Làm mẹ đơn thân là một trong những chủ đề gây nhiều tranh cãi hiện nay. Ở góc độ những cá nhân tôn thờ chủ nghĩa hôn nhân truyền thống, dư luận có cái nhìn thiếu thiện cảm với những bà mẹ đơn thân: Họ vẫn cho rằng việc một người phụ nữ chủ động làm mẹ đơn thân là một dấu hiệu lệch chuẩn của đạo đức xã hội, người phụ nữ đó là người mẹ tồi khi quyết định tước đi cái quyền “con có cha” như bao đứa trẻ khác và người phụ nữ đó thực sự là người ích kỉ, chỉ biết nghĩ cho bản thân, sợ trách nhiệm làm vợ, làm dâu nên lựa chọn cuộc sống đơn thân để trốn tránh…
Bên cạnh đó thì một luồng tư tưởng mới lại đối nghịch với những quan điểm truyền thống về mẹ đơn thân: Những người này họ ủng hộ chuyện một người phụ nữ quyết định trở thành một người mẹ đơn thân vì họ nghĩ những người phụ nữ đó thực sự là những người dám nghĩ, dám làm, dám sống thật với bản thân và phải rất mạnh mẽ mới có thể nghĩ đến chuyện nuôi con một mình.
Họ nhìn ra xung quanh và chứng kiến rất nhiều những bi kịch hôn nhân, bạo hành gia đình mà nạn nhân thường là những người phụ nữ chân yếu tay mềm, những người con gái vì dại dột mà gặp phải Sở Khanh “đánh trống bỏ dùi” nhưng vẫn vượt qua thị phi để nuôi con một mình…và họ thông cảm với những người phụ nữ mang “ý thức” khác biệt so với những suy nghĩ của những người phụ nữ bình thường khác.
Hai luồng ý kiến trái chiều bất phân thắng bại, nhưng dù thế nào cũng không thể phủ nhận được sự khó khăn vất vả khi một người phụ nữ nuôi con một mình. Những khó khăn đó là gì?
Luôn đối diện với chuyện “một mình”
Nuôi con một mình đồng nghĩa với gánh nặng kinh tế nhân lên gấp đôi so với một gia đình truyền thống. Việc một người phụ nữ vừa xây nhà lại vừa xây tổ ấm, vừa làm cha lại vừa làm mẹ, kiếm tiền nuôi con rồi lại về nhà để chăm con, biết bao mối lo xung quanh cuộc sống mà bạn phải đối diện một mình sẽ khiến một người phụ nữ dù có mạnh mẽ đôi khi vẫn thấy nản lòng.
Trả lời cho con những câu hỏi hóc búa
Ngoài gắng nặng về kinh tế thì việc chăm sóc và giáo dục con cái là một vấn đề mà mẹ đơn thân đặt lên hàng đầu. Dạy con làm sao để con độc lập, hòa đồng và không có cảm giác mình “khác biệt” với những đứa trẻ xung quanh là một điều mà mẹ đơn thân luôn trăn trở. Những câu hỏi của trẻ con luôn khiến bạn phải căng đầu ra để tìm câu trả lời thỏa đáng, tránh làm con tổn thương và có suy nghĩ “lệch chuẩn”. Những câu hỏi mà các bà mẹ đơn thân thường bị hỏi “Mẹ ơi! Bố con đâu?” “Bố đi đâu sao không về ạ?” “Mẹ ơi sao bạn A, bạn B có bố đi đón mà con không có bố?” “Mẹ ơi, tụi nó bảo con là con không cha!”….
Có xu hướng bị lãnh cảm
Việc gồng mình lên để “chiến đấu” với đủ thứ lo toan khiến phụ nữ dần rơi vào trạng thái lãnh cảm về mặt cảm xúc: Không còn tin vào tình yêu và hôn nhân một cách triệt để, luôn nghi ngờ và tỏ thái độ bất cần đàn ông, thu mình lại trước những mối quan hệ nam nữ thông thường dần khiến phụ nữ gặp nhiều vấn đề bất ổn về tâm sinh lý. Đừng nghĩ mẹ đơn thân là những người sống “thoáng”, trên thực tế nhóm phụ nữ làm mẹ đơn thân luôn là người biết làm chủ cảm xúc của mình và rất nhiều người chọn cách “triệt tiêu” những ham muốn thầm kín của bản thân để nuôi dưỡng và chăm sóc con cái cho thật tốt, vì họ sợ phải san sẻ tình cảm của mình cho người khác và con họ sẽ vì thế mà bị bớt đi tình yêu thương mà họ vẫn đang dành trọn. Những người làm mẹ đơn thân trước khi suy nghĩ một vấn đề liên quan đến cảm xúc cá nhân như:Tình yêu và những mối quan hệ thuộc về phạm trù cảm xúc là dường như ngay lập tức hình ảnh đứa con của họ trỗi dậy trong đầu và lý trí lập tức quay lại ngay tức khắc.
Chu kỳ này lặp lại nhiều lần và phụ nữ đơn thân có xu hướng bị lãnh cảm về tâm sinh lý là như vậy.
Bên cạnh những áp lực về kinh tế, cách nuôi dạy con cái, những vấn đề bất ổn về tâm sinh lý, mẹ đơn thân còn phải “chiến đấu” với thị phi và nhiều mối trăn trở vô hình khác.
Cùng nghe độc giả của ChaMeCuaCon.com chia sẻ về những khó khăn khi một người phụ nữ làm mẹ đơn thân!
Tiến Đạt (Người mẫu – Diễn viên)
Là một người đàn ông, tôi cảm thấy mình “có lỗi” khi một người phụ nữ lựa chọn con đường để trở thành một người mẹ đơn thân thay vì tựa vào vai chúng tôi và cùng xây dựng một gia đình hạnh phúc. Tất nhiên, tôi hiểu lý do mà một người phụ nữ lại quyết định đi trên một con đường đầy thử thách như thế, không phải vì họ muốn thể hiện cái “Tôi” hay bản lĩnh gì cả, chỉ là họ chưa tìm được người đàn ông xứng đáng với tình yêu của họ để họ trao niềm tin của mình mà thôi!
Trong vấn đề làm mẹ hay kể cả là làm bố đơn thân, tôi không phán xét đàn ông hay phụ nữ là nguyên nhân – hệ quả gì trong chuyện này, chỉ là nhìn thấy hiện tượng đó và tự răn dạy mình phải sống có trách nhiệm với bản thân và với người con gái mà mình yêu thương, đừng để vì mình mà thêm một người phụ nữ phải lựa chọn con đường gian nan ấy, và cũng xin phụ nữ hãy làm ơn mở lòng và nhìn cuộc đời bao dung hơn nữa, đừng vì những vết hằn trong quá khứ mà đóng cửa trái tim mình, cuộc đời vẫn còn rất nhiều những người đàn ông xứng đáng để bạn trao thân gửi phận, cứ lạc quan mà sống rồi bạn sẽ được đền đáp xứng đáng!
Hoàng Mỹ Hà ( Editor)
Khó khăn nhất của người phụ nữ đơn thân là làm thế nào để không cảm thấy mềm lòng khi con vô tình gọi “bố ơi”!.
Và làm sao để con cảm thấy hạnh phúc khi chỉ duy nhất một mình mình đóng tròn hai vai diễn. Còn lại tất cả những khó khăn như tiền bạc, bỉm, sữa hay thị phi thiên hạ…tôi nghĩ: Vì con, đấy là thách thức chứ chẳng phải khó khăn! Những người mẹ đơn thân nếu vượt qua được những điều ấy thì sẽ hạnh phúc bên thiên thần nhỏ và thiên đường riêng của mình!
Vương Duy (Ca sỹ)
Chuyện làm mẹ đơn thân nhìn nhận trên góc độ một người đàn ông tôi cứ thấy “gợn gợn” trong lòng. Giống như việc đàn ông nói chung đã vô tình hay cố ý gây ra những vết thương lòng cho người phụ nữ, khiến họ “phải” hoặc là chủ động lựa chọn con đường làm mẹ đơn thân. Dù thế nào thì đó cũng là một lựa chọn mà tiền đề của nó có lẽ là những nỗi đau không thể xóa trong lòng người phụ nữ.
Tôi vẫn nghĩ mình là đàn ông thì nên là chỗ dựa cho vợ – con mình sau này, với người yêu thì nên chân thành, nghiêm túc và có trách nhiệm. Điều đó quyết định rất lớn đến suy nghĩ của những người phụ nữ hiện đại. Họ đã không còn là những cô gái phải cam chịu hay nhịn nhục để vì một cái mà người ta hay gọi là “sĩ diện cho chồng, cho con”. Nếu như đàn ông không mang đến cho người phụ nữ của mình hạnh phúc, thì việc cô ấy tự tìm hạnh phúc cho chính mình là điều rất hiển nhiên. Chuyện làm mẹ đơn thân không phải là con đường để có hạnh phúc mà đơn giản chỉ là “thoát ly” khỏi những gã tồi, những gã đàn ông chỉ mang cho cô ấy nỗi buồn thì thà có khó khăn thế nào đi nữa cô ấy tự bước cũng còn hơn là “bên nhau trọn đời” với kiểu đàn ông kinh khủng như vậy!
Huyền Diệu (Quản lý dự án truyền thông)
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.