Năng suất của lúa lai Việt Nam cao hơn lúa thuần từ 15-20%

Hội thảo quốc tế về thực trạng và giải pháp phát triển bền vững lúa lai và hệ sinh thái nông nghiệp diễn ra tại Hà Nội đã khẳng định năng suất của lúa lai cao hơn lúa thuần từ 15 – 20%.

Hội thảo do trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội phối hợp với Hiệp hội phát triển khoa học Nhật Bản tổ chức trong hai ngày 23 và 24-11, với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam và các nước Nhật Bản, Philippines, Ấn Độ, Banglalesh, Đức, Hoa Kỳ…

Lúa lai được gieo trồng ở Việt Nam từ năm 1991. Hiện nay, diện tích lúa lai là hơn 600.000 ha hằng năm với năng suất trung bình từ 6-6,3 tấn/ha, cao hơn lúa thuần từ 15-20%. Việc sử dụng lúa lai đã góp phần nâng cao năng suất, sản lượng lúa và tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nông dân thông qua việc sản xuất hạt lai. Lúa lai góp phần bảo đảm an ninh lương thực ở nhiều tỉnh phía bắc và Trung bộ.

Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội đã đạt được một số thành tựu về nghiên cứu và phát triển lúa lai, với sự hợp tác của các tổ chức quốc tế như FAO, Viện Nghiên cứu lúa quốc tế, một số viện nghiên cứu của Trung Quốc và trường Đại học Kyushu (Nhật Bản).

Lúa lai được trồng ở Hà Tây
(Ảnh: ND)

Phó giáo sư – tiến sĩ Trần Đức Viên, Hiệu trưởng trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội cho biết: Giống Việt Lai 20 do trường lai tạo vào năm 2004 đã được công nhận là giống quốc gia đầu tiên của Việt Nam. Từ đó đến nay, có nhiều giống lúa lai khác được ra đời như TH3-3, TH5-1, TH 3-4 và Việt Lai 24, những giống này cũng đã được công nhận là giống quốc gia và đang được sản xuất trên diện tích hàng chục nghìn héc-ta”.

Muốn phát triển được lúa lai ngoài việc tạo được tổ hợp lai có năng suất cao còn phải tạo được giống có chất lượng và khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, ổn định. Giống lúa quốc gia đầu tiên Việt Lai 20 cho năng suất tốt và thời gian sinh trưởng ngắn nhưng vẫn nhiễm bệnh bạc lá. Theo tiến sĩ Atsushi Yosshimura, Đại học Kyushu và các nhà khoa học, giải pháp để chống lại bệnh này đối với lúa lai, đó là chuyển gien kháng bạc lá Xa21 vào dòng 103S thông qua phép lai lại và chọn lọc dựa vào chỉ thị đánh dấu phân tử. Hy vọng, sau khi áp dụng giải pháp này vào thực tế sản xuất thì một vụ lúa Việt Lai 20 sẽ khoảng 90 ngày cho thu hoạch và năng suất sẽ tăng lên, từ 8-9 tấn/ha.

Các chuyên gia cho rằng, có thể phòng trừ rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ vào thời kỳ làm đòng bằng cách hỗn hợp thuốc trừ rầy lưng trắng và sâu cuốn lá nhỏ để tiết kiệm một lần phun thuốc. Ngoài ra, việc phòng trừ bọ trĩ nên dùng thuốc có nguồn gốc thảo dược. Lúa cũng nên cấy mật độ vừa phải, 40-45 khóm/m2 để hạn chế sâu bệnh hại.

Tại hội thảo, một số giải pháp phát triển bền vững lúa lai ở Việt Nam đã được đưa ra. Đó là nâng cao năng lực nghiên cứu, năng lực sản xuất hạt giống lúa lai và quản lý chất lượng hạt giống lúa lai trong nước. Chọn giống lúa lai là một phương pháp tạo giống rất hiệu quả ở nước ta đối phó với sự đa dạng cả về địa lý, khí hậu và xã hội. Phương pháp này làm giảm thời gian chọn giống và mở ra khả năng ứng dụng rộng rãi các nguồn di truyền của cây lúa.

Một giải pháp thâm canh lúa lai giúp giảm chi phí đầu vào, giảm lượng phân bón và tăng năng suất lúa tới 20% so với biện pháp canh tác truyền thống là sử dụng phân viên nén bón sâu, một kỹ thuật sản xuất mới được sáng tạo bởi các nhà khoa học trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội và áp dụng hiệu quả ở nhiều nơi trên cả nước. Biện pháp này sẽ góp phần vào việc phát triển nông nghiệp bền vững cũng như bảo vệ môi trường.

TRÀ MY

 

Theo Nhân dân