Ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, dự báo mùa hè năm nay nắng nóng gay gắt hơn, nhiều khả năng có các cơn bão mạnh, có thể xuất hiện siêu bão.
Dự báo năm 2017 có nhiều cơn bão mạnh, có thể xuất hiện siêu bão
Liên quan đến tình hình thời tiết năm 2017, ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, dự báo từ tháng 3/2017 cho thấy hiện tượng El Nino (nắng nóng) đang có khuynh hướng trở lại. Đến giữa tháng 3/2017, những thông tin mới về dự báo cho thấy bắt đầu từ tháng 5, 6/2017, nhiều khả năng hiện tượng El Nino sẽ quay trở lại với xác suất lên đến 60, 70%. Như vậy, các hiện tượng thời tiết, khí tượng thủy văn được dự báo nhiều khả năng có các cơn bão mạnh, có thể xuất hiện siêu bão.
Hình ảnh ô tô bị cây đè bẹp do ảnh hưởng của cơn bão số 3 năm 2016 tại Hà Nội.
“Mưa trái mùa sẽ nhiều nhưng mưa chính mùa lại ít hơn. Nắng nóng năm nay được dự báo sẽ nóng hơn so với trung bình. Đây là những cảnh báo đầu tiên nên chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ các diễn biến về El Nino để có thể đưa ra những dự báo xa về hiện tượng thời tiết năm nay”, ông Hải nói.
Mùa hè năm 2017, hiện tượng nắng nóng sẽ gay gắt hơn.
Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia cho rằng, nếu El Nino còn diễn biến đến mùa thu hoặc mùa đông, mùa khô năm 2017 sang 2018 sẽ lại hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt. Tại thời điểm này, có thể nói được là mùa xuân sẽ nhiều dông lốc, mùa hè năm nay nóng hơn, bão và áp thấp nhiệt đới ở mức trung bình và ít hơn một chút so với trung bình nhiều năm, mưa sẽ thiếu hụt nhiều hơn, đến muộn hơn một chút so với trung bình.
Hình ảnh người dân trèo lên nóc nhà tránh cảnh mưa lũ ở Quảng Bình.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gần đây có nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, tức là những hiện tượng khó lường, ít gặp. “Năm 2015, có trận mưa kỷ lục ở Quảng Bình lên tới 1.500mm trong 10 ngày, tức là chỉ trong vòng có 10 ngày thì lượng mưa đã bằng 2/3 lượng mưa cả năm. Cùng với đó, lũ lụt ở miền Trung, hạn hán đầu năm ở Tây Nguyên, Nam Bộ, Nam Trung bộ, xâm nhập mặn…
Tất cả các yếu tố khó lường đang diễn ra và có lẽ chúng ta phải chờ đón những hiện tượng cực đoan sắp tới như nắng nóng, cơn bão mạnh hoặc siêu bão. Như vậy là phải có chuẩn bị để ứng phó với những diễn biến thời tiết khó lường”, ông Hải cảnh báo.
Lũ quét, sạt lở đất có khả năng xảy ra nhiều hơn năm 2016
Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, nếu hiện tượng ENSO (Do 2 hiện tượng El Nino/La Nina (đại dương) và SO (khí quyển) xảy ra trên xích đạo) chuyển sang trạng thái El Nino vào nửa cuối năm 2017, nhiều khả năng bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông vẫn sẽ xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm (Trung bình nhiều năm khoảng 12-13 cơn/năm). Tuy nhiên số lượng bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta sẽ ít hơn. Ngoài ra, tính bất quy luật của bão sẽ tăng cao vào những năm chịu tác động của El Nino.
Một chiếc xe du lịch bị mắc kẹt trên đường lên Sa Pa, Lào Cai do sạt lở đất. (Nguồn: Facebook).
Mùa mưa ở Bắc Bộ đến muộn hơn. Thời điểm bắt đầu mùa mưa ở Nam Bộ và Tây Nguyên có khả năng đến sớm. Cuối năm, dưới tác động của El Nino, lượng mưa trên phạm vi toàn quốc có xu hướng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, hiện tượng mưa lớn đến rất lớn cục bộ trong thời đoạn ngắn thường xuất hiện trong những năm chịu tác động của El Nino.
Ít có khả năng xuất hiện lũ tiểu mãn đồng thời trên nhiều lưu vực sông thuộc Bắc Bộ. Mùa lũ 2017 trên các sông Bắc Bộ có khả năng đến muộn hơn trung bình nhiều năm. Đỉnh lũ trên các sông suối tương đương năm 2016, phổ biến ở mức BĐ 2-3, một số sông suối nhỏ trên BĐ 3. Lũ quét, sạt lở đất có khả năng xảy ra nhiều hơn năm 2016, đặc biệt tại các khu vực miền núi phía Tây Bắc Bộ.
Mùa lũ 2017 trên các sông ở Tây Nguyên và thượng nguồn sông Mê Công đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Diễn biến lũ trên các sông ở Trung Bộ và sông Cửu Long phù hợp với quy luật nhiều năm, đỉnh lũ trên các sông ở Trung Bộ, Tây Nguyên tương đương mức trung bình nhiều năm.
Lũ lớn nhất năm ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức BĐ2-BĐ3 (4,0-4,5m). Tuy ít có khả năng xuất hiện lũ đặc biệt lớn nhưng tiềm ẩn nguy cơ cường suất lũ lên nhanh hơn bình thường do tác động của việc xả ở thượng lưu và bề rộng mặt cắt sông bị thu hẹp.
Theo Thời Đại