Truyện ngắn: Đi qua những mùa xuân

Dường như anh nghe đâu đây có tiếng bước chân em trở lại.

Không, chỉ có nắng vàng e ấp, dìu dịu, u ẩn buồn và hiu hiu làn gió bấc âm ẩm sương đêm se se lạnh của sáng cuối đông.

Và đâu đó thỉnh thoảng có một chiếc lá khô nhẹ nhàng buông mình!

Và có tiếng em thì thầm to nhỏ:

– Nhà em ở Lái Thiêu có trái ngọt cây lành quanh năm, xuân này nhớ về quê em nghe anh!

– Ừ, anh sẽ về!

Anh nhớ là mình đã hứa như vậy với Khanh, người em gái nhỏ ở Lái Thiêu đáng thương ngày nào. Nhưng hơn  ba mươi năm qua anh vẫn còn để đó. Anh thương Khanh trong trường hợp khá ngộ nghĩnh. Ngày ấy anh là cậu Tú, Tú vừa là tên anh, một học sinh  học lớp 12B1 trường trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký Sài gòn, cũng vừa là cậu Tú Tài phần I hạng ưu với số điểm gần như tuyệt đối.

Học giỏi nhưng Tú lại ghiền tiểu thuyết kiếm hiệp, sáng nào trên đường đi học Tú cũng dành 2 đồng để đổi lấy tờ báo Trắng Đen ở một sạp báo chợ Xóm Củi, quận 8. Đổi báo cũ lấy báo mới  hằng ngày với giá bằng phân nửa là cái mốt của những người ghiền coi báo mà hà tiện ở Sài Gòn ngày ấy.Tú không phải là dạng người như trên, nhưng cũng phải làm vậy vì tiền tiêu ba má cho có hạn. Tú ghiền báo ngày hay đúng hơn là ghiền tiểu thuyết kiếm hiệp “Tiếu ngạo giang hồ” của Kim Dung, đăng từng ngày trên trang 5 của nhiều tờ báo Sài gòn như: Điện Tín, Tia sáng, Trắng Đen… Hôm ấy cầm tờ báo trên tay với hy vọng được coi hồi kết cuộc chiến không cân sức giữa  tên ma đạo “Vạn lý độc hành” Điền Bá Quang và đại đệ tử Hoa Sơn Lệnh Hồ Xung nhưng không biết vì lý do gì mà báo “tạm nghỉ một kỳ”.

Bực quá, Tú quăng mạnh tờ báo lên bàn học lẩm bẩm:

– Lại cái trò câu độc giả nữa rồi!.

8 trang báo vương vãi, hiện lên trước mặt Tú mục “Kết bạn tri âm” với dòng chữ: Trịnh Thị Tràng An… Thư về hộp thư lưu trữ Lái Thiêu, Bình Dương.

Từ lâu Tú vẫn thường khuyên bạn bè cố gắng học hành đậu nốt bằng Tú Tài II để vào Đại học, chỉ có vào Đại học mới được hoãn dịch vì lý do học vấn. Nếu không thì phải vô trường sĩ quan Thủ Đức mà học làm Chuẩn úy và cái chết non ở vùng I chiến thuật là không tránh khỏi.

Vậy mà nay chính Tú lại phá lệ viết vài dòng tự giới thiệu mình gởi về “nơi ấy”.

Mấy hôm sau đó, Tú thấy lòng mình áy náy vô cùng khi nhớ lại lời của ba:

– Đời tao ăn mắm mút dòi để lo cho tụi bây, đứa nào tao cũng cho đi học tới nơi tới chốn hết. Học để sau này mà nhờ tấm thân, không phải cực khổ như tao với má tụi bây.

                                                            

Vậy mà nay chính Tú lại phá lệ viết vài dòng tự giới thiệu mình gởi về “nơi ấy”.

Gởi xong thư, Tú cảm thấy mình có lỗi với ba khi nhớ tới những lời tâm huyết của ông nên mong sao thư bị thất lạc. Nhưng không đầy một tuần lễ sau Tú nhận được thư hồi âm. Chẳng phải là Tràng An mà là cái tên lạ quơ lạ quắc: Quách Ngọc Anh Khanh. Ngỡ ngàng Tú dự định không hồi âm, nhưng qua những dòng chân thành trong thư Tú không nỡ mà thấy thương Khanh hơn khi nghe cô nữ sinh lớp 11A3  tính tình bị bạn bè chê nhút nhát, kể lại khúc nôi sự tình.

– Khanh ơi, Mày có thư của anh trai ở Sài Gòn nè!

Giờ ra chơi An nheo nheo mắt gọi Khanh.

Nghĩ rằng bạn chọc mình nên Khanh tỉnh bơ:

– Đừng xạo! Anh tao có bao giờ viết thư cho tao đâu.

– Đâu phải thư của anh Hai mày đâu!

– Con nhỏ… sao mày nói là của anh tao?

– Đây nè lại đây tao cho coi, tao nhường anh trai Pétrus Ký cho mày đó! Mày biết dân Pétrus Ký chớ, không vừa đâu! Nghe lời tao viết thư đi, biết đâu…

Từ cánh thư trần tình đầu tiên đó, bổng nhiên Tú thấy tội nghiệp cô nàng nữ sinh chưa hề gặp mặt nên đã thư đi tin lại thấm thoát hơn một năm. Mùa thi năm ấy sau khi đậu Tú Tài II, Tú bệnh suốt một tháng trời chỉ vì chỉ đậu hạng Bình thứ. Mộng du học làm sinh viên y khoa Đại học Sorbone không còn nữa, Tú  thi đậu vào Trung tâm Quốc gia Kỷ thuật Phú Thọ và Học viện Quốc Gia Hành Chánh.

Sau một tháng học làm Kỹ sư Điện tử, Tú chuyển qua làm sinh viên Hành Chánh với học bổng ngạch B công chức 24.500đồng/tháng.

Có đôi lúc ngồi buồn một mình Tú nghĩ vẩn vơ: “Không biết có phải tại Khanh không  mà kết quả thi cử của mình lại tệ như vậy?” Nhưng rồi chẳng mấy chốc hình ảnh trong mơ lại hiện ra, Tú quên ngay ý nghĩ đó, lẩm bẩm: “Có ngày mình phải gặp mặt cô nàng mới được”.


Ngôi nhà người anh Hai của Khanh trong con hẻm nhỏ đường Trần Hưng Đạo

Một sáng “cúp cua” giờ dân luật của tiến sĩ Đào Quang Huy, Tú đi tìm gặp Khanh như thư đã hẹn trước.

Tú ấp a ấp úng khi bước chân vào ngôi nhà người anh Hai của Khanh trong con hẻm nhỏ đường Trần Hưng Đạo, gần rạp hát cải lương Hưng Đạo, quận nhất.

– Thưa… có phải nhà này…

– Ơ, ơ!… có phải là Tú không?

– Dạ…

– Em…Tôi là chị của Khanh đây, tôi có nghe nó nói nhiều về…Tú.

– Thưa… còn Khanh đâu… chị?

– Nó về Lái Thiêu ngày hôm qua rồi.

– Vậy thôi xin phép…em về, nhờ chị nói lại với Khanh là em có tới…

Người chị mời Tú ở lại tâm sự bâng quơ một lát, khi Tú chực ra về.

Tú ngỡ ngàng ra về lòng thầm trách người em gái nhỏ chỉ mới lần đầu tiên đã lỗi hẹn.

Một tuần lễ sau Tú nhận được thư xin lỗi từ Lái Thiêu mới rõ ra người con gái ngày hôm ấy chính là Khanh. Có cảm giác như lòng tự trọng của mình bị xúc phạm, Tú cắt đứt liên lạc với người con gái mà Tú đã cho là đáng thương hơn một năm trước đây.

Suốt ba tháng trời Tú hoàn trả lại cho Khanh gần 50 bức thư. Tú nhất quyết  “đoạn tuyệt” với những xao động đầu đời bằng cách nhốt mình trong thư viện quốc gia.


Bên cánh cổng lớn của Học Viện, Khanh như con chim sẽ nhỏ ngơ ngác

Dòng đời vẫn là cái vòng lẩn quẩn luôn quấn quanh lấy con người.

Một sáng mùa đầu hè trong giờ học, Tú nhận được thông báo ra cổng gặp người thân.

Bên cánh cổng lớn của Học Viện, Khanh như con chim sẽ nhỏ ngơ ngác trước bầu trời cao rộng thành phố cùng với bao ước vọng về tương lai. Tú gặp lại người em đáng thương ngày nào trước một niềm vui chưa mong đợi! Và cuộc hẹn bất ngờ là một điều báo trước những nổi nhớ nhung ray rứt dai dẳng trong Tú, báo trước những bước chân em bắt đầu đi về một hướng nào đó xa xăm.

*****

– Nhà em ở Lái Thiêu có trái ngọt cây lành quanh năm, xuân này nhớ về quê em nghe anh!

– Ừ, anh sẽ về.

Khanh đã nói như vậy và Tú cũng đã nói như vậy trong lần gặp gỡ đó. Cuộc hẹn ấy với nhịp tim chưa đồng điệu đã làm tổn thương tình cảm và lòng tự trọng người con gái tuổi mười tám, để rồi từ đó những cánh thư cứ nhạt dần…nhạt dần …rồi vắng hẳn một ngày nào Tú cũng không buồn để ý.

Dòng đời vẫn lặng lẽ êm trôi ngày hai buổi đưa đón Tú đi về trên giảng đường Đại học. Tú không còn xao xuyến với từng cơn mưa chiều lành lạnh, không còn tiếc nuối những vạt nắng chiều vàng vọt yếu ớt rơi rớt lại ở phía trời xa, không còn bồi hồi nhung nhớ… Cho đến một hôm Tú bỗng giật mình chợt nhận ra những cơn mưa lạc loài cuối đông bắt đầu len nhẹ vào tim và… Tú nghe lòng mình xao xuyến bâng khuâng là lạ. Từng ngày…từng ngày…nó nhẹ nhàng phơn phớt, chợt đến chợt đi rồi lớn dần theo nổi nhớ. Tú thưa dần trên giảng đường Đại học. Tuổi nhớ hai mươi bắt đầu chạy dài theo những con đường ngắn dài trong thành phố, trên ghế đá công viên hay những lúc rong ruổi trong những cơn mưa bất chợt về, lạnh buốt và tê tái sau mỗi chiều tan lớp.

 Tú nghe nhớ Khanh, nhớ đến từng hàng me tây hai bên những con đường phải vật vã thu mình trong những chiều nắng xuống, nhớ đến vàng lên từng con mắt vàng võ, hiu hắt chạy dài theo mỗi tối mùa đông Thành phố. Trong tận cùng nổi nhớ bất chợt Tú nghe những bước chân của Khanh chầm chậm quay về, tiếng em thì thầm to nhỏ:

– Nhà em ở Lái Thiêu có trái ngọt cây lành quanh năm, xuân này nhớ về quê em nghe anh!

– Ừ, anh sẽ về.

 Khanh ơi, anh sẽ về! Sẽ về Lái Thiêu để gặp em, chờ anh nghe Khanh!

 Một chiếc lá khô nữa lặng lẽ buông mình trong gió cuối đông.

 Mùa xuân nữa đã về rồi đó!

 Khanh ơi!?

Châu An Thuận

Nguồn: Theo phununews

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.