Một thiên thạch có thể lao trúng trái đất vào năm 2182 và Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) muốn lấy mẫu đá trên thiên thạch để tính toán chính xác đường đi của nó.
Hình minh họa thiên thạch bốc cháy khi cọ xát với bầu khí quyển trái đất.
(Ảnh: deathby1000papercuts.com)
Christian Science Monitor đưa tin xác xuất để thiên thạch mang tên 1999 RQ36 va chạm với địa cầu trước năm 2200 là một phần nghìn. Tuy nhiên, thời điểm mà khả năng đụng độ giữa hai thiên thể lên tới mức cao nhất rơi vào ngày 24/9/2182. Với chiều ngang lớn nhất vào khoảng 560 m, nếu thiên thạch này lao trúng trái đất, cú va chạm sẽ có sức công phá tương đương vài trăm quả bom nguyên tử nổ cùng lúc.
Fox News cho biết, NASA muốn phóng một tàu vũ trụ lên 1999 RQ36 để lấy mẫu vật chất của nó. Từ những mẫu vật chất các nhà khoa học có thể tính toán chính xác quỹ đạo di chuyển của thiên thạch và tác động mà nó thể gây nên. Kế hoạch phóng tàu sẽ được thông báo vào mùa hè năm 2011. Sau đó một tàu vũ trụ thế hệ mới sẽ được phóng lên thiên thạch vào năm 2016 và trở về vào năm 2023.
Các nhà khoa học NASA muốn đưa tàu lên 1999 RQ36 vì họ nghĩ rằng vật chất của nó không thay đổi kể từ khi hệ Mặt Trời hình thành. Ngoài ra quỹ đạo của nó tương đối thuận lợi cho việc phóng tàu.
Clark Chapman, chuyên gia về các hành tinh thuộc Viện nghiên cứu Southwest tại Mỹ, nhận định 1999 RQ36 có thể tạo ra một hố có đường kính chừng 10 km, song không hủy diệt toàn bộ nền văn minh trên địa cầu.
Giới khoa học từng vạch ra nhiều biện pháp để đối phó với những thiên thạch có khả năng va vào trái đất. Nếu thiên thạch được tạo nên bởi băng, con người có thể dùng các tấm gương khổng lồ để phản chiếu ánh sáng mặt trời lên thiên thạch khiến nó tan chảy. Một cách khác là bắn tên lửa trúng thiên thạch để thay đổi quỹ đạo của chúng. Người ta cũng có thể phóng tàu vũ trụ tới gần thiên thạch để lực hấp dẫn giữa hai vật thể khiến quỹ đạo thiên thạch thay đổi.
Theo VnExpress