Sáng 9/9, TAND quận Long Biên, Hà Nội đưa 2 “mẹ mìn” trong vụ án “Mua bán trẻ ở chùa Bồ Đề” ra xét xử theo trình tự sơ thẩm.
Hai bị cáo trong vụ án này phải hầu tòa vì bị quy kết, tội Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em gồm: Phạm Thị Nguyệt (45 tuổi, quê Ninh Bình) và Nguyễn Thị Thanh Trang (37 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Đại diện của bị hại Trần Thị Thu Hà (26 tuổi, quê Phú Thọ – mẹ cháu bé Phạm Gia Bảo) có mặt tại phiên tòa.
Bố của bị hại Vũ Xuân Trường (31 tuổi, quê Tuyên Quang) tiếp tục vắng mặt.
“Sống cùng lúc với 2 người đàn ông chỉ là phút nông nổi?”
Trả lời thẩm vấn HĐXX, Phạm Thị Nguyệt khóc lóc. Chị ta khai, quen biết Nguyễn Thị Thanh Trang vào tháng 8/2012 vào thời điểm Nguyệt đưa một cháu bé bị nhiễm HIV vào gửi nhờ ở chùa Bồ Đề.
Thỉnh thoảng chị ta đến chùa đưa cháu bé đi thăm khám. Cũng từ đó, Nguyệt và Trang thường xuyên liên lạc, Trang cũng thỉnh thoảng đến nhà Nguyệt chơi.
Cuối năm 2013, trong một lần trao đổi, Nguyệt có nhờ Trang tìm giúp cho “chị gái” là Đặng Thị Hương Giang một cháu trai khỏe mạnh.
Một thời gian sau, Trang thông báo về trường hợp cháu Phạm Gia Bảo – được một người làm thiện nguyện ở chùa Bồ Đề nhận làm con nuôi và đặt tên là Cù Nguyên Công.
Theo lời khai của Nguyệt, trường hợp của cháu Bảo đã được sự đồng ý của mẹ đẻ, đồng thời cháu bé cũng không được ghi tên vào sổ theo dõi của chùa Bồ Đề.
Từ những “thuận lợi” này, ngày 1/1/2014, Nguyệt nhờ chị Hương Giang tiếp nhận cháu Gia Bảo khi cháu bé được đưa về gia đình của Trang tại huyện Thường Tín, Hà Nội.
Khi tiếp nhận cháu Gia Bảo, Nguyệt không làm bất kỳ thủ tục pháp lý gì mà chỉ cầm một tờ giấy xác nhận cho con của chị Trần Thị Thu Hà – mẹ cháu Gia Bảo.
Nguyệt cho hay, chị ta hoàn toàn không biết và không có bất kỳ cuộc tiếp xúc nào với chị Trần Thị Thu Hà. “Nuôi cháu Phạm Gia Bảo được 1 tháng, bị cáo mới biết chị Hà”, Hà khai.
Theo hồ sơ vụ án, ngoài cháu Phạm Gia Bảo được Nguyệt nhận nuôi từ tháng 1/2014, bị cáo này còn nhận nuôi 2 cháu nhỏ tên Phạm Đức Anh (nhận nuôi từ tháng 1/2012) và Phạm Gia Hân (nhận nuôi từ tháng 6/2013).
Công bố hồ sơ vụ án tại tòa, HĐXX cho biết, Nguyệt còn có 2 con đẻ với người chồng mà chị ta cho biết không có hôn thú Phạm Văn Học.
Nguyệt khóc lóc khi trả lời HĐXX.
Năm 1999, Nguyệt và anh Học (đã mất) không còn sống chung. Theo lời khai của hai người con tại cơ quan điều tra thì sau khi bỏ anh Học, Nguyệt để các cháu cho cho gia đình nội, ngoại nuôi nâng và không có bất kỳ chu cấp gì. Tuy nhiên lời khai bị chị ta phủ nhận.
Về việc nhận nuôi các đưa trẻ, trả lời HĐXX, Nguyệt khai rằng, do xuất phát từ cái “tâm” thương trẻ bị bỏ rơi.
Lúc này, chủ tọa đặt câu hỏi dồn dập, việc nhận nuôi các đứa trẻ bị cáo lấy đâu tiền trang trải cuộc sống?. Nguyệt khai rằng, để có tiền trang trải nuôi con, chị ta ngoài buổi sáng bán hàng, buổi tối còn nhận hàng quần áo về may. Thu nhập mỗi tháng từ 15-20 triệu đồng.
