Mật gấu và những vị thuốc thay thế

0
119
Cây huyết dụ – Ảnh: internet

Vị thuốc mật gấu

Thành phần hóa học của mật gấu:mật gấu có sắc tố mật (Bilirubin), các muối kim loại của axít cholic, đặc biệt chỉ mật gấu mới có axít urso-desoxycholic.

GS.TS. Đỗ Tất Lợi trong “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” cho biết: mật gấu có tính sát trùng đặc biệt, tính giảm đau tốt, tính tăng sinh mạnh và tính phá ứ tiêu viêm, làm tan huyết đông và mỡ. Mật gấu có tác dụng chữa những bệnh sau:

– Đau dạ dày do nhiễm khuẩn, uất hỏa, ăn nhiều đồ cay nóng, chứ không dùng trong trường hợp đau dạ dày do tì vị hư hàn (đại tiện lỏng, lạnh bụng…). Tương tự như vậy, mật gấu còn chữa rất có hiệu quả chứng viêm đại tràng mãn có táo bón hay không.

– Trường hợp bị sỏi mật, mật gấu chỉ có tác dụng với loại sỏi mật dạng cholesterol, vì chất axit urso-desoxycholic thường ở dạng muối natri và canxi.

– Mật gấu chữa chấn thương rất tốt, giúp các mô bị dập nát nhanh chóng phục hồi, nó có tác dụng làm tan máu tụ để khôi phục sự tuần hoàn máu đến vết thương, làm vết thương chóng lành.

Những năm gần đây đã có nghiên cứu mật gấu dùng trong chữa trị ung thư có những kết quả nhất định. Theo sách “Kháng u trung duợc thảo sắc đồ phổ” của tác giả Lý Quốc Đức chủ biên thì mật gấu qua thực nghiệm, có khả năng ức chế tế bào ung thư đường tiêu hóa, ung thư gan và ung thư bì phu (da).

Lưu ý khi sử dụng mật gấu

– Mật gấu chữa được xơ gan là mật gấu ngựa. Trong mật gấu ngựa chứa axít ursodeoxycholic (UDC). Thông thường, 1g mật gấu ngựa khô có 200mg UDC. Rất nhiều cơ quan khoa học hàng đầu thế giới đã có những nghiên cứu tỉ mỉ và chứng minh UDC có tác dụng chữa xơ gan. Do đó, uống mật gấu ngựa rất tốt.

Tuy nhiên, khác với gấu ngựa, mật gấu chó gần như không có UDC mà chỉ có axít chenodeoxycholic (CDC). Ngược lại với UDC, CDC không có tác dụng chữa xơ gan mà lại gây viêm gan, và sau đó phần lớn người bệnh sẽ bị xơ gan. Vì thế, uống mật gấu chó không những không có tác dụng chữa bệnh mà còn gây thêm bệnh. Tất nhiên, nếu dùng mật gấu chó để bôi ngoài da cũng có tác dụng làm tan vết tụ máu.

Mặc dù chúng ta chưa có nghiên cứu về việc uống mật gấu chó sẽ bị viêm gan nhưng vấn đề này đã được các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm Hoàng gia Anh nghiên cứu và khẳng định là đúng.

Mật gấu trên thị trường chỉ còn khoảng 1/3 tác dụng chữa bệnh, qua các mẫu phân tích tại khu vực Hà Nội cho thấy tất cả các mẫu đều có hàm lượng hoạt chất chữa bệnh thấp hơn so với tiêu chuẩn do cách lấy mật ở các hộ nuôi không đúng.

Thông thường nếu con gấu ngựa khỏe mạnh, không bệnh tật, sau khi lấy mật có thể pha vào nước sôi, rượu hay mật ong uống trực tiếp rất tốt. Dĩ nhiên đó phải là những con gấu ngựa 5 – 6 tháng mới lấy mật một lần, nhưng người ta lấy mật có khi 2 tuần/lần nên mật không chất lượng, làm giảm tuổi thọ của gấu. Lấy mật mà không tiệt trùng kim tiêm, rửa chỗ lấy mật bằng rượu. Điều đó rất dễ làm gấu nhiễm trùng dẫn tới áp-xe. Nếu gấu bị áp-xe thì mật sẽ đục, có cặn trắng lắng bên dưới. Mật gấu chứa mủ sẽ gây bệnh cho người dùng.

