Mỹ lung lay tham vọng trở lại mặt trăng

Mỹ muốn quay trở lại mặt trăng trước năm 2020 trước khi đưa người lên sao Hỏa, song kế hoạch của họ khó có thể trở thành hiện thực do thâm hụt ngân sách. 

Cả thế giới thán phục trình độ khoa học kỹ thuật của Mỹ khi nước này thành công trong việc đưa người lên mặt trăng vào năm 1969. Ảnh: ancestry.com.

Vào giữa tháng 7/1969 Mỹ đã thành công trong việc đưa tàu Apollo 11 lên mặt trăng. Chuyến bay là sự kết hợp giữa những kỳ tích về khám phá trong lịch sử loài người và các thành tựu đáng kinh ngạc về khoa học và chế tạo máy của Mỹ. Cả thế giới từng sửng sốt trước khả năng công nghệ và tham vọng của Mỹ.

Nhưng đó là chuyện cách đây 40 năm. Giờ đây, một trong những vấn đề gai góc nhất mà Tổng thống Barack Obama phải giải quyết trong những tháng sắp tới chính là tương lai của các chuyến bay có người lái vào vũ trụ, chứ không phải sự ổn định của hãng General Motors, sự minh bạch của hệ thống tài chính phố Wall hay căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Nhiều người đang đặt ra câu hỏi: Liệu chính quyền Obama đã sẵn sàng chi ra hàng núi tiền để trở lại mặt trăng trước năm 2020 hay chưa? Liệu khủng hoảng kinh tế có cản trở kế hoạch đó?

Nhà Trắng vừa lập một ủy ban đặc biệt để xem xét lại các lựa chọn của nước Mỹ trong lĩnh vực chinh phục vũ trụ. Động thái ấy mở ra một giai đoạn mà trong đó mối quan tâm của Washington đối với không gian rơi xuống điểm tương đối thấp.

Dự án tàu con thoi – bắt đầu từ năm 1981 – sẽ kết thúc vào năm sau. Thế nhưng chương trình thay thế mang tên Constellation không thể bắt đầu trước năm 2015. Thực tế đó đẩy Mỹ – luôn được coi là nước đi đầu thế giới trong lĩnh vực chinh phục không gian – ra khỏi cuộc chơi vũ trụ trong 5 năm.

Jeff Hanley, quan chức được NASA phân công phụ trách chương trình Constellation, tiết lộ rằng lý do trì hoãn rất đơn giản. Việc chế tạo thế hệ tàu vũ trụ mới “ngốn” khá nhiều tiền, trong khi mức độ “bạo chi” trong lĩnh vực không gian của chính quyền Mỹ đang giảm dần theo thời gian.

“Vào thời điểm cao trào nhất trong dự án chế tạo tàu Apollo, kinh phí dành cho NASA chiếm khoảng 4% ngân sách liên bang. Ngày nay, chỉ có gần 0,5% ngân sách của nước Mỹ dành cho tham vọng đưa người vào vũ trụ”, Hanley giải thích. 

Nhân viên an ninh Mỹ tuần tra trên đoạn sông gần Trung tâm vũ trụ Kennedy, bang Florida. Phía xa là tàu con thoi Endeavour nằm trên bệ phóng. Ảnh: AP.

John Holdren, cố vấn khoa học của Nhà Trắng, khẳng định Tổng thống Obama hiểu được tầm quan trọng của các chuyến bay đưa người vào vũ trụ và ông thực sự muốn đưa người trở lại mặt trăng cũng như nhiều nơi khác ở phía trên quỹ đạo thấp của trái đất.

Nhưng vấn đề của ông Obama cũng rất đơn giản. Đó là tiền. Thâm hụt ngân sách của Mỹ trong năm nay có thể lên tới 12.000 tỷ USD. Trong hoàn cảnh ấy, chính quyền Obama đương nhiên có lý do để trì hoãn dự án chế tạo thế hệ tàu vũ trụ mới, trong khi những lợi ích của dự án còn khá mơ hồ.

Trong thập niên 60 của thế kỷ trước, Mỹ tự làm suy yếu nền kinh tế của họ bằng cách thực hiện hai dự án lớn nhất và tốn kém nhất trong lịch sử đất nước: chương trình không gian và chiến tranh Việt Nam. Những ngày mà nước Mỹ vung tiền không cần đếm giờ chỉ còn là hoài niệm. Ngày nay người dân của cường quốc hùng mạnh nhất thế giới tin rằng tiền thuế của họ nên được sử dụng vào tham vọng lên sao Hỏa. Một số căn cứ trên mặt trăng sẽ đóng vai trò là tiền đồn cho tham vọng thám hiểm hành tinh đỏ.

Đưa người lên sao Hỏa không phải việc dễ dàng. Loài người bắt đầu chinh phục vũ trụ cách đây gần 50 năm. Nhưng về sau dư luận càng tỏ ra thờ ơ với những chuyến bay giống nhau, đồng thời sửng sốt với mức độ tốn kém của chúng. Tới tận bây giờ, họ chỉ nhớ vài sự kiện tiêu biểu, như vụ đổ bộ lên mặt trăng, tai nạn của tàu con thoi Challenger và Columbia.

Trong vài tháng tới, dân Mỹ sẽ biết liệu tổng thống Obama có tìm ra lý do nào về mặt chiến lược, hệ tư tưởng hay kinh tế để thúc đẩy nỗ lực đưa người lên vũ trụ hay không. Điều quan trọng hơn là ông sẽ dám chi bao nhiêu tỷ USD nếu quyết định theo đuổi nỗ lực ấy?

 

Theo VnExpress (BBC)