Mực nước biển trên thế giới có thể tăng thêm 30 cm vào cuối thế kỷ này và thời tiết bất thường sẽ xảy ra thường xuyên hơn do nhiệt độ toàn cầu ấm lên nhanh.
Một nghiên cứu mới của Viện khí tượng Max Planck ở Hamburg, Đức cho biết, nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể tăng thêm 4,1 độ vào năm 2100, làm tan băng ở Bắc cực.
Người đứng đầu dự án nghiên cứu Erich Roeckner nói: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy nhiệt độ toàn cầu đang ấm lên rất nhanh, làm thay đổi khí hậu các vùng. Khí hậu mùa hè ở châu Âu sẽ nóng và khô hơn, mùa đông sẽ ấm và ẩm ướt hơn”.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Đức được đưa ra chỉ vài ngày sau khi các đồng nghiệp Mỹ cho biết, băng Bắc cực đã liên tục tan trong bốn năm do nhiệt độ tăng, khiến độ che phủ băng ở đây chỉ đạt diện tích nhỏ nhất trong cả thế kỷ qua.
Phần lớn các nhà khoa học tin rằng khí nhà kính, gồm carbon dioxide xả ra từ các loại xe cộ, đã làm cho trái đất nóng dần lên dưới sức nóng của mặt trời.
Ông Guy Brasseur, giám đốc Viện khí tượng Max-Planck cho biết, nghiên cứu của họ nhằm cung cấp cho các chính trị gia những thông tin cần thiết để đưa ra những biện pháp ngăn chặn sự biến đổi xấu của khí hậu.
Ông Brasseur cảnh báo, châu Âu sẽ phải chịu thêm những mùa hè hạn hán và bão lụt trong thời gian tới. Lượng mưa giảm khắp miền nam châu Âu sẽ tác động tiêu cực đến nông nghiệp.
Ông Klaus Toepfer, Giám đốc chương trình môi trường LHQ tỏ ra rất lo ngại về kết quả của nghiên cứu này và cho rằng cần phải có những hành động khẩn cấp chống lại sự biến đổi khí hậu.
Theo Tiền Phong