Là một người mẹ chẳng có mấy kiến thức và kinh nghiệm nên mỗi lần con hắt hơi, sổ mũi, ho nhẹ là mình lại lo cuống cuồng. Sợ nhất là mỗi lần con ho. Ông bà, người thân xung quanh thì cứ thúc ép “cho nó uống kháng sinh ngay đi, không thì viêm phế quản, viêm phổi là phải đi viện đấy”,… khiến cho người mẹ như mình, đã rối lại càng rối hơn.
Sau vài lần như vậy, mình nghĩ sao lại không tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết, để không bị rối trí khi mỗi lần con ho là nhận được biết bao lời khuyên tư vấn của mọi người xung quanh.
Mình tìm hiểu và tham gia một số hội thảo do bác sỹ nhi tổ chức về các bệnh thường gặp ở trẻ, trong đó có các bệnh về tai mũi họng. Rồi nhận ra, đúng là mình đã có biết bao hiểu lầm tai hại về “bệnh” ho. Sau đây mình xin chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm khi chăm sóc trẻ bị ho.
Ho không phải là một bệnh
Ho không phải là bệnh như mình và một số mẹ vẫn thường nghĩ. Thực tế ho là một hội chứng, do một hoặc nhiều bệnh gây nên.
Cơ chế ho
Trước hết bố mẹ cần hiểu về cơ chế ho. Căn bản ho là phản xạ tối cần thiết cho sự sống để giữ sạch đường dẫn khí tống các dị vật và chất bẩn ra ngoài.
Khi đường thở trong phổi bị kích thích, cơ thể sẽ có phản ứng tự động là ho. Đường thở trong phổi bị kích thích bởi một số yếu tố như có nhiều chất tiết, nhiễm trùng, các chất khí kích thích, các dị nguyên hoặc hít quá nhiều bụi hoặc khói thuốc lá.
Ho có thể do nhiều nguyên nhân gây nên. Sau đây là một số bệnh thường gặp gây ho ở trẻ nhỏ.
Ho do các bệnh đường hô hấp trên (hay còn gọi là bệnh tai mũi họng)
Trẻ bị ho phần lớn là do bị nhiễm trùng đường hô hấp trên. Nhiễm trùng đường hô hấp trên là tên gọi chung chỉ các nhiễm trùng sau:
– Nhiễm trùng họng (thanh quản) – hay còn gọi là viêm thanh quản.
– Nhiễm trùng khí quản (đường thở chính) – hay còn gọi là viêm khí quản.
– Nhiễm trùng phế quản (đường thở vào bên trong phổi) hay còn gọi là viêm phế quản.
Hầu hết các nhiễm trùng đường hô hấp trên là do vi rút. Các triệu chứng cảm cúm có thể xuất hiện nếu nhiễm trùng ảnh hưởng đến mũi.
Trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp trên sẽ ho đờm hoặc ho khan. Nếu ho có đờm, phổi của trẻ bài tiết nhiều chất nhầy hơn bình thường vì trẻ bị nhiễm trùng và cần ho để tống chất nhầy dư thừa này ra khỏi họng.
Các triệu chứng điển hình lên cao điểm sau 2 – 3 ngày và khỏi dần. Tuy nhiên, ho có thể kéo dài sau khi đã hết nhiễm trùng, bởi vì viêm trong đường thở do nhiễm trùng gây ra có thể mất ít lâu để hồi phục. Ho có thể dứt hẳn sau 2 – 3 tuần, khi các triệu chứng khác đã biến mất.
Ho do các bệnh đường hô hấp dưới
– Viêm phổi
– Viêm phế quản
– Phế quản phế viêm
– Viêm phế quản co thắt
– Hen phế quản.
– Lao phổi.
– U ở phổi và trung thất.
Trẻ bị ho nên xử trí như thế nào
Khi trẻ bị ho, bố mẹ không được tự ý làm bác sỹ cho con, mà phải đưa con đi khám và uống thuốc theo chỉ định của bác sỹ.
Khi trẻ mới húng hắng ho, trẻ không có biểu hiện nhiễm trùng (không sốt) và không khó thở thì bố mẹ có thể giúp trẻ giảm triệu chứng ho theo những bước sau:
– Hút mũi, rửa sạch mũi họng hàng ngày.
– Cho trẻ súc miệng bằng nước muối
– Cho trẻ uống siro long đờm.
– Tối trước khi đi ngủ, xoa dầu vào gan bàn chân trẻ, mát xa nhẹ nhàng.
Ngoài ra với kinh nghiệm cá nhân của mình, khi con hơi húng hắng ho, ho rất nhẹ thôi, mình cho bé uống thuốc trị ho tự nhiên để giảm triệu chứng.
Bài 1: Mật ong hấp tỏi
Mật ong và tỏi đều là hai vị thuốc tự nhiên có khả năng kháng khuẩn, chống viêm nhiễm khá cao. Mọi người thường quen với bài thuốc mật ong chanh đào hơn, tuy nhiên bài thuốc mật ong hấp tỏi này vừa giúp giảm ho, vừa giảm sổ mũi, trị cảm cúm và cảm lạnh.
Cách thực hiện rất đơn giản, như sau:
– Lấy vài tép tỏi, bóc sạch vỏ, cho vào bát, có thể giã nát hoặc để nguyên như vậy.
– Cho khoảng 3 thìa mật ong, đổ vào cùng tỏi
– Cho vào nồi hấp, hấp khoảng 15 phút là được. Khi nước sôi, bạn vặn lửa nhỏ đun liu riu.
– Sau 15 phút thì tắt bếp, ngâm như vậy khoảng 10 phút nữa.
– Cho bé uống, chia làm 3 lần trong ngày. Lưu ý mật ong và tỏi đều khá nóng, nên mẹ cho bé uống nhiều nước hoặc nước cam khi dùng bài thuốc này. Một lưu ý quan trọng khác là bài thuốc này chỉ áp dụng cho trẻ trên 1 tuổi. Trẻ dưới 1 tuổi không được dùng mật ong.
Bài 2: Hẹ hấp đường phèn, đường trắng hoặc đường đỏ
– Lấy vài nhánh hẹ, cắt bỏ phần gốc, rửa sạch.
– Hẹ cắt khúc ngắn, trộn cùng một ít đường phèn, đường trắng hoặc đường đỏ đều được.
– Hấp trong khoảng 15 phút rồi chắt lấy nước cốt cho bé uống rải rác trong ngày.
Mẹ nên lo lắng khi nào?
Nếu bé bị ho kèm theo sốt, khó thở, tím tái, người suy kiệt, ho kéo dài, bố mẹ cần chú ý và đưa bé đến bệnh viện ngay.
Phân loại các loại thuốc ho
Thuốc ho có mục đích ức chế ho khan, hoặc giúp trẻ ho ra số chất nhầy dư thừa (ho có đờm) khi bị nhiễm trùng đường hô hấp trên. Thuốc ho giúp ức chế ho khan đôi khi được gọi là thuốc chống ho. Thuốc ho giúp ho ra đờm đôi khi được gọi là thuốc long đờm.
Rất nhiều thuốc ho được bán tại nhà thuốc tây hoặc tại siêu thị. Chúng thường có chứa một hoặc nhiều loại sau đây:
– Thuốc ức chế ho như là dextromethorphan hoặc phocodine.
– Thuốc long đờm như là guaifenesin hoặc ipecacuanha.
– Thuốc kháng histamine như brompheniramine, chlorphenamine, diphenhydramine, doxylamine, promethazine hoặc triprolidine.
– Thuốc chống phù nề như phenylephrine, pseudoephedrine, ephedrine, oxymetazoline hoặcxylometazoline.
Các thuốc ho cũng có thể có chứa các dược chất khác như là paracetamol hoặc ibuprofen. Một số có chứa rượu.
Thuốc ho có tác dụng như thế nào
Các thuốc ho được nghĩ rằng có tác dụng theo nhiều cách khác nhau, tùy theo hoạt chất của nó:
– Thuốc ức chế ho tác dụng bằng cách ức chế phản xạ ho.
– Thuốc long đờm làm tăng số lượng dịch phổi được tiết ra, khiến dịch dễ bị tống ra ngoài ra hơn.
– Thuốc kháng histamine làm giảm histamine, khiến cho phù nề giảm và làm giảm số lượng chất nhầy do phổi bài tiết.
– Thuốc chống phù nề làm cho mạch máu ở trong phổi và ở mũi co lại, khiến cho phù nề giảm.
Đối với trẻ em dưới 6 tuổi, chỉ cho chúng những chế phẩm đơn giản như là glycerin, mật ong và chanh. Không cho trẻ dưới 6 tuổi các thuốc ho có bất kỳ hoạt chất nào kể trên (chống ho, kháng histamine hoặc chống phù nề), bởi vì đối với trẻ nhỏ, tác dụng phụ có nguy cơ lớn hơn là lợi ích của thuốc này.
Mẹ Bin
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.