Sau 14 tháng nỗ lực, Mỹ đã giải cứu thành công vệ tinh liên lạc quân sự, vốn rơi vào quỹ đạo sai lệch và có thể nổ tung.
Trong hơn 1 năm trời, vệ tinh tối tân mang tên AEHF-1 của Mỹ phải chống chọi sức hút của trái đất, đồng thời không ngừng luồn lách tránh khỏi tầm di chuyển của rác vũ trụ. Cùng lúc, các chuyên gia của không lực Mỹ nỗ lực nâng vệ tinh lên thêm khoảng 34.000km.
Sai lầm ngớ ngẩn
AEHF-1 là vệ tinh đầu tiên thuộc chương trình AEHF, viết tắt từ Advanced Extremely High Frequency (tạm dịch: Tần số cực cao hiện đại) trị giá 14 tỉ USD của quân đội Mỹ, được đưa vào quỹ đạo. Chương trình này có mục tiêu tăng cường khả năng liên lạc và tránh tình trạng nghẽn đường truyền, theo AP ngày 20/3. Do vậy, việc để mất AEHF-1 không những gây tổn thất lớn mà còn khiến Lầu Năm Góc bẽ mặt. Hậu quả kéo theo sẽ là kế hoạch thay thế vệ tinh của Mỹ bị hoãn lại, buộc quân đội tiếp tục dựa vào hệ thống Milstar cũ kỹ, vốn bắt đầu được sử dụng từ năm 1994.
Chương trình AEHF đã bị bội chi 250 triệu USD và chậm hơn 2 năm so với kế hoạch khi vệ tinh AEHF-1 xuất phát từ mũi Canaveral, Florida vào tháng 8/2010. Theo kế hoạch, tên lửa Atlas V mang AEHF-1 lên quỹ đạo chờ. Trục trặc xảy ra sau đó khi đài kiểm soát 2 lần điều chỉnh cho AEHF-1 di chuyển lên quỹ đạo tròn cách trái đất hơn 35.000km. Cả 2 lần kích hoạt động cơ đều thất bại do vệ tinh tự động tắt khi phát hiện lỗi, mà theo điều tra là do chuyên viên lắp ráp bỏ quên một mảnh vải trong khoang nhiên liệu. Thế là vệ tinh trị giá 1,7 tỉ USD của Mỹ cứ nằm lơ lửng trong quỹ đạo chờ. Điều tồi tệ hơn là bộ phận chứa nhiên liệu có nguy cơ bắt lửa và phát nổ, AP dẫn lời giới chức không lực Mỹ cho hay. Trong hơn 1 năm qua, các cơ quan hữu trách của Mỹ đã im lặng tìm cách giải cứu AEHF-1 và chỉ mới công bố vụ việc cách đây 3 ngày.
Lầu Năm Góc đã giữ được thể diện với sứ mệnh giải cứu AEHF-1
Nhiệm vụ bất khả thi
Phản ứng đầu tiên của tôi là: “Thôi rồi! Sứ mệnh đã thất bại”, tờ Houston Chronicle dẫn lời Giám đốc Dave Madden của Ban Quản lý hệ thống vệ tinh viễn thông quân sự tại căn cứ không quân Los Angeles kể lại. Ông Madden nhanh chóng tập hợp những bộ óc giỏi nhất của không lực và ngành không gian Mỹ, trong đó có các chuyên gia của Tập đoàn Lockheed Martin, để thảo luận. Các chuyên gia cảnh báo có thể mất luôn vệ tinh nếu cố gắng kích hoạt động cơ một lần nữa. Họ đưa ra kế hoạch giải cứu sử dụng 2 hệ thống đẩy phụ của AEHF-1, vốn yếu hơn động cơ chính và được thiết kế để điều chỉnh hướng đi, đẩy vệ tinh vượt qua quãng đường 34.000km lên tới độ cao dự kiến.
Trong vòng 14 tháng tiếp theo, đội ngũ chuyên gia mở 2 bộ phận đẩy này hàng trăm lần và lần nào cũng phải cẩn thận kiểm tra nhằm đảm bảo AEHF-1 không húc phải hàng trăm ngàn mảnh rác vũ trụ đang trôi lềnh bềnh trên quỹ đạo. Đã nhiều lần họ phải mướt mồ hôi điều khiển vệ tinh lách khỏi một mảnh vỡ trong gang tấc. May mắn là tất cả đều ổn thỏa và vệ tinh lên được quỹ đạo dự kiến vào tháng 10/2011. Kết quả thử nghiệm mới nhất hồi cuối tháng 2 cho thấy vệ tinh hoạt động tốt, AP dẫn đánh giá của Lockheed Martin cho hay. Trong tuyên bố đưa ra hồi đầu tuần, không lực Mỹ khẳng định AEHF-1 vẫn còn đủ nhiên liệu để hoàn tất chu kỳ hoạt động kéo dài 14 năm.
Theo Thanh Niên