Tôi tự nhận thấy mình là một cô gái có khả năng tiếp thu nhanh và ham học hỏi. Tuy nhiên, tôi không khéo léo trong giao tiếp. Cách nói thẳng tuột, không kiêng dè và đôi khi hơi “vô duyên” của tôi làm cho nhiều người thấy khó chịu, phật lòng. Chỉ những người gần gũi, tiếp xúc nhiều với tôi mới có thể chấp nhận, cảm thông và không để bụng kiểu ăn nói của tôi. Dẫu biết thế nhưng thói quen, tác phong đã ăn vào máu của tôi rồi nên sửa chữa được cũng rất khó. Không biết bao nhiêu lần tôi phải chịu hậu quả từ những lần nhỡ miệng của mình. Hồi ở công ty cũ, tôi bị trưởng phòng o ép trong công việc, do thẳng thắn nhận xét bộ quần áo chị mặc không hợp với tuổi của chị. Sau lần đó, do bị soi mói quá nhiều, thấy không thoải mái nên tôi chủ động xin nghỉ việc.
Lần này, tôi đã xin vào được công ty xuất nhập khẩu. Rút kinh nghiệm lần trước, tôi đã tỏ ra ít nói hơn rất nhiều vì sợ “lỡ mồm”. Bởi vậy, nhanh chóng tôi chiếm được cảm tình của mọi người bởi khả năng tiếp thu nhanh cùng cách làm việc nhiệt tình và chịu khó học hỏi. Sếp của tôi mới ngoài 30 tuổi, là một thanh niên còn khá trẻ và năng động. Anh rất hay trò chuyện vui vẻ với nhân viên nên tôi cảm thấy ở công ty này thật dễ chịu. Dần dà tôi quên đi cảm giác sợ hãi, lúc nào cũng ám ảnh “lỡ mồm” trong giao tiếp. Có vẻ như thấy tôi chịu khó học hỏi và nhanh nhẹn nên sếp cũng hay hỏi chuyện tôi. Chẳng lẽ sếp hỏi lại không nói? Hỏi gì nói nấy hoặc im lặng thì không được nên dần dần, tôi cũng hay trò chuyện với sếp mà quên mất “tật xấu”. Đúng là bản chất khó thay đổi. Lần đó, tôi hỏi sếp: “Anh có gia đình chưa?”. Sếp trả lời: “Ừ, mình cũng đang cố gắng… tại mải làm ăn quá…”. Không để ý đến khuôn mặt đang đỏ dần lên của sếp và điệu bộ lúng túng của anh khi đề cập đến chuyện lập gia đình, tôi vẫn vô tư nghĩ “Trời ạ, nhìn anh có “đui què mẻ sứt” gì đâu mà sao đến giờ vẫn ế vợ thế nhỉ? Để em làm mai cho một cô bạn em…”. Nghĩ gì nói nấy, tôi cũng nói luôn với anh những điều tôi nghĩ, và chỉ đến khi nhìn lên các anh chị cùng phòng đang nhìn tôi đầy khó chịu, tôi mới hoảng hốt nhận ra mình lại “lỡ mồm”. Nhưng đã muộn, sếp đã đi về phòng… Sau này tôi mới biết, vợ sắp cưới của anh đã mất trong một vụ tai nạn giao thông chỉ trước hôn lễ vài ngày. Có lẽ chưa thể quên được nỗi đau đó nên anh vẫn chưa đến với người con gái nào khác.
Từ hôm ấy, anh ít nói chuyện với tôi hơn và mọi người cũng e dè lảng tránh mọi câu chuyện với tôi. Tôi đã tập xác định là cuối tháng thì xin nghỉ vì nếu không sếp cũng đuổi thì nhục. Nhưng tôi vẫn cố gắng làm việc cho thật tốt. Điều tôi không ngờ, đến cuối tháng, sếp không những không đuổi việc mà còn khen ngợi về năng lực của tôi trước toàn thể công ty và còn ký quyết định chính thức nhận tôi vào làm việc.
Tôi luôn day dứt về lời nói vô duyên của mình, tự nhủ sẽ cố gắng sửa. Tôi đang băn khoăn có nên gặp sếp để xin lỗi và cảm ơn sếp về sự bao dung rộng lượng của mình không. Hay sếp đã cố lờ đi thì mình cũng nên xem như chưa có chuyện gì mà tập trung làm tốt nhiệm vụ chính.
Thanh Hòa
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.