Ngày 13/11, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) thuộc Liên Hiệp Quốc (LHQ) công bố báo cáo khẳng định năm 2013, mực nước biển toàn cầu dâng lên mức cao kỷ lục, đe dọa các vùng bờ biển thế giới.
>>> Nhiều thành phố lớn sẽ chìm dưới biển
Sóng lớn do gió bão Haiyan gây ra là thủ phạm tàn phá thành phố Tacloban ở Philippines. (Ảnh: Reuters)
Theo hãng tin AFP, WMO cho biết mực nước biển tăng cao kỷ lục vào tháng 3/2013. Tốc độ mực nước biển dâng hiện tại là 3,2mm/năm, cao gấp đôi con số 1,6mm/năm của thế kỷ 20. “Mực nước biển dâng cao khiến các khu vực ven biển dễ bị tổn thương hơn trước sóng lớn do bão gây ra. Chúng ta đã được thấy tận mắt điều này từ thảm họa bão tố ở Philippines” – WMO cho biết.
Các chuyên gia khí tượng vẫn chưa giải thích được mối quan hệ giữa hiện tượng biến đổi khí hậu và các cơn bão nhiệt đới. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự báo các trận bão nhiệt đới sẽ ngày càng dữ dội và thường xuyên hơn do hậu quả của hiện tượng trái đất ấm dần lên.
WMO cho biết trong năm 2012 tỉ lệ tích tụ khí thải nhà kính trong không khí tăng lên mức kỷ lục 393,1ppm, cao hơn 2,2ppm so với năm 2011 và tăng 41% kể từ năm 1750, thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu.
“Chúng tôi dự báo tỉ lệ này sẽ lên mức chưa từng thấy vào năm 2013, có nghĩa là tương lai khí hậu sẽ ngày càng ấm hơn” – WMO nhấn mạnh. Hiện nhiệt độ đất và mặt nước biển toàn cầu cao hơn 0,48 độ C so với thời kỳ 1961-1990.
Theo Tuổi Trẻ