Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vừa lập kế hoạch giải cứu tàu tự hành trên sao Hỏa, sau khi nó bị lún xuống cát hơn nửa năm nay.
Ảnh minh họa tàu thăm dò tự hành Spirit trên sao Hỏa. Ảnh: sundaymercury.net.
Theo AP, chiến dịch giải cứu có thể diễn ra trong nhiều tháng.
“Nếu nỗ lực của chúng tôi thất bại, chiếc bẫy cát đó có thể là điểm kết thúc chuyến thám hiểm sao Hỏa của thiết bị tự hành Spirit”, Doug McCuistion, giám đốc chương trình thám hiểm sao Hỏa của NASA, phát biểu.
Trong lúc chạy lùi để quay trở lại điểm xuất phát vào tháng 4, những bánh xe của Spirit đã sa xuống cát mịn như bột trên hành tinh đỏ. Thiết bị càng cố ngoi lên thì bánh càng lún sâu xuống cát.
Sau khi tham khảo nhiều giải pháp cứu nạn với những thiết bị thăm dò mô hình, NASA tuyên bố họ đã có kế hoạch giải cứu Spirit. Theo kế hoạch này, các kỹ sư sẽ để cho Spirit tiến về phía trước.
“Nếu thiết bị tự hành tiến lên thì có lẽ bánh của nó sẽ thoát khỏi cát”, Ashley Stroupe, người điều khiển Spirit, nhận định.
Spirit đáp xuống sao Hỏa với 6 bánh xe, nhưng ngay sau đó chiếc bánh đầu tiên bên phải hỏng. Nó đã chạy khắp hành tinh đỏ với chiếc bánh hỏng ấy trước khi mắc kẹt. Những bức ảnh mà thiết bị tự hành gửi về trái đất cho thấy phía dưới nó có vài viên đá. Sự hiện diện của những viên đá ấy khiến nỗ lực thoát nạn của Spirit trở nên khó khăn hơn.
Chiến dịch giải cứu này là thách thức lớn nhất của NASA kể từ khi hai thiết bị thăm dò Spirit và Opportunity đáp xuống sao Hỏa vào năm 2004. Chúng gây ngạc nhiên vì hoạt động lâu hơn thời gian dự kiến. Nỗ lực giải cứu Spirit sẽ được thực hiện tới tháng 2 năm sau và có thể tiếp tục sau đó. Nếu chiến dịch thất bại, một ủy ban sẽ được thành lập để quyết định số phận Spirit.
AP nhận xét rằng 2009 là năm khó khăn với Spirit. Ngoài việc mắc kẹt, nó còn gặp trục trặc ở bộ nhớ và ăng-ten. Mặc dù gặp nạn, thiết bị tự hành không hề nghỉ ngơi. Nó vẫn đang “cần mẫn” phân tích đất ở ngay bên dưới để tìm hiểu môi trường sao Hỏa trong quá khứ.
Theo VnExpress