Chiếc máy bay trực thăng mang tên là “Gamera II” được nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Maryland (Mỹ) công bố vào năm 2012. Tuy nhiên, để vận hành được nó không hề đơn giản. Các phi công không chỉ sử dụng sức mạnh cơ thể mà còn phải kết hợp cả tâm lực và trí lực mới có thể lèo lái được chiếc trực thăng này.
Cấu tạo của Gamera II gồm 4 cánh quạt khổng lồ liên kết với nhau bằng hệ thống giá đỡ hình chữ X được chế tạo bằng vật liệu siêu nhẹ, cùng một hệ thống truyền lực được đặt ở chính giữa. Tổng trọng lượng của Gamera II chỉ có 71kg – nặng tương đương với một người trưởng thành.
Phi công Colin Gore – thành viên xuất sắc nhất trong nhóm nghiên cứu Đại học Maryland cho biết: “Việc điều khiển Gamera II là một kết hợp của sức mạnh, sự kiểm soát và sự khéo léo vào đúng thời điểm”. Để minh chứng cho điều mình đã nói, Colin đã thực hành bay với một trong hai chiếc trực thăng đăng ký tham gia tranh giải Sikorsky của Hội Máy bay Trực thăng Mỹ để giành giải thưởng trị giá 250.000 USD sắp tới.
Colin sử dụng cả chân và tay để làm quay 2 hệ thống bàn đạp truyền lực, qua đó, làm quay hệ thống cánh quạt khổng lồ. Quá trình vận động giống như việc đạp xe đạp vậy, tuy nhiên, nếu tác động lực quá mạnh, cánh quạt có thể quay nhanh và gẫy, hỏng trong phút chốc. Thiết kế khí động học của các cánh quạt giống với máy bay trực thăng nên phi công không cần quay quá nhanh cũng tạo đủ lực nâng cần thiết. Giai đoạn hạ cánh nhất thiết phải rất cẩn trọng, nếu không trực thăng có thể bị “rơi không phanh” và dẫn tới tai nạn đáng tiếc.
Colin cũng lưu ý, việc khéo léo cân bằng lực tác động và thời gian là yếu tố quyết định. Bởi nếu muốn giành được giải thưởng 250.000 USD của Hội Máy bay Trực thăng Mỹ, các phi công thi đấu phải vượt qua mức kỷ lục đưa máy bay lên cao 3 mét, xa 10 mét và trên 60 giây.
Kỷ lục “đạp” máy bay trực thăng lên độ cao 3 mét, xa 10 mét và trong 60 giây đã được thiết lập từ năm 1980 và chưa hề được lặp lại cho tới nay. Nhóm nghiên cứu Đại học Maryland kỳ vọng sự xuất hiện của “Gamera II” sẽ phá vỡ mức kỷ lục này.
Niềm ao ước được bay lên không trung bằng chính sức mạnh cơ bắp của con người đã cháy bỏng hàng nghàn năm nay, biết bao nhiêu thế hệ đã say mê tìm tòi, nghiên cứu, thử nghiệm, biết bao nỗi ao ước thành ngậm ngùi, biết bao khoảnh khắc thăng hoa dù cho chỉ là trong giây lát và nó cũng đủ thắp tiếp lên những hy vọng tiếp theo. Ấy vậy mà cho đến tận ngày nay cái mức kỷ lục cần phải vượt qua mới chỉ là cao 3m, xa 10m và bay lâu với 60 giây đủ biết thật khó khăn nhường nào để có thể bay vào khoảng không bao la.
Theo Songmoi