Mặt khác, một vài bệnh khi gấu mắc phải cũng sẽ làm trương túi mật. Thường túi mật của gấu chứa 180 – 200ml mật, khi trương lên chứa đến 300ml nhưng thực chất chỉ là nước chứ không phải mật.

Ngoài ra, nếu lấy vào mùa hè thì mật loãng, kém chất lượng hơn so với lấy vào mùa đông, mùa xuân vì hai mùa này gấu ít uống nước, mật sẽ đặc hơn. Lấy mật sau khi cho gấu ăn cũng kém chất lượng. Thường thì nên lấy mật 1 – 2 ngày sau khi cho gấu nhịn ăn.

Như vậy, bản thân mật gấu và một vị thuốc tốt. Nhưng trong điều kiện thực tế ngày nay, kiếm mật gấu tự nhiên đã khó, chất lượng mật gấu nuôi nhốt thì không đảm bảo. Về góc độ luật pháp, gấu là loài thú được công ước quốc tế bảo vệ. Việc săn bắt gấu và rút mật là trái phép và đã bị nhiều tổ chức quốc tế như CITES (Convention on International Trade in Endangered Species) cực lực tố cáo cũng như các Tổ chức Bảo vệ Động vật Hoang dã như WSPA (World Society for the Protection of Animals) và Tổ chức Động vật Á châu (Animals Asia Foundation) hết sức lên án. Muốn có mật gấu thì thợ săn phải vào rừng giết gấu để lấy mật, đồng thời cũng bắt luôn cả gấu con đem về bán lại cho người nuôi để lấy mật. Điều kiện nuôi gấu cũng như cách rút mật vô cùng dã man, tàn nhẫn vô nhân đạo và rất đau đớn cho con vật. Quả thật đây là một thảm họa chung của loài gấu. Vì vậy, gấu ngoài tự nhiên đang đứng bên bờ tuyệt chủng.

Những cây thuốc thay thế mật gấu

Trong Đông y, có nhiều vị thuốc khác có thể thay thế tác dụng giảm đau, phá ứ tiêu viêm, làm tan máu tụ của mật gấu như cây huyết dụ, cây hồng hoa, cây mật gấu, cây huyết giác, cây quế, bạch chỉ…. Những vị thuốc này có tính mát, lành, tan ứ huyết, thông kinh.

Cây huyết dụ

Theo Đông y huyết dụ có vị nhạt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng bổ huyết, tiêu ứ, cầm máu dùng chữa chứng kiết lỵ, rong kinh, phong thấp nhức xương, xích bạch đới… Khi bị đau nhức xương, bầm tím ứ máu người ta có thể dùng bài thuốc sau: Lấy 30g hoa, lá, rễ cây huyết dụ, 15g huyết giác sắc uống đến khi bớt đau nhức, mờ vết thâm thì thôi. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai và sau khi sinh không được sử dụng cây huyết dụ hay có các bài thuốc có vị thuốc huyết dụ.

Cây mật gấu

Còn đối với cây cỏ mật gấu, một loại cây rất dễ trồng, hay còn gọi là cây có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm. Có thể dùng thân cây nấu nước uống hay phối hợp với các vị thuốc khác để chữa kiết lỵ, viêm ruột, tiêu chảy, viêm gan vàng da, mắt đau sưng đỏ, dùng lá hay quả sắc uống.

Cây mật gấu còn được dùng để chữa sốt cơn, ho lao, khạc ra máu, lưng gối yếu mỏi, chóng mặt, ù tai, mất ngủ, có tác dụng rất tốt trong việc điều trị các triệu chứng về bệnh dạ dày, rối loạn tiêu hóa, đường ruột, đau nhức xương khớp, tê thấp, mát gan, phòng và chữa sỏi mật, giảm đau lưng, tăng cường sức khỏe, tiêu mỡ, viêm đại tràng, giã rượu béo phì.

Chúng ta có nhiều sự lựa chọn trong điều trị vừa hiệu quả, an toàn và góp phần bảo vệ loài gấu.

BS. MAI THỊ TRƯỜNG PHỤNG

Nguồn: Theo Sức Khỏe & Đời Sống

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.