Trước câu trả lời của Nguyệt, chủ tọa “vặn”, bị cáo bận buôn bán kiếm tiền, thì lấy đâu ra thời gian để chăm sóc các bé, đặc biệt những đứa trẻ này còn rất nhỏ? Chị ta nói rằng, ngoài việc vừa bán hàng, vừa trông giữ các cháu, chị ta còn phải nhờ đến hai người “bạn trai” trợ giúp.
Tiếp tục thẩm vấn Nguyệt, chủ tọa đặt câu hỏi: Tài liệu cơ quan thu thập, tên của bị cáo là Phạm Thị Tân Nguyệt, tại sao năm 2011, bị cáo lại đổi tên là Phạm Thị Nguyệt.
Chị này cho hay: “Lúc làm CMND, bị cáo đọc đầy đủ, người ta không ghi như thế, bị cáo không có ý kiến gì”.
Chủ tọa tiếp tục vặn: Tại sao bị cáo sinh năm 1970, khi làm lại hồ sơ lại đề năm 1979?. “Việc này bị cáo không biết”, Nguyệt nói.
Tại sao bị cáo phải thay tên đổi họ, đổi năm sinh?, chủ tọa tiếp tục thẩm vấn. “Bị cáo không biết”, Nguyệt tiếp tục vòng vo.
Về các mối quan hệ với hai người đàn ông Phạm Văn Hữu và Nguyễn Văn Vũ, Nguyệt khai hai sống chung với anh Hữu từ năm 2012, năm 2014 chị ta kết hôn với Nguyễn Văn Vũ. Chị ta cho rằng, đấy là một phút nông nỗi.
“Cùng một thời gian sống chung với 2 người đàn ông, bị cáo làm thế nào?
Trả lời HĐXX, Nguyệt cho hay: “Anh Hữu không biết ạ. Anh Hữu quá tốt, bị cáo sai rồi”.
Đối với việc nhận nuôi các đứa trẻ, Nguyệt cho biết, đã nói dối người tình là con riêng của mình.
Quản lý nhà Mở hưởng lợi lớn từ mua bán trẻ
Trước đó, bắt đầu phần thẩm vấn, chủ tọa xét hỏi bị cáo Nguyễn Thị Thanh Trang – người từng làm việc tại nhà Mở của chùa Bồ Đề.
Theo lời khai của Trang tại tòa, chị ta được sư thầy Thích Đàm Lan nhận vào làm việc tại nhà Mở từ tháng 10/2010.
Hoạt động chăm sóc trẻ ở chùa Bồ Đề đều được sư thầy Thích Đàm Lan quản lý. Làm việc một thời gian, đến năm 2012, Trang được phân công quản lý nhà Mở.
Công việc của một quản lý nhà Mở được Trang cho biết là làm những nhiệm vụ như tiếp nhận, kê khai người đến gửi trẻ, tiếp nhận trẻ, phân các cháu vào các phòng để giao cho các cô nuôi. Ngoài ra, Trang còn có nhiệm vụ xin học cho các trẻ ở nhà Mở, đưa các cụ già đau ốm chữa bệnh…
Việc các cháu bé được đưa vào nhà Mở theo quy trình sẽ khai báo tạm trú, tạm vắng. Tuy nhiên theo, Trang không phải lúc nào cũng khai báo ngay, có trường hợp.
Trang tiếp nhận cháu Phạm Gia Bảo từ tháng 10/2013. Khi nhận cháu Bảo cũng làm thủ tục đề nghị chị Hà phô tô chứng minh nhân dân, giấy xác nhận chị Hà gửi cháu vào chùa.
Việc Trang giới thiệu cháu Gia Bảo cho Nguyệt bắt đầu từ đề nghị của chị này về việc xin một đứa con trai khỏe mạnh, không bị nhiễm HIV.
Việc “giao dịch” cháu Gia Bảo, Nguyệt không đứng ra trực tiếp. Sau khi giao dịch hoàn thành Nguyệt trả cho Trang 35 triệu đồng.
Số tiền này, Trang chuyển vào tài khoản của mẹ ruột của cháu Gia Bảo là chị Trần Thị Thu Hà 10 triệu đồng. 25 triệu đồng còn lại, Trang chi tiêu cá nhân.
Chiều nay, phiên tòa sẽ tiếp tục phần thẩm vấn./.
Nguồn: Theo VOV
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.