Giới khoa học sửng sốt khi biết một thiên thạch bay cách trái đất gần 14.000 km vào thứ sáu tuần trước nhưng họ chỉ phát hiện ra nó trước 15 giờ.
Theo Daily Mail, các kính thiên văn thuộc dự án Catalina Sky Survey (Mỹ) phát hiện thiên thạch – có tên 2009 VA – vào ngày 6/10/2009. Sau đó Trung tâm Tiểu hành tinh của Mỹ xác nhận nó là “vật thể gần trái đất”.
Mặc dù khoảng cách ngắn nhất giữa địa cầu và 2009 VA vào khoảng 13.920 km, song đường kính của thiên thạch chỉ vào khoảng hơn 7 m nên không đủ lớn để gây thảm họa. Với kích thước ấy, 2009 VA sẽ bốc cháy hoàn toàn khi cọ xát với bầu khí quyển nếu nó lao vào địa cầu. Những vật thể có kích thước tương đương bay sát trái đất khoảng hai lần mỗi năm và cứ 5 năm chúng đâm trúng trái đất một lần.
Ảnh minh họa thiên thạch 2009 VA hướng về trái đất của Daily Mail.
Chương trình Vật thể gần trái đất (NEO) của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã xác định được quỹ đạo của 2009 VA. Họ khẳng định mặc dù thiên thạch bay rất sát trái đất song va chạm sẽ không xảy ra. Đây là một trong ba thiên thạch bay sát trái đất nhất mà con người phát hiện được.
NEO có nhiệm vụ phát hiện và theo dõi ít nhất 90% trong số khoảng 1.000 thiên thạch và sao chổi có đường kính từ 1 km trở lên và bay về phía trái đất. Chương trình này sẽ kết thúc trước năm 2020. Các nhà khoa học của NEO từng phát hiện một thiên thạch có đường kính 30 m bay cách trái đất 72.000 km vào ngày 2/3.
Theo VnExpress