Ảnh minh họa.
Do sự thay đổi trong nhận thức về sức khỏe, ngành công nghiệp thực phẩm sức khỏe phát triển nhanh chóng trong vài năm qua.
Tuy nhiên, với bản chất là kinh doanh, nhiều ông lớn trong ngành công nghiệp thực phẩm đã khôn khéo nhắm các quảng cáo của mình vào mục tiêu rất được quan tâm đó là sức khỏe. Điều này khiến việc lựa chọn những thực phẩm thực sự lành mạnh của người tiêu dùng càng trở nên khó khăn.
Dưới đây là danh sách các loại thực phẩm được quảng cáo nhắm vào sức khỏe, nhưng có thể chúng không lành mạnh như những lời lẽ tuyệt vời của nhà sản xuất. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi thực phẩm với nhãn “Có lợi cho sức khỏe” đều là dối trá, chỉ có một số sản phẩm phổ biến gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng khi lựa chọn.
1. Các loại dầu ăn
Thay vì dùng dầu ép từ các loại hạt, hãy chuyển sang dùng dầu dừa hoặc bơ.
Mở đầu danh sách là các loại dầu ăn được sản xuất công nghiệp. Các loại dầu như dầu thực vật, dầu hạt cải, dầu đậu nành… khá phổ biến trên thị trường và nhiều loại được quảng cáo là “Có lợi cho tim mạch”, hay “Sự lựa chọn tuyệt vời để nấu ăn và nướng bánh”. Các loại dầu này, cũng giống như những thực phẩm chế biến, đóng hộp được gắn nhãn “Có lợi cho sức khỏe”.
Những loại dầu kể trên rất phổ biến với giá thành tương đối dễ chịu. Nhưng vấn đề ở đây là các loại dầu này rất giàu axít béo Omega-6 không bão hòa đa (omega-6 polyunsaturated fats – PUFA). Một chế độ ăn giàu chất béo Omega-6 sẽ gây tình trạng viêm hệ thống trong cơ thể, cơ chế của tình trạng viêm này tương đồng với các bệnh thoái hóa mãn tính của thời đại này như bệnh tim hay tiểu đường.
Giải pháp: Thay vì dùng dầu ép từ các loại hạt, hãy chuyển sang dùng dầu dừa hoặc bơ. Bên cạnh đó, thay dầu ăn thông thường bằng dầu quả bơ hoặc dầu ôliu để làm các món như rau trộn…
2. Các loại hạt rang sẵn
Các loại hạt rang sẵn chứa khá nhiều muối và có thể đã bị biến chất trong quá trình xử lý.
Rất nhiều người chọn mua loại thực phẩm này với suy nghĩ rằng đây một thực phẩm tốt cho sức khỏe của họ. Tuy nhiên, các loại hạt chế biến bán sẵn trong siêu thị và các cửa hàng tiện lợi có thể chứa chất béo chuyển hóa một phần, loại chất béo này góp phần gây một số bệnh mãn tính cũng như tình trạng viêm trong cơ thể.
Một vấn đề khác đối với các loại hạt rang sẵn đó là các chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa của chúng rất dễ bị ôxy hóa ở nhiệt độ cao. Do đó, các loại hạt mà bạn mua có thể đã bị biến chất và không còn lành mạnh như bạn nghĩ.
Giải pháp: Bạn có thể chọn mua các loại hạt hữu cơ chưa rang, sau đó tự rang ở nhiệt độ trung bình khoảng 10-20 phút. Cách này khá phức tạp nhưng có thể tối đa hóa lợi ích của các chất dinh dưỡng trong loại thực phẩm này.
3. Sirô Agave (đường cho người ăn kiêng)
Sirô Avega là một loại chất làm ngọt thay thế cho đường.
Chất làm ngọt này có trong nhiều loại thực phẩm được dán nhãn “Có lợi cho sức khỏe”. Sirô Agave được giới thiệu như một sản phẩm có nồng độ đường huyết thấp, do đó được cho là một sản phẩm tốt cho sức khỏe. Mức độ chỉ số đường huyết carbohydrat được tính dựa trên tốc độ tăng lượng đường trong máu. Theo tác giả bài viết, chỉ số này là quá đơn giản để đánh giá một loại thực phẩm nào đó là xấu hay tốt.
