Mỹ phóng vệ tinh theo dõi biến đổi khí hậu

Mỹ phóng vệ tinh theo dõi biến đổi khí hậu

Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ phóng một vệ tinh nhân tạo để thử nghiệm những công nghệ dự báo thời tiết và theo dõi biến đổi khí hậu trên trái đất.

Mỹ phóng vệ tinh theo dõi biến đổi khí hậu

Vệ tinh – trị giá 1,5 tỷ USD – sẽ được phóng từ căn cứ không quân Vandenberg, bang California bằng tên lửa Delta 2. Nó sẽ bay lên quỹ đạo cách mặt đất khoảng 800km, AP cho biết.

Sau khi lên quỹ đạo, vệ tinh sẽ bay quanh trái đất theo chiều từ cực bắc tới cực nam hơn 10 lần mỗi ngày. Dữ liệu sẽ được truyền tới một trạm trên mặt đất ở Na Uy rồi được chuyển tiếp sang Mỹ qua cáp quang. NASA sẽ vận hành vệ tinh trong ba tháng đầu tiên trước khi chuyển quyền quản lý cho Cơ quan Hải dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ.

NASA đã đưa một nhóm vệ tinh quan sát trái đất lên quỹ đạo. Chúng đo các chỉ số trong không khí, mây và đại dương. Nhưng nhiều vệ tinh trong số đó đã được sử dụng quá lâu và cần được thay thế.

Vệ tinh sắp phóng – to bằng một chiếc xe buýt cỡ nhỏ – có cấu tạo phức tạp hơn so với các vệ tinh trước. Nó được trang bị 5 loại thiết bị có khả năng thu thập dữ liệu về môi trường, trong đó 4 loại chưa từng xuất hiện trong vũ trụ.

Một trong những nhiệm vụ chính của vệ tinh là thử nghiệm những công nghệ mới. Những công nghệ này sẽ được sử dụng bởi thế hệ vệ tinh tiếp theo để dự đoán chính xác hơn đường đi của bão, lốc xoáy và những hiện tượng thời tiết dữ dội. Ngoài ra chúng cũng giúp giới khoa học theo dõi hiện tượng ấm lên toàn cầu.

 

Theo Vnexpress