Một nghiên cứu sinh của Đại học Tokyo (Nhật Bản) đã chế tạo được chiếc mông robot đầu tiên có khả năng hiểu được cảm giác sợ hãi.
Nobuhiro Takahashi (24 tuổi), đã lập trình để robot SHIRI (tiếng Nhật nghĩa là cái mông), thể hiện những phản ứng về cảm xúc khác nhau trước từng động tác chạm của người.
Bề ngoài trần trụi của SHIRI – (Ảnh: Reuters)
Khi dùng roi quất, SHIRI thể hiện sự sợ hãi bằng cách run bắn lên, trong khi một cái vuốt mơn trớn sẽ nhận được phản ứng siết nhẹ, nhờ vào các cơ nhân tạo bên dưới lớp da bằng silicon, theo Reuters.
Ngoài ra, microphone được gắn bên trong SHIRI sẽ giúp phát hiện ngay cú đánh hoặc động tác vuốt ve.
Về mặt ngoại hình, SHIRI chẳng bì được những thế hệ robot tinh xảo ở Nhật hiện nay, nhưng nó đánh dấu bước tiến mới trong lĩnh vực phát triển robot người trong tương lai.
Nhà sáng chế trẻ tuổi của Nhật Bản hy vọng có thể ứng dụng công nghệ này để phát triển các phản ứng cho những bộ phận khác của robot, đặc biệt là ở khuôn mặt, giúp thể hiện những thông điệp không lời.
Hiện các robot đã có thể giao tiếp với con người bằng giọng nói, nhưng chúng vẫn là các cỗ máy vô tri vô giác, chưa thể hiện được cảm xúc không lời. Do vậy, Takahashi mong muốn sẽ thay đổi được tình trạng này.
Theo Thanh Niên, Reuters