Sốt ruột vì con trai biếng ăn, tăng cân kém, chị Lan – mẹ bé Trần Nguyên Vũ (6 tháng tuổi, Quốc Oai – Hà Nội) mua 1 lạng thuốc cam pha với nước cơm cho con uống liên tục trong vòng 1 tháng. Đến ngày 24/11, thấy bé co giật nửa người trái kèm theo mệt mỏi, bỏ bú, gia đình đưa con đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, khi đang trong quá trình thăm khám, bé Vũ lên cơn co giật toàn thân rồi rơi vào trạng thái li bì, tím tái. Cháu lập tức được chuyển đến khoa Hồi sức cấp cứu để theo dõi.
Tại đây, quan sát biểu hiện của bệnh nhân kết hợp hỏi bệnh sử, các bác sĩ nghi ngờ cháu bé nhiễm độc chì và cho làm xét nghiệm định lượng chì trong máu. Kết quả cho thấy bé Vũ bị nhiễm độc chì rất nặng. Vũ được điều trị tích cực bằng thở máy, chống phù não kết hợp sử dụng thuốc thải chì. Sau gần 72 tiếng điều trị, cháu bé vẫn chưa thoát cơn hôn mê.
Bé V đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Thạc sĩ – Bác sĩ Đào Hữu Nam, khoa Hồi sức Cấp cứu, cho biết chỉ trong vòng 2 tháng trở lại đây, khoa liên tục tiếp nhận các bệnh nhi nhiễm độc chì do dùng thuốc cam. Cả 3 trường hợp bệnh nhi nhập viện gần đây nhất đều chỉ được phát hiện nhiễm độc khi các bé đã rơi vào tình trạng nguy kịch: co giật, li bì, hôn mê. Khi đã có những biểu hiện nặng về thần kinh, các cháu có thể gánh chịu những di chứng nặng nề như chậm phát triển trí tuệ, co giật, mù, liệt vĩnh viễn.
Chì là một chất rất độc hại cho sức khỏe gây ra nhiều bệnh lý về thần kinh, huyết học, dạ dày – đường ruột, tim mạch và thận. Khi xâm nhập cơ thể, kim loại này tích lũy lâu trong nội tạng (đặc biệt là xương) và phải mất hàng chục năm mới có thể thải trừ ra ngoài.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em ngộ độc chì như tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, sử dụng đồ chơi có sơn chì, đạn chì. Các loại thuốc nam được dân gian gọi là thuốc cam, dùng để bôi, uống cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra nhiều trường hợp ngộ độc. Tuy nhiên, do phần lớn trẻ bị nhiễm độc không có biểu hiện điển hình, nên nhiều gia đình thường chủ quan khi sử dụng thuốc.
Trẻ bị nhiễm độc chì thường có những biểu hiện rất đa dạng từ cấp tính-dễ nhận biết đến mạn tính- lâu dài, không điển hình
+Về thần kinh:
Các biểu hiện cấp tính như: tăng kích thích, co giật, ngủ lịm từng lúc, hôn mê, liệt.
Các biểu hiện lâu dài, không điển hình: chậm phát triển nhận thức, tinh thần, giảm khả năng nghe, thái độ hành vi kỳ dị, ít chơi, mệt mỏi, khó chịu, vô cảm, mất phối hợp, mất các kỹ năng học được, học kém,
+Về tiêu hóa: Trẻ nôn, đau bụng, chán ăn.
+Về máu: Da xanh xao, cơ thể gầy yếu do thiếu máu.
Ngoài các triệu chứng rõ rệt như trên, trẻ nhiễm độc chì còn có rất nhiều biểu hiện kín đáo, chỉ có thể phát hiện bằng các xét nghiệm định lượng chì trong máu.
*Tên bệnh nhi đã được thay đổi
Lê Mai
(Theo congluan.vn)
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.