Bắt đầu từ 15-2-2016, Thông tư 01/2016 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ… của CSGT sẽ có hiệu lực. Thông tư này thay thế Thông tư 65/2012 cũng của Bộ Công an.
Theo đó, thông tư quy định CSGT được phép dừng phương tiện giao thông để kiểm tra, xử lý trong năm trường hợp sau đây:
– Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.
– Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của cục trưởng CSGT hoặc giám đốc công an cấp tỉnh trở lên.
– Thực hiện kế hoạch, tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông của trưởng phòng tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục CSGT, trưởng phòng CSGT hoặc trưởng công an cấp huyện trở lên.
– Có văn bản đề nghị của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác đảm bảo an ninh, trật tự… Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp.
– Tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
Thông tư quy định việc dùng phương tiện phải đảm bảo yêu cầu an toàn, đúng quy định của pháp luật; không làm cản trở đến hoạt động giao thông; khi đã dừng phương tiện phải thực hiện việc kiểm soát, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật.
Ngoài ra, thông tư còn quy định về quyền hạn của CSGT. Trong đó đáng chú ý là quyền được trưng dụng các loại phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển; sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật.
Hà Nội: Từ ngày 1-2 sẽ xử phạt người đi bộ
Ngày 27-1, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC67) – Công an TP Hà Nội cho biết từ ngày 1-2 đơn vị này sẽ tập trung kiểm tra, xử lý đối với người đi bộ vi phạm luật giao thông tại các nút giao thông trọng điểm có đèn tín hiệu giao thông, vạch sơn và cầu vượt cho người đi bộ, trên các tuyến cấm người đi bộ…
Theo đó, căn cứ vào Nghị định 171/2013, người đi bộ sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng đối với người đi bộ đi không đúng phần đường quy định; không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường; không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, người kiểm soát giao thông.
Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng nếu người đi bộ mang vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không đảm bảo an toàn; đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy.
Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, duy trì đường cao tốc.
Thống kê của PC67 cho thấy trong năm 2015, trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra 1.696 vụ tai nạn giao thông, trong đó 112 vụ liên quan đến người đi bộ, 33 vụ do người đi bộ gây ra. Những lỗi vi phạm mà người đi bộ thường mắc phải như đi qua đường không đúng nơi quy định, vượt qua dải phân cách, đi vào đường cao tốc, đi ngược chiều, không tuân thủ tín hiệu đèn giao thông…
Nguồn: Theo Pháp luật TP.HCM
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.