Sirô Agave là loại đường ăn kiêng đã qua xử lý và chứa rất nhiều fructose. Fructose có chỉ số đường huyết thấp, do đó tác động đến cơ thể khá chậm. Điều này có nghĩa là, cơ thể cần một khoảng thời gian nhất định để chuyển hóa fructose thành glucose, glycogen, lactate và chất béo trong gan. Sirô Agave và các loại thực phẩm chứa nhiều fructose tạo nhiều áp lực cho gan, góp phần gây bệnh gan nhiễm mỡ và kháng insulin.
Giải pháp: Thay Sirô Avega bằng stevia tươi hoặc mật ong để làm ngọt khi cần.
4. Các loại thực phẩm ít béo
Chất béo rất quan trọng đối với cơ thể.
Các nhà sản xuất đã tách bớt chất béo trong thực phẩm từ khoảng năm 1950, vì nguy cơ gây bệnh tim mạch và thừa cân, béo phì. Tuy nhiên, điều đáng nói là các thực phẩm ít béo lại là một trong những nguyên nhân gây bệnh béo phì và các bệnh mãn tính phổ biến khác.
Trên thực tế, để đảm bảo sức khỏe, chúng ta vẫn cần đến những chất béo lành mạnh. Hoạt động của não, hệ miễn dịch, sản xuất kích thích tố và hoạt động chức năng của các tế bào phụ thuộc rất nhiều vào chất béo. Một trong những nguyên nhân của tình trạng thiếu chất béo lành mạnh đó là do các thực phẩm với nhãn “Ít béo”, các sản phẩm này thường được xử lý với hóa chất nhiều hơn hoặc dùng đường để thay thế chất béo.
Chỉ có một số chứ không phải tất cả chất béo đều gây tăng cân và bệnh tật, việc hiểu sai về chức năng của chất béo khiến chúng ta gặp nhiều rắc rối. Chất béo động vật nuôi theo phương pháp công nghiệp, chất béo hydro hóa một phần, các loại dầu ăn chế biến như dầu hạt cải, dầu rau điều… mới là những loại chất béo gây viêm và dẫn đến các bệnh mãn tính.
Giải pháp: Dùng các loại thực phẩm chứa chất béo lành mạnh như: quả bơ, dầu dừa, các loại cá béo đánh bắt tự nhiên và thịt bò hữu cơ.
5. Các loại thực phẩm không đường
Hầu như tất cả các loại nước giải khát ga đều không có lợi cho sức khỏe, dù chúng có đường hay không.
Nhãn “Không đường” khiến nhiều người ăn kiêng đường nhầm lẫn. Bệnh mãn tính và tình trạng tăng cân do các chất làm ngọt nhân tạo không còn là điều gì bí mật hay nghi ngờ. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Mỹ phát hiện ra rằng, uống khoảng 330 ml nước ngọt dành cho người ăn kiêng một tuần có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường lên 33%, khoảng 600 ml một tuần làm tăng nguy cơ lên 66%.
Điều này cũng không có nghĩa là bạn nên uống các loại nước giải khát có đường thông thường. Cả hai loại thức uống có đường và không đường đều có thể đầu độc sức khỏe của bạn, do đó, tốt nhất là tránh xa chúng.
Giải pháp: Hãy dùng các loại nước giải khát lành mạnh hơn như nước ép trái cây hoặc nước chanh tự pha.
6. Thực phẩm có nhãn “Hoàn toàn tự nhiên”
Đừng tin vào quảng cáo về thành phần “Tự nhiên” trên các loại thực phẩm chế biến.
“Thành phần tự nhiên” đang là cụm từ được dùng rất phổ biến trong việc tiếp thị sản phẩm thực phẩm. Tuy nhiên, vấn đề là khi chọn mua thực phẩm, nếu chỉ dựa vào nhãn và những lời quảng cáo, điều này tương tự với việc nhắm mắt mua chúng. Cụm từ “Tự nhiên” ghi trên nhãn thực phẩm chế biến, thực phẩm đóng hộp là hoàn toàn vô nghĩa. Bởi vì, trong các sản phẩm đó, bất cứ nguyên liệu nào được trồng từ đất, đều có thể được gắn nhãn “Tự nhiên”. Do đó, những lời quảng cáo về sự tự nhiên trong các loại thực phẩm chế biến không liên quan đến quá trình chế biến hay sự mất chất trong quá trình chế biến.
Giải pháp: Đọc kỹ thành phần của sản phẩm, đừng chỉ xem qua loa trên nhãn. Nếu sản phẩm có chứa các chất hóa học đã liệt kê phía trên, hoặc những thành phần hóa học khác, hãy cân nhắc lại.
Nguồn: Theo Mindbodygreen
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.