Ích kỷ đối với chính mình
Là con gái, ai chẳng muốn một lần được mặc váy cưới đi bên cạnh người đàn ông mình yêu trong ngày trọng đại. Được dựa đầu vào người sẽ bên cạnh mình cả đời lúc vui cũng như lúc buồn. Phụ nữ dù yếu đuối hay mạnh mẽ, nghèo khổ hay tiểu thư, quê mùa hay sành điệu đều sẽ gật đầu trước câu hỏi: “Em có muốn một người đàn ông hoàn hảo cùng em xây dựng một gia đình hạnh phúc bên những đứa con xinh xắn?”. Vì thế nếu làm mẹ đơn thân, nghĩa là đã đánh mất quyền được hạnh phúc trọn vẹn.
Đơn độc trên mọi hành trình, nhất là làm mẹ là điều không ai muốn, ngay cả đối với những người đàn bà trải đời và thành đạt nhất. Vì thế đừng bao giờ nói rằng, tôi có đủ tự tin và mạnh mẽ sinh con, nuôi con và dạy con một mình. Một bà mẹ đơn độc không phải là chuyện đơn giản.
Cuộc sống của người mẹ đơn độc không hề đơn giản
Có nhiều lý do khác nhau để một người phụ nữ trở thành single mom: do gặp phải một người chồng tồi tệ, li hôn và chấp nhận sinh con, hoặc bị chính người đàn ông từng yêu thương lừa dối, phụ bạc…và còn có cả những người phụ nữ không muốn lấy chồng mà lại muốn có con.
Có con là niềm hạnh phúc lớn, nhưng nó chỉ thực sự trọn vẹn khi cho con một gia đình. Làm mẹ đơn thân nghĩa là phải tự mình làm phần việc của người cha và người mẹ. Công thức để làm singer mom là cố gắng, dũng cảm và mạnh mẽ gấp hàng nghìn lần so với những bà mẹ bình thường. Từ lúc vượt cạn đến lúc thấy tên con trên tờ khai sinh là một chặng đường dài, chưa kể quãng thời gian nuôi dạy con từ một nắm thịt đỏ hỏn tới một cậu bé, cô bé trưởng thành.
Làm một người mẹ đã không dễ, nên vừa làm mẹ vừa làm cha là điều cực khó. Không những phải có kinh tế vững vàng, nghị lực vững vàng mà những cành liễu yếu đào tơ còn phải gồng mình lên thành những cây cổ thụ. Bởi chỉ có cổ thụ mới đảm nhiệm được vai trò của các ông bố bà mẹ. Bởi một đứa trẻ không chỉ có ăn, uống, ngủ và chơi, chúng còn cần tình thương đủ đầy để phát triển về mặt tâm hồn.
Người đàn bà ích kỷ với chính bản thân mình khi tự cho mình quyền được gai góc, sắc nhọn trong khi đặc quyền của phái yếu là yếu đuối. Và single mom luôn luôn trong tư thế thủ, phải sắc nhọn như một cây xương rồng để bảo vệ chính mình và con cái.
Chấp nhận nuôi con đơn độc đồng nghĩa với việc phải lặng lẽ ôm con trong khi những người mẹ bình thường khác sẽ nhận được vô vàn lời chúc mừng từ những người xung quanh với những câu hỏi thăm đầy hoan hỉ khi vừa mới tỉnh lại sau ca vượt cạn đau đớn. Sẽ thuộc nằm lòng câu hỏi “sinh xong rồi định tính sao?” sẽ phải tìm câu trả lời cho những câu hỏi: “Tại sao con không có cha?”, “Cha bé đâu?” “Có phải anh a, b, c kia là cha bé không?”…
Độc ác với chính những thiên thần
Ngoài lý do lỡ lầm, những thiên thần là kết quả của một cuộc tình không có hậu thì một số bà mẹ lại mang sở thích muốn có con mà không phải lấy chồng, làm dâu làm lý do để biện hộ cho việc sinh con của mình. Họ khẳng định mình có đủ điều kiện về tài chính, kinh nghiệm, nghị lực để phán quyết định đoạt cho ra đời một sinh mạng để khỏa lấp thời gian, bù đắp sự cô đơn khi về già, hoặc đơn giản chỉ là muốn làm mẹ như người ta. Nó đồng nghĩa với việc những bà mẹ ích kỷ đặt lên vai đứa trẻ chưa chào đời những trách nhiệm to tát: là niềm vui của mẹ, là chỗ dựa về tinh thần khi mẹ còn trẻ và cả khi mẹ đã già… Vậy chẳng độc ác là gì?
Đứa trẻ chào đời cần tình thương của cả cha và mẹ
Đứa trẻ nào khi chào đời cũng mong có một gia đình hạnh phúc, có cha và mẹ. Sự thiếu hụt nào cũng là độc ác đối với những sinh linh vô tội. Không có cha nghĩa là không có trụ cột, bờ vai vững chãi. Người mẹ sẽ phải đóng thế, và chắc chắn một điều người đóng thế muôn đời là người thế chỗ.
Thiệt thòi đầu tiên mà một đứa trẻ con bà mẹ đơn thân phải gánh lấy là tờ khai sinh bỏ trống họ tên cha. Nó sẽ đeo đẳng cả cuộc đời con, khi con bắt đầu đi học, khi con lấy vợ/ lấy chồng, khi con làm cha/ làm mẹ… Và cả khi con không còn trên đời này nữa. Đôi khi chỉ một chỗ bị bỏ trống thôi cũng giết chết một con người.
Những thiên thần lớn lên trong muôn vàn nghi vấn, sẽ quẩn quanh đi tìm câu trả lời: cha mình là ai?, Nếu có cha bây giờ cha sẽ khuyên mình như thế nào? Liệu cha có biết mình tồn tại không?…
Khi chấp nhận một mình nuôi con, người mẹ phải đương đầu với rất nhiều khó khăn như: dư luận xã hội, gánh nặng kinh tế và đặc biệt là giáo dục nhân cách cho con. Tuy họ dành nhiều tình thương cho con, vật chất không thiếu thốn nhưng việc giáo dục để con phát triển tâm sinh lý hoàn thiện vẫn là một thách thức lớn. Những bà mẹ này luôn trong trạng thái lo sợ, điều này kéo theo hệ lụy những đứa trẻ rất dễ mặc cảm, hay sống khép kín, ngại giao tiếp… Và những điều đó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của trẻ khi trưởng thành.
Nguồn: Theo phununews
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.