Muốn chiều vợ nhưng sợ mẹ lườm!

Muốn chiều vợ nhưng sợ mẹ lườm!

Tôi là con trai duy nhất trong nhà, chỉ cần nói đến đây là các bạn đủ hiểu vì sao tôi phải ở cùng bố mẹ. Nói thật, tôi không hề thích ở cùng bố mẹ một chút nào, bởi phong cách sống khác nhau, bởi suy nghĩ khác nhau và bởi ai cũng thế thôi – thích tự do. Nhưng quả thật, gia đình chỉ có mình tôi là con trai, tôi không đành lòng ra ở riêng, hơn nữa điều kiện kinh tế cũng không cho phép tôi ra ở riêng.

Lấy vợ, tôi biết vợ khổ nhiều và chịu nhiều ấm ức khi về làm dâu. Vợ tôi vốn là gái phố chính hiệu, tuy là gái phố nhưng cô ấy quả là tuyệt vời, chưa bao giờ so bì thành phố với nông thôn, hay bất kể việc gì vợ tôi cũng không hề e ngại. Nhà tôi tuy ở vùng ven thành phố, dù được “ảnh hưởng” khá nhiều từ nếp sống thành thị, nhưng bản chất nông thôn vẫn không thay đổi được. Từ việc nhà cửa lộn xộn do quá trình xây dựng cơi nới, đến chăn nuôi gia súc gia cầm dù sạch sẽ đến đâu cũng có mùi khó chịu.

Muốn chiều vợ nhưng sợ mẹ lườm!

Lấy vợ về, tôi biết đôi lúc vợ tôi rất buồn lòng vì cách cư xử, xét nét của mẹ chồng, nhưng mỗi lần vợ định nói ra với tôi là tôi lại mắng át đi khiến vợ thở dài, đôi khi nằm khóc. Tôi thấy nhói lòng lắm, nhưng tôi không muốn vợ kể lể để bênh người này hoặc phản đối người kia.

Nhưng quả thật, tôi thấy mẹ tôi nhiều khi cũng khắt khe quá. Bà thường đi làm về sớm, nhưng rất ít khi nấu cơm, cùng lắm là cắm được nồi cơm rồi không biết bà đi đâu. Hôm nào cũng vậy, vợ tôi đi làm về dù sớm, dù muộn cũng đều phải nấu cơm. Lúc vợ tôi hì hụi nấu cơm là lúc mẹ tôi đi về tắm rửa, gội đầu sạch sẽ, chỉ đợi con dâu làm xong dọn mâm. Vợ tôi nấu cơm xong mồ hôi nhễ nhại, ngồi xuống ăn được miếng cơm lại tất tả đứng lên dọn rửa, lau chùi nhà cửa. Tối nào cũng vậy, xong xuôi mọi việc sớm cũng 21 giờ mà muộn cũng phải 23 giờ đêm. Nhiều khi thấy vợ vất vả, tôi có vào nấu cùng thì mẹ tôi tỏ vẻ khó chịu ra mặt rồi dằn hắt vợ, điều ấy khiến vợ tôi lại tủi thân. Lúc này, tôi cũng chẳng thể bênh vợ hay bênh mẹ, nên tốt nhất cứ để vợ làm để mẹ thôi bóng gió vợ.

 Khi vợ tôi mang bầu, không ăn được gì, cứ ngửi mùi đồ ăn là nôn, tôi nhìn vợ vậy thương lắm. Tối về, nhìn vợ vừa bịt mũi (bởi em ngửi thấy mùi mỡ là buồn nôn) vừa nấu cơm mà tôi không kìm lòng được. Nấu lên rồi có ăn được đâu, được hai miếng cơm là thôi, nhìn vợ gầy đi thấy rõ. Ấy thế mà mẹ tôi lại cho rằng trước khi đi làm về vợ tôi đã vào đâu đó ăn vặt rồi mới về nhà nên không ăn cơm. Nghe mẹ nói thế tôi giận lắm, nhìn vợ nín nhịn rồi lựa khi vắng người òa lên khóc mà tôi thấy có lỗi vô cùng. Tôi biết vợ tôi đã cố gắng nhiều lắm rồi, không phải cô gái nào cũng chấp nhận rời xa thành thị tráng lệ về một vùng quê làm dâu rồi lại phải chịu nhiều xét nét như vậy đâu. Nhưng quả thật muốn cưng chiều vợ chút mà mẹ tôi cứ lườm, nguýt khiến tôi ngại và sợ vợ lại suy nghĩ.

Muốn chiều vợ nhưng sợ mẹ lườm!

Khi vợ tôi hết nghén cũng là lúc bụng em to hơn, nhìn em nặng nề bê nồi cơm nặng nhọc, lại còn phải bưng mâm từ bếp lên nhà cho mọi người ăn, ăn xong lại hì hục dọn rửa, tôi biết vợ tôi mệt mỏi vô cùng. Em cũng có công việc, việc cơ quan cũng đủ mệt mỏi, áp lực rồi, tối về nhà lại phục vụ gia đình chồng quả là vất vả cho em. Ấy thế mà khi tôi động tay giúp vợ, mẹ tôi gằn giọng “chửa con so làm cho hàng xóm, làm đi cho dễ đẻ”. Tôi cứng lưỡi không biết nên làm thế nào nữa, đôi lúc muốn giúp vợ mà ngại.

Hôm vừa rồi mẹ tôi còn “đá thúng, đụng nia” khi về nhà bà mắng quáng quàng là dạo này nhà hôi, nhà bẩn, bà bận bịu, mệt mỏi không lau nhà được nên nhà có mùi. Vợ tôi đang nấu cơm mà chạy vào phòng tắm khóc nức nở, bởi trước kia chưa có bầu vợ tôi vẫn lau dọn, nhưng từ khi có bầu vì sợ việc lau nhà trơn không may ngã sẽ ảnh hưởng đến thai nhi nên vợ tôi không lau nhà nữa. Thế mà mẹ tôi đâu có hiểu cho, bà còn nói bóng gió vợ khiến tôi nghe thấy cũng không hề xuôi tai.

Nhà ở nông thôn, không giống thành phố, một ngày lau nhà chục lần cũng đâu sạch được, vừa lau xong thì năm con chó chạy xô lên là bẩn hết. Hơn nữa, nhà cửa xây dựng cũng lung tung, nhiều bậc khập khiễng, không may bê nước lau nhà ngã ra đấy cũng nguy hiểm. Tôi cầm chổi quét dọn, lau chùi thì vợ tôi lại được hàng xóm biết tiếng lười. Không phải bênh vợ đâu, nhưng quả thật mẹ tôi nhiều lúc cũng không đúng, dù vậy tôi cũng không thể ra mặt nói mẹ mình được. Một bên là vợ, một bên là mẹ thật khó nghĩ.

Tôi biết, giờ chúng tôi so với mẹ tôi ngày xưa thì độ vất vả đâu bằng một phần nhỏ. Tôi biết mẹ tôi muốn tôi được vợ chăm sóc, phục vụ chứ không hề muốn tôi phải động tay, động chân làm việc nhà, và bà coi việc đó là việc của phụ nữ bởi bao năm qua ở ngôi nhà này mọi việc lặt vặt trong nhà đều đến tay bà hết. Nhưng, thời bây giờ đâu giống trước kia nữa. Tôi sợ rằng nếu tôi không sớm tìm ra được giải pháp đến lúc vợ tôi không nín nhịn hơn được nữa tôi lại không giữ được gia đình nhỏ của mình, giờ tôi bế tắc quá không biết phải làm sao cho trọn.

 

Bích Ngọc
 

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.