từ 50 đến 100 năm qua, chúng ta thấy một mức tăng trung bình của mặt nước biển là 1,8 milimét 1 năm. Giờ đây, trong 12 năm qua, nhờ các dữ kiện do các vệ tinh của NASA cung cấp,  chúng ta đã phát hiện được một sự thay đổi trong tốc độ gia tăng của mặt nước biển. Chúng ta thấy có một xu thế dài hạn ở đây, và mức gia tăng trung bình trong 12 năm qua là vào khoảng 3 milimét 1 năm.”

Ông Nerem nói rằng dữ kiện do các tàu bè thu thập được cho thấy khoảng một nửa mức tăng của mặt nước biển là do sự dãn nở tự nhiên của nước khi nó nóng lên, và một nửa còn lại là do nước của băng giá tan ra. Ông Eric Rignot, một chuyên gia của NASA về lớp băng bao phủ Trái Đất, ghi nhận rằng các dữ kiện do vệ tinh thu thập được từ giữa thập niên 1990 cho thấy sự co rút của các sông băng và lớp băng bao phủ Trái Đất ngày càng diễn ra nhanh hơn người ta vẫn tưởng trước đây. Ông Rignot nói: “Một phần lớn của số nước tan ra từ các khối băng và chảy vào các đại dương hiện nay xuất phát từ những băng sơn. Số băng sơn này ở Alaska, Patagonia, và Hy Mã Lạp Sơn, và các băng sơn khác. Các băng sơn ở Patagonia và Alaska đang co lại với tốc độ từ 2 đến 3 lần nhanh hơn so với thế kỷ trước. Ở Greenland, chúng ta đang thấy rìa các lớp băng đang tan dần. Ở Nam Cực, chúng ta đã thấy số băng ở Bán đảo Nam Cực bị xói mòn nhanh chóng. Bán đảo Nam Cực là phần của Nam Cực nằm nhô về phía Nam Mỹ.” 

Ông Rignot nêu lên rằng không khí đang ấm dần là một nguyên nhân lớn gây ra hiện tượng này.

Đối với những ai không nghĩ rằng mức tăng trung bình 3 milimét 1 năm là một sự gia tăng đáng kể trong mặt nước biển, thì ông Laury Miller, người phụ trách thu thập những dữ kiện như thế  tại Cơ quan Đại dương và  Khí quyển Hoa Kỳ, nói rằng  một mức tăng nhỏ như thế  có thể gây ra rất nhiều thiệt hại về lâu về dài. Ông Miller nói: “Vấn đề đối với vùng duyên hải không phải chỉ là việc ngập lụt. Đây không phải đơn thuần chỉ là việc mặt nước lên cao. Còn có cả những tác động gây xói mòn, và tác động gây xói mòn này có ảnh hưởng rộng lớn hơn điều quý vị tưởng về mặt thay đổi mực nước theo chiều dọc. Chỉ với mức tăng trong độ cao mặt nước biển như chúng ta thấy hiện nay thôi, thì những tác động gây xói mòn trong khoảng thời gian trên 1 thế kỷ cũng có thể làm cho bờ biển bị xói mòn từ 15 đến 30 mét.”

Tại Đại học Tiểu bang Pennsylvania của Hoa Kỳ, nhà địa lý học Richard Alley nói rằng chỉ cần 15 phần trăm lớp băng ở Greenland bị tan ra cũng tạo ra một khối nước mới trong các đại dương đủ để làm ngập toàn bộ miền nam tiểu bang Florida của Hoa Kỳ và nhiều vùng duyên hải khác trên thế giới.  Sau đây là lời của ông Alley: “Hiện nay thế giới đang ấm dần lên, và các lớp băng đang thay đổi như người ta nghĩ là nó phải thay đổi trong một thế giới nóng hơn trước. Nhiều người trong chúng ta đã tỏ ra rất ngạc nhiên khi thấy các lớp băng này đã tan rất nhanh tại một vài nơi. Ngay lúc này thì chúng ta thật sự chưa biết rõ bao nhiêu những gì đang xảy ra, nên không thấy sợ. Nhưng mặt khác, chúng ta cũng không thật sự biết rõ bao nhiêu về vấn đề này để có thể tự trấn an.”

Ông Alley nói rằng còn cần phải thu thập thêm dữ kiện trong nhiều năm nữa mới có thể đưa ra được những dự báo chính xác hơn về tác động của việc mặt nước biển dâng cao.

Thu Huong (Theo VOV News)