>>> Nuôi con kiểu thực dưỡng
1. Những bà mẹ yêu con bằng thực đơn nhồi nhét
Ngày nào đến cơ quan, tôi cũng phải nghe “bài ca” chán nản của chị T cùng phòng về việc con chị không chịu ăn thịt nên còi cọc, đau ốm. Chị bảo, đưa con đi ăn với công ty chồng, nhìn thằng cu bằng tuổi nó ăn hết cả lạng thịt quay mà con mình chỉ bốc tí rau, vừa bực vừa xấu hổ (?!). Rồi chị căn cứ vào việc con lười ăn thịt, suy ra, đó là nguyên nhân khiến con hay ốm đau, hay quấy khóc. Chị bảo, lương chị thấp, vậy mà ngày nào cũng đầu tư cho con, riêng tiền thịt của con chị đã bằng phần ăn còn lại của cả nhà, vậy mà nó không chịu ăn cho, chị nghĩ đến con mà muốn khóc! Tháng nào gia đình chị cũng quay cuồng, toát mồ hôi trán vì lo tiền mà chị vẫn sợ con ăn chưa đủ chất lượng yêu cầu.
Câu chuyện của chị T ngay lập tức được các chị khác hưởng ứng. Chị N thì truyền đạt kinh nghiệm “nhồi” con ăn thịt bằng cách xay nhuyễn ra và trộn đều với cháo, sau đó cho con 1 cái ông hút to như ngón tay cái để con… hút cho đỡ chán, coi như vừa ăn vừa chơi!? Chị N cũng nói, phải chịu khó đổi bữa cho con, nay thịt lợn thì mai thịt bò, đến cá, tôm, cua ốc… Một ngày 2 bữa cháo cho con chị cũng nấu 2 loại thịt không bao giờ trùng nhau. Tôi hỏi, ăn nhiều thịt quá sợ con táo bón không, các chị bảo, ôi, táo thì cứ pha cho mấy ống men tiêu hóa. Câu chuyện lại tiếp tục về các loại thuốc bổ, sữa “xịn”,… nghe những tiền triệu, những “hàng xách tay”, hàng ngoại,…, mua đôi lọ đã mất nửa tháng lương mà tôi hoảng hốt. Còn các chị thì miễn sao “nhồi” cho con ăn thật nhiều, và nhất là nhiều thịt, nhiều trứng và nhiều sữa mới vui.
Chị H đang làm việc nhưng cũng cố chen vào câu chuyện của chị T và chị N một chút, là theo chị, cứ cho con uống một đợt vitamin B1 liều thật cao, mỗi ngày 5 viên, uống thoải mái bao giờ con ăn thật nhiều, lớn phổng lên thì thôi. Chẳng biết chị nói có thật không, nhưng chị tự tin bảo: “Hỏi bác sĩ rồi, bác sĩ bảo không sao, cứ uống thoải mái thôi, thuốc bổ ấy mà”. Con chị nhờ đơn thuốc “thần dược” ấy mà béo phây phây, bụng tròn như quả bí ngô.
Tôi nghe mà thấy hốt hoảng. Người lớn mỗi ngày chỉ dùng đến hơn 100gr thịt là đủ, vậy mà mỗi ngày các chị đã “nhồi” con gần bằng từng ấy. Thông thường, các bà mẹ “sa lầy” vào quan niệm con không ăn thịt là thiếu chất, còi cọc. Thậm chí, có những bà mẹ cực đoan đến nỗi tiêu tốn một khoản tiền quá lớn vào việc mua thịt cho con như chị T. Lý do chỉ vì chị cảm thấy như mình có lỗi với con khi bữa nào con cũng chỉ thích ăn toàn rau củ. Trong mắt chị, rau củ “chẳng béo bổ gì”, chị không vui khi thấy con ăn toàn rau nên ép bé phải ăn thật nhiều thịt, và con chị, dần dần đã không còn cảm nhận được vị ngon tự nhiên từ rau củ và đạm thực vật nữa.
2. Câu chuyện rất mới từ những nguyên liệu cũ
Những ngày các bà mẹ truyền tay nhau về phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, tôi đặc biệt quan tâm đến nước Daishi, tức là món nước dùng làm từ rong biển và củ quả. Có thể thêm nấm và tùy biến với chút cá, vỏ tôm nhưng có thể bớt đi cũng không ảnh hưởng gì đến chất lượng. Tôi thực sự bất ngờ với món ăn này, vì nó khác hoàn toàn với quan niệm “ninh xương lấy nước” mà biết bao nhiêu bà mẹ Việt đã truyền tai nhau. Vị ngọt của phổ tai (một loại rong biển không tanh, giàu dinh dưỡng) cùng với rau củ tự nhiên, thêm chút gừng đậm đà, quả thực rất vừa miệng. Hơn nữa, phổ tai chứa hàm lượng dinh dưỡng rất cao, thậm chí cao hơn và “lành” hơn thịt rất nhiều! Người Nhật không cho trẻ ăn thịt mà chỉ dùng phổ tai với các loại củ quả cho đến năm 1 tuổi, đó đáng để chúng ta suy ngẫm.
Một thời gian sau, tôi may mắn làm quen với những người bạn ăn chay. Câu chuyện ăn chay vốn dĩ là thứ dễ cho các bà mẹ vội vàng chê bai. Tất nhiên tôi không định tuyên truyền phương pháp này, nhưng tôi cho rằng chúng ta cần nghiêm túc lắng nghe những lời khuyên từ họ. Đó là việc hàng ngày chúng ta đã bỏ qua, đã coi thường hàm lượng dinh dưỡng và chất xơ vô cùng quý giá từ các loại đậu, đỗ. Đời sống càng hiện đại, các món ăn từ đạm động vật với các loại gia vị, chất phụ gia, bảo quản càng phổ biến, người ta càng thấy các loại đậu đỗ là “nhạt nhẽo” và ít quan tâm đến việc ứng dụng những nguyên liệu này trong các bữa cơm. Nếu có chỉ là món chè ngọt, với rất nhiều đường nên không thật sự tốt cho sức khỏe. Tôi đã học lại cách nấu cơm với đậu đen, với hạt sen, ý dĩ… mà cả gia đình tôi trêu đùa là cơm “nghèo khổ” nhưng ăn rất ngậy, thơm và ngon lành. Tôi học lại cách kho ngũ cốc với tương, cách nấu canh không dùng xương động vật. Chi phí cho bữa ăn đã tiết kiệm hơn, nhưng chất lượng bữa ăn không hề giảm đi. Cả gia đình ai cũng khen ngon, con gái nhỏ của tôi hết chứng táo bón, cháu cũng giảm cảm giác thèm những đồ ăn nhanh như gà rán và nước ngọt có gas, bởi vì chất xơ rất cao trong đậu, đỗ đã khiến con tôi “chắc dạ” và trung hòa lượng axit trong dạ dày, nước bọt, không kích thích cảm giác thèm ăn vặt nữa.
Tôi không phải là chuyên gia dinh dưỡng, cũng không phải là bác sĩ hay có kiến thức sâu về y tế, nhưng tôi tin vào quy luật tự nhiên, và mong muốn dùng những thức ăn tự nhiên thay vì sử dụng quá nhiều nguyên liệu từ động vật và những loại gia vị nhân tạo. Tôi tin chắc chắn là tôi làm đúng!
Khánh Nhi
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.