Khi con tôi còn nhỏ, đang học phổ thông,
đôi khi sách vở của con trình bày lộn xộn, chữ viết xấu, cô giáo phàn
nàn về việc con soạn bài văn sơ sài,… Tôi lo lắng và cảm thấy buồn
phiền vì nghĩ là con học kém môn văn. Và dù môn toán con học thông
minh, làm bài rất nhanh, nhưng đôi lúc còn ẩu khiến nhiều khi bài khó
làm đúng, bài dễ lại tính toán nhầm, sai đáp số nên điểm không cao. Một lần nữa, tôi lại lo lắng vì con. Nhưng thực
ra tôi đã nhầm, bởi khi đó mình chỉ nhìn vào các điểm yếu, điểm tiêu cực mà
không nhìn vào điểm mạnh của con, đó là con rất thông minh, học toán và
các môn khoa học tự nhiên rất nhanh, chơi cờ giỏi, mê đá bóng,…và hay
giúp đỡ mọi người, giúp đỡ bạn.
Sau này, do đọc nhiều, nghiên cứu nhiều, tiếp xúc thực tiễn nhiều,… rồi các
con của chúng tôi, các bạn của con, các lứa học sinh của tôi đã trưởng
thành ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau, suy nghĩ của tôi hoàn toàn thay
đổi, rằng:
Mọi đứa trẻ đều thông
minh, tuy nhiên thông minh theo cách khác nhau – đó chính là quan điểm
của thuyết đa trí tuệ (đa trí thông minh) của Gardner. Theo thuyết đa
trí tuệ mỗi người trong chúng ta đều tồn tại một vài kiểu thông minh
trong số 8 loại: ngôn ngữ, lôgic/toán học, âm nhạc, không gian, vận động
cơ thể, giao tiếp (tương tác cá nhân), nội tâm (hướng nội), thiên nhiên
(tự nhiên học). Tuy nhiên, ứng với mỗi cá nhân sẽ có những loại trí
thông minh vượt trội hơn các trí thông minh còn lại.
Thuyết
Đa trí tuệ cho rằng, mỗi cá nhân hầu như đều đạt đến một mức độ nào đó ở
từng “phạm trù thông minh” khác nhau. Đặc biệt, mức độ này không phải
là “hằng số” trong suốt cuộc đời của mỗi người mà có thể sẽ thay đổi
(tăng hay giảm) tùy vào sự trau dồi của mỗi cá nhân.
Theo
Howard Gardner, trí thông minh đa dạng cho thấy mỗi con người có khả
năng biểu đạt tri thức của mình theo 8 cách khác nhau và học theo cách
tốt nhất như thế nào. Và trong nhìn nhận, đánh giá con người nên vận dụng câu danh ngôn của Albert Anhxtanh:
“Mọi người đều là thiên tài…Nếu bạn đánh giá con cá bằng khả năng leo cây của nó, suốt đời nó sẽ tin rằng mình là kẻ ngốc nghếch”.
Đôi
lúc, cha mẹ và người thân chỉ nhìn vào những hiện tượng, sự việc nhỏ
nhặt của trẻ như: sách vở cẩu thả, chữ viết chưa đẹp, chưa chăm
học, bố mẹ hay phải nhắc nhở, ở trường nói chuyện riêng thầy cô bắt làm
bản kiểm điểm,… rồi trách phạt, mắng trẻ, mà không tìm hiểu nguyên nhân,
nguyện vọng cũng như phong cách học tập của con mình để động viên,
khích lệ giúp trẻ tiến bộ.
Thuyết đa trí tuệ được thể hiện bằng Bản đồ tư duy.
Trong
trường hợp này, các bậc cha mẹ thường chỉ nhìn vào hiện tượng, mà chủ
yếu là nhìn vào điểm số để đánh giá con em mình mà chưa nhìn vào tổng
thể, chưa nhìn thấy điểm mạnh, trí thông minh nổi trội của mỗi đứa trẻ để
khích lệ, khơi dậy tiềm năng, ươm mầm cho những tài năng đó, nên đôi lúc có
những nhận xét bằng lời lẽ tiêu cực như: học kém, hư, lười học, nghịch,
đoảng,…
Tài năng ở đây
được hiểu theo 8 loại hình trí thông minh nói trên chứ không chỉ nhìn
vào điểm số vì nhà trường truyền thống hiện nay đang quá chú trọng vào
điểm số, chú trọng vào hai loại trí thông minh đó là: ngôn ngữ và
logic/toán học, hầu như vẫn quá coi trọng điểm môn toán, môn văn và gần
như mọi đánh giá chủ yếu thông qua bài kiểm tra viết, suy luận,… hầu
như nhà trường không coi trọng những em có trí thông minh về âm nhạc,
không gian, vận động, giao tiếp, nội tâm, tự nhiên học.
Cần
nhìn vào những điểm mạnh, điểm nổi trội của con em mình theo thuyết trí
thông minh đa dạng để nhận xét, đánh giá trẻ với tinh thần
khích lệ giúp bé tự tin hơn, tiến bộ hơn và thành công hơn!
Hàng
ngày, mỗi chúng ta đều sử dụng 8 loại hình thông minh nhưng cách thể
hiện hoàn toàn khác nhau. Mỗi chúng ta là một bài hát được viết nên từ 8
nốt nhạc Đồ, Rê, Mi, Fa, Son, La, Si, Đô. Cách chúng ta kết nối các nốt
nhạc rất khác biệt nên không có bài hát nào giống nhau hoàn toàn. Khi
sử dụng tất cả các loại hình trí thông minh theo cách của riêng mình,
mỗi người sẽ góp vào thế giới một giai điệu riêng biệt mà không ai có
thể tạo ra.
Vậy đó, các bậc
cha mẹ hãy sáng suốt nhé, đừng vội đánh giá, dán nhãn mác tiêu cực cho
con em mình chỉ vì con trẻ chưa làm được một điều gì đó. Hãy tôn trọng và
nhìn nhận với tinh thần khích lệ. Và mỗi khi ta đánh giá bản thân mình
hay một ai đó, hãy nhớ Einstein đã nói: “Mọi người đều là thiên tài,..
Nếu bạn đánh giá con cá bằng khả năng leo cây của nó, suốt đời nó sẽ tin
rằng mình là kẻ ngốc nghếch”.
Và “Chín phần mười của sụ giáo dục là động viên khích lệ”, Anatole France.
Tiến sĩ – Nhà giáo ưu tú Đặng Thị Thu Thủy